Thứ Sáu, ngày 23 tháng 11 là thời điểm mà hàng triệu người dân Mỹ và trên toàn thế giới sẽ thức dậy vào lúc rạng đông, sau Lễ Tạ Ơn, để tận hưởng những phiếu mua hàng giảm giá “khổng lồ” được tung ra vào ngày mua sắm lớn nhất trong năm – thứ Sáu đen tối, “Black Friday”.

42 1 Black Friday Co Xuat Xu Tu Dau

Lễ hội mua sắm Black Friday diễn ra sau ngày Lễ Tạ Ơn 22/11. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trong khi hầu hết những tín đồ mua sắm đều biết ngày này dưới tên gọi là “Black Friday”, không phải ai cũng biết nguồn gốc thực sự của cái tên đó.

Trên thực tế, câu chuyện về nguồn gốc của “Black Friday” vẫn còn ẩn chứa nhiều uẩn khúc, với nhiều giả thuyết khác nhau lưu hành khắp nơi trên internet.

Một trong những phiên bản được chấp nhận rộng rãi nhất – và xác thực nhất là theo phiên bản truyền thống. Các nhà bán lẻ hoạt động thua lỗ trong phần lớn thời gian trong năm (được bút ký “màu đỏ” trên sổ sách kế toán), sẽ thông qua dịp sau ngày Lễ Tạ Ơn để kiếm được lợi nhuận (chuyển thành “màu đen”). Theo đó, “Black Friday” chỉ là một tham chiếu đến màu sắc mà các nhà bán lẻ sử dụng để biểu thị lợi nhuận (màu đen) và thua lỗ (màu đỏ) trên sổ sách kế toán, theo History.

Tuy nhiên, nhiều nguồn khác thì cho rằng tên gọi thứ Sáu đen tối – “Black Friday” được bắt nguồn đầu tiên ở Philadelphia (Mỹ), vào những năm 1950 và 1960. Ban đầu nó được sử dụng bởi cảnh sát và các tài xế xe buýt ở Philadelphia để mô tả tình trạng giao thông bị tắc nghẽn và hỗn loạn, gây ra bởi dòng người mua sắm đến vào hôm thứ Sáu – thời điểm trước trận đấu bóng đá quân đội – hải quân, được tổ chức vào thứ Bảy.

Trong khi cơn sốt mua sắm Black Friday có thể đã bắt đầu ở Philadelphia, ngày nay nó đã được lan tỏa sang khắp các thành phố nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, vẫn còn một làn sóng khác phản đối việc mua sắm “điên cuồng” trong ngày Black Friday. Nhóm người phản đối cho rằng nên dành thời gian cho các hoạt động văn hóa, thay vì dành thời gian để mua sắm trong ngày thứ Sáu đen tối.

“Nền kinh tế phụ thuộc vào việc mua sắm của chúng ta, đặc biệt là trong các dịp lễ. Nhưng cuộc sống của anh chị em của chúng ta đáng giá nhiều hơn số đô-la mà chúng ta có thể tiết kiệm được từ các phiếu mua hàng giảm giá”, một nhóm phản đối viết trên Blackout for Human Rights.

Bên cạnh việc có cơ hội mua được hàng giảm giá, Black Friday được cho là cũng gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như: tiêu dùng quá mức, mua nhiều mặt hàng không cần thiết chỉ vì giá rẻ, sản phẩm lỗi, kém chất lượng, nâng giá trước đó và giảm mạnh vào ngày Black Friday… Những tác hại này đối với người tiêu dùng đôi khi còn vượt quá cả lợi ích đến từ việc mua hàng giá rẻ.

Tổng hợp từ Foxbusines, Blavity, Tường Văn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC