Ngày 27/2/2019 là tròn 75 năm chấm dứt cuộc bao vây thành phố Leningrad thời Liên Xô (nay là thành phố Saint Petersburg thuộc Liên bang Nga). Có 7 yếu tố giúp những người sống sót tại thành phố này vượt qua được 872 ngày khủng khiếp trong vòng vây của quân đội phát xít Đức.
1. Chế độ tem phiếu
Các tem phân chia khẩu phần cho phép các công dân của thành phố Leningrad mua lương thực theo giá do nhà nước quy định. Mỗi con tem chỉ rõ lượng hàng hóa có thể mua được. Bánh mì có thể mua hàng ngày, các sản phẩm khác có thể mua cứ 10 ngày một lần. Thực phẩm rất khan hiếm, đặc biệt là thịt.
Tem phiếu Liên Xô năm 1941. Ảnh: Ajvol.
Khẩu phần giảm dần cho đến tháng 11 và tháng 12/1941 – những tháng khắc nghiệt nhất với những người sống trong thành phố, khi công nhân chỉ được nhận 150-250 gram bánh mì mỗi ngày, còn công chức, trẻ em, và những người phụ thuộc chỉ được phép nhận 125 gram mỗi ngày.
Khi ấy, khẩu phần hàng tháng như sau: Công nhân và kỹ sư được nhận 1,5kg thịt, 2kg mì sợi, 800 gram chất béo (mỡ lợn hoặc dầu thực vật), và khoảng 1,5kg đường.
Thời đó, các tem khẩu phần có giá trị vô cùng lớn. Đánh mất tem khẩu phần có thể dẫn tới đói khát và thậm chí cả sự tử vong.
2. Các tấm phản quang
Thời kỳ Leningrad bị quân Đức bao vây, việc tắt toàn bộ đèn điện là bắt buộc tại thành phố này. Tất cả đèn điện đều bị tắt về đêm để quân địch không phát hiện được mục tiêu từ trên cao. Trong bối cảnh ấy, người dân gắn các miếng phản quang lên quần áo để người khác có thể nhìn thấy họ trong những con phố tối tăm.
3. Tấm trượt
Những tấm trượt mà trẻ con hay dùng để chơi đùa đã trở thành phương tiện vận chuyển chủ yếu trong thời kỳ bị bao vây. Về mùa đông hệ thống vận tải trong thành phố Leningrad không hoạt động do khó khăn kinh tế, nên người dân thường sử dụng các tấm trượt để vận chuyển đồ đạc cá nhân, cũng như để... mang các thi thể tới nơi chôn cất.
Một giáo viên tên là Sofya Sagovskaya nhớ lại: “Những toa xe điện đứng yên, phủ đầy băng tuyết. Những sợi cáp trắng đứt rủ xuống. Buổi sáng, có những đoàn rước các tấm trượt chở các xác chết quấn vải liệm trắng”.
Nhiều người sống sót cho hay, giờ đây các tấm trượt tuyết như thế này là điều gợi nhắc lại ký ức đau thương một thuở.
4. Đồ vật hữu cơ
Keo, cellulose, kim làm từ gỗ thông, gót giày, thắt lưng da, và nhiều thứ khác nữa... miễn là có chứa chất hữu cơ, ăn được thì đều được sử dụng làm thức ăn trong thời gian Leningrad bị bao vây.
Người dân sẽ nấu mọi thứ có thể để có cái ăn, từ mỡ và vaselin dùng bôi trơn bờ trượt (phục vụ hạ thủy tàu) cho đến xi giày hữu cơ.
Keo được nấu trong nhiều tiếng đồng hồ với ngọn lửa thấp, sau đó người ta cho thêm muối, hạt tiêu, gia vị, giấm, mù tạt... để che giấu mùi hôi đặc trưng của loại thực phẩm đặc biệt này.
5. Xô nước
Để bao vây hiệu quả Leningrad, quân Đức Quốc xã đầu tiên ném bom vào nguồn cung cấp nước của thành phố. Đến năm 1942, nguồn nước máy đã bị cắt và người dân phải lấy nước ở các kênh rạch và con sông trong thành phố.
Múc nước tại các lỗ băng trên sông. Ảnh: Sputnik. |
Một người sống sót sau cuộc bao vây khắc nghiệt này kể lại: “Chúng tôi quỳ gối gần các lỗ trên băng và dùng các xô để múc nước... Khi mang xô về nhà, nước bị đóng băng. Khi ấy chúng tôi sẽ phải làm tan băng. Nước bẩn và chúng tôi phải đun sôi nước”.
Người này kể tiếp: “Một ít nước dùng để nấu nướng, một ít dùng để rửa ráy. Chúng tôi phải thường xuyên đi lấy nước. Đường đi thì lại trơn trượt. Đi xuống bờ sông tới chỗ lỗ băng rất là khó. Người dân thể lực lúc này rất yếu do thiếu ăn, nên dù múc được xô đầy nước nhưng họ lại không mang lên được. Chúng tôi phải dìu nhau đi lên, còn nước thì bắn ra ngoài”.
6. Loa phóng thanh
Trong những tháng ngày sống như dưới địa ngục đó, có khoảng 1.500 chiếc loa phóng thanh được lắp trên các con phố Leningrad. Các loa này phát các chương trình phát thanh và cảnh báo người dân về các đợt oanh kích và pháo kích. Tổng cộng có 3.740 lời cảnh báo được phát đi trong suốt thời kỳ bao vây.
Người ta còn phát cả âm thanh của máy nhịp – nếu nó chậm, có nghĩa là tình hình yên tĩnh, nếu gấp gáp điều đó có nghĩa là đợt oanh tạc đang diễn ra và mọi người nên tìm nơi ẩn nấp.
Đồng thời các loa này còn phát đi các bản nhạc giao hưởng. Các nhà thơ như Olga Berggoltz và Anna Akhmatova cũng đọc các tác phẩm của mình qua hệ thống loa này để nâng cao tinh thần người dân vượt qua thử thách.
7. Thuốc lá
Khi thực phẩm khan hiếm ở Leningrad, thuốc lá trở nên đặc biệt có giá trị. Việc hút thuốc giúp quên đi phần nào cơn đói và hỗ trợ những người mắc bệnh scorbut do thiếu vitamin C.
Vào năm 1942, một gói thuốc lá có giá trị tương đương 2 hoặc 3 khẩu phần ăn hàng ngày. Và điều thú vị là nhà máy thuốc lá trong thành phố vẫn không ngừng hoạt động trong thời gian bị bao vây.
Thuốc lá có thể dùng để đổi lấy quần áo, giày dép, rau quả. Thuốc lá ở Leningrad khi đó quý hơn tiền.
Hầu hết trẻ em đều học cách hút thuốc lá để đối phó với cơn đói và tình trạng suy nhược. Và sau chiến tranh, nhiều người dân thành phố đã không cai được thuốc lá./.
Nguồn: VOV.VN