Trụ sở lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong xây trên lô đất được cho thuê với thời hạn lên đến 999 năm. Ảnh: SCMP.
Theo các tài liệu của chính phủ Anh mà South China Morning Post có được, các cuộc đàm phán giữa người Mỹ và chính quyền Hong Kong, vốn cuối cùng dẫn đến việc lãnh sự quán Mỹ được thuê đất đến 999 năm ở vị trí vàng của thành phố, thực sự bắt đầu từ năm 1946. Đó là 3 năm trước khi đảng Cộng sản lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và một năm sau khi Mỹ và Anh ký thỏa thuận theo đó Anh sẽ trả tiền cho Mỹ để mua đất ở Anh cũng như các thuộc địa của nước này. Từ món nợ hậu chiến Trong một điều khoản của "Tuyên bố Dàn xếp Cho mượn - Cho thuê", một phần của Hiệp định Tài chính và Thương mại Anh - Mỹ được ký giữa hai bên vào tháng 12/1945 nhằm giúp Anh chi trả chi phí hậu chiến, Mỹ được cho phép mua đất hoặc xây nhà ở Anh và các thuộc địa của nước này.
Điều kiện là Mỹ chỉ có thể sử dụng số tiền được trả cho các mục đích chính quyền hoặc giáo dục.
Ngoài ra, đề nghị của Mỹ phải được đưa ra trước khi hết năm 1951 và tổng số tiền không được vượt quá 50 triệu USD. Hồ sơ cho thấy vào năm 1946, tổng lãnh sự Mỹ đã tiếp cận thống đốc Hong Kong, thuộc địa của Anh khi đó, bày tỏ ý định mua một lô đất thích hợp để xây lãnh sự quán.
Cuối cùng, Mỹ được đề xuất "một khu vực đắc địa rộng khoảng 4.400 m2 với thời hạn cho thuê là 75 năm". Tháng 3/1947, Mỹ thông báo cho Hong Kong rằng họ muốn thanh toán theo thỏa thuận 1945. Đề nghị được chấp thuận 3 tháng sau đó.
Một đề nghị khác từ Mỹ nhằm mua quyền sở hữu vĩnh viễn lô đất này không "thuận buồm xuôi gió".
Ngày 19/4/1949, Thống đốc Hong Kong Alexander Grantham viết thư cho ông Arthur Creech Jones, bộ trưởng nội các phụ trách thuộc địa của Anh. Ông nói đề nghị mà Mỹ đưa ra trong quá trình đàm phán, để mua lô đất dưới dạng "fee simple" hoặc với điều kiện có thể chuyển đổi sang hình thức "freehold" ("freehold" là có quyền chiếm hữu và sử dụng có thể chuyển đổi, mang tính bất động, vô hạn định; trong đó "fee simple" là dạng thức cao nhất trong loại này), là "một sự xa rời căn bản" so với luật và tập quán tại Hong Kong.
"Thực tế là có sự tồn tại của những vụ cho thuê 999 năm và đây là nỗi ô nhục liên quan đến việc tái quy hoạch khu vực nội đô của thuộc địa (Hong Kong)", ông Grantham viết. "Nếu sau này những tài sản như vậy được bán, điều này đồng nghĩa với việc giao dịch về 'freehold' ở thị trường mở sẽ xuất hiện".
Bất chấp thái độ cảnh giác của ông thống đốc, Bộ Ngoại giao Anh lại tỏ ra tích cực hơn với đề nghị này. Ngày 4/6/1949, bộ này viết cho ông Graham bày tỏ sự sẵn lòng chỉnh sửa chỉ thị để tránh giao đất theo dạng "fee simple" cho một chính phủ nước ngoài làm trụ sở lãnh sự quán nếu "có tồn tại thỏa thuận giữa chính phủ đó và chính quyền của ngài trong việc nhượng bộ qua lại về vấn đề".
Bộ này nói thêm rằng "với những điều khoản chính xác một cách đầy đủ và phạm vi giới hạn trong việc chỉnh sửa", thống đốc có thể "tiếp tục duy trì luật lệ chung mà không cần phải lo lắng".
Ông Alexander Grantham . Ảnh: LIFE.
Dù không có thỏa thuận chính thức nào sau sự liên lạc này, một bản sao hợp đồng cho thuê ban đầu có chứa điều khoản cho phép Mỹ lựa chọn mua lô đất theo hình thức "freehold".
Ngày 28/4/1950, SCMP đưa tin lãnh sự quán Mỹ sẽ xây dựng trụ sở trên đường Garden ở khu trung tâm.
Bốn năm sau, lãnh sự quán thông báo kế hoạch xây dựng tòa nhà mới đã được soạn thảo, lưu ý rằng các văn phòng của lãnh sự quán Mỹ nằm rải rác trên ba địa điểm, bao gồm tòa nhà HSBC, một văn phòng trên đường MacDonnell và một tòa nhà tạm thời trên đường Garden.
Tòa nhà mới hoàn thành vào tháng 6/1957. Trong cùng tháng đó, các nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong chuyển vào tòa nhà bốn tầng mới được dựng lên. Song hợp đồng thuê đất đã không được ký kết cho đến năm 1960, dù được cho là đã bắt đầu vào năm 1950.
Theo dõi Trung Quốc
Tiến sĩ Chi-Kwan Mark, giảng viên cao cấp tại Royal Holloway, Đại học London, chuyên gia về Chiến tranh Lạnh, cho biết các cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 năm đã phản ánh một chủ đề lịch sử rộng lớn hơn: quan hệ sống động và phức tạp giữa Mỹ, Anh và Hong Kong trong thời gian đó. Ông Mark cho biết quan hệ được cải thiện trong những năm 1950 và đạt đỉnh cao vào năm 1960, khi ba bên đang có "mối quan hệ tốt nhất từ năm 1949 với sự gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế, chính trị và quân sự".
Dù Mỹ đã có sự hiện diện ngoại giao tại thành phố từ năm 1843, ông Mark nói: "Mãi cho đến sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Mỹ mới coi trọng Hong Kong hơn về kinh tế và chính trị".
Ông nói thêm: "Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Mỹ không thể duy trì bất kỳ sự hiện diện ngoại giao nào ở Trung Quốc đại lục. Vì vậy, họ thấy Hong Kong là căn cứ để theo dõi Trung Quốc".
Nhà vận động tự do hóa thị trường David Webb tiết lộ cách đây hai tuần rằng Mỹ đã được chính quyền Đổng Kiến Hoa (trưởng đặc khu Hong Kong từ 1997 đến 2005) cho thuê đất 999 năm tại vị trí đặt lãnh sự quán của mình trên đường Garden với chi phí 44 triệu đô-la Hong Kong vào năm 1999.
Thứ 6 tuần trước, chính quyền Hong Kong tiết lộ rằng Mỹ từng thông báo cho chính phủ thuộc địa Anh về ý định mua lại địa điểm này theo hình thức "freehold" vào tháng 1/1997, sáu tháng trước khi Hong Kong được Anh chuyển giao cho Trung Quốc.
Đề nghị đã bị từ chối và thỏa thuận đã được sửa đổi thành hợp đồng thuê 999 năm vào năm 1999, trong đó các hạn chế về mua bán không còn.
Địa điểm "freehold" duy nhất được biết tồn tại ở Hong Kong là nơi đặt nhà thờ St John được trao quyền sở hữu vĩnh viễn - với điều kiện là đất được sử dụng để xây nhà thờ - vào năm 1847.
Đông Phong Theo SCMP
Nguồn: zing.vn