Bác sĩ Bartley P. Griffith (trái) và ông David Bennett trong ảnh chụp vào ngày 7-1 - Ảnh: REUTERS
"Tôi đã làm bác sĩ phẫu thuật tim được 40 năm... Từ khi còn trẻ tôi đã luôn quan tâm đến những thứ mới mẻ", ông Griffith bắt đầu câu chuyện của mình với tạp chí Newsweek.
Ông bắt đầu nghe về ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên trên thế giới khi ông còn học trung học cho đến khi gặp được người đồng nghiệp Muhammad Mohiuddin. Ông Mohiuddin là giám đốc khoa học chương trình cấy ghép động vật sang người, Đại học Maryland.
Ông Mohiuddin trước đó đã thử nghiệm ghép tim heo với 3 lần chỉnh sửa gene cho khỉ đầu chó và 1 con sống được đến 3 năm. Cùng nhau, ông Mohiuddin và Griffith đã ghép được tim heo với 10 lần chỉnh sửa gene cho khỉ đầu chó, trong đó vài con sống sót và 1 con sống 9 tháng.
Cơ hội
Rồi cơ duyên đến vào tháng 11-2021 khi ông David Bennett được chuyển đến phòng cấp cứu do ông Griffith phụ trách trong tình trạng phải đặt máy tim phổi vì trái tim bệnh tật của ông trở chứng và ngừng hoạt động. Ghép tim là giải pháp duy nhất cứu sống ông Bennett nhưng khi đó ông không đủ điều kiện để xin ghép tim người.
"Tôi bắt đầu nghĩ liệu chúng tôi có thể xin cấp phép khẩn cấp để cấy ghép tim heo được chỉnh sửa gene hay không", bác sĩ Griffith kể lại. Hàng loạt chuyên gia đã xem xét trường hợp của ông Bennett trước khi bác sĩ Griffith đến gặp ông vào giữa tháng 12-2021. "Sau khi ghép thì tôi có kêu như heo không?", ông Bennett hỏi khi vị bác sĩ ngỏ lời muốn ghép cho ông một quả tim heo.
Nhưng sau khi ông Bennett đồng ý, vấn đề lớn tiếp theo của họ là làm sao được cấp phép. Nhưng may mắn là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đồng ý cho phẫu thuật 10 ngày sau khi ông nộp đơn. "Vào đêm giao thừa, tôi nhận được email rằng yêu cầu của chúng tôi đã được thông qua. Tôi không thể tin nổi", ông Griffith nhớ lại.
Họ mất thêm 5 ngày kể từ khi kế hoạch ghép tim được thông qua để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Trong khi đó, tình trạng của ông Bennett ngày càng nguy kịch. Đến khi bước vào ca phẫu thuật ngày 7-1-2022, nhóm của ông Griffith vẫn không dám kỳ vọng ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới này sẽ thành công.
"Chúng tôi im lặng giây lát trước khi phẫu thuật... Sau đó, tôi thoải mái tiến tới và rạch một đường trên cơ thể David. Tiếp đó, chúng tôi cố gắng làm tốt nhất có thể. Nói theo cách đơn giản thì nó rất giống với hầu hết các ca ghép mà tôi làm, mặc dù quả tim heo nhỏ còn quả tim của David thì lớn, vì vậy mọi thứ phải được cắt và thắt lại để làm cho vừa", ông Griffith kể.
Ca phẫu thuật bắt đầu từ 8h đến 17h và khi quả tim heo bắt đầu đập trong lồng ngực ông Bennett, những người tham gia đã mừng đến rơi nước mắt. Họ vẫn giữ máy tim phổi cho ông David Bennett thêm 48 giờ để phòng hờ.
Thành công
Quả tim heo được ghép cho ông David Bennett ngày 7-1 - Ảnh: REUTERS
Sau phẫu thuật là hàng loạt câu hỏi như liệu quả tim có bị thải ghép hay không? Các động mạch có bị đứt?
Nhưng quả tim heo dường như thích nghi tốt với dòng máu người chảy qua nó. Vài ngày tiếp theo trôi qua và bác sĩ Griffith cho biết quả tim heo đang đập như "ngôi sao nhạc rock" và ông Bennett dần khỏe lên.
Ông Bennett được tháo máy tim phổi từ ngày 10-1, ngồi dậy được từ ngày 13-1 và dự kiến có thể di chuyển bằng xe lăn từ ngày 17-1. Các bác sĩ cũng đang sử dụng tối đa thuốc chống thải ghép cho ông Bennett.
"Tôi không nghĩ quả tim này sẽ bị đào thải... nhưng chúng tôi sẽ rất thất vọng nếu ông ấy không sống được ít nhất tới mức trung bình của các nghiên cứu trên động vật mà chúng tôi đang làm. Các con vật của chúng tôi sống được 6 tháng", bác sĩ Griffith nói.
Nói về ca phẫu thuật nổi tiếng khắp thế giới, ông Griffith bày tỏ: "Thật tuyệt vời khi trở thành một phần của đội ngũ có thể tạo ra sự khác biệt trong toàn bộ lĩnh vực (ghép tạng). Bạn có thể tưởng tượng nếu chúng ta có nội tạng đáp ứng được cho những người cần chúng? Đó sẽ là một điều vĩ đại".
Vị bác sĩ Mỹ cũng cho biết sẵn sàng đón nhận các ý kiến nhưng bác bỏ ý kiến rằng đây là vấn đề về quyền động vật, khẳng định những con vật thí nghiệm được nhân bản cho mục đích nghiên cứu và không phải chịu đau đớn gì.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online