Người Nhật phân loại rác thành 4 hạng mục chính và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phân loại và lịch đổ rác theo từng địa phương.

Cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức về xử lý rác thải trong quá trình hiện đại hóa. Nhật khi đó chưa có biện pháp quản lý rác thải phù hợp, người dân thường tùy tiện vứt rác ra đường.

Trong giai đoạn đô thị hóa, phát triển kinh tế thời hậu chiến, lượng rác đô thị bắt đầu bùng nổ. Trong thế kỷ 20, Nhật từng phải xử lý thêm 35 triệu tấn rác chỉ trong 20 năm, trong đó có nhiều loại rác thải phát sinh do công nghiệp hóa, buộc giới chức phải từng bước thiết lập chính sách phân loại rác.

Hiện hầu hết các địa phương ở Nhật phân loại rác thải thành 4 hạng mục chính: rác cháy được, rác không cháy được, rác tái chế và rác quá khổ. Tuy nhiên, quy tắc phân loại cụ thể và lịch trình đổ rác được chính quyền từng địa phương đặt ra, chưa có một quy định thống nhất trên toàn quốc.

Khi chuyển đến một địa phương mới ở Nhật, người dân sẽ cần đến văn phòng thành phố để đăng ký thông tin cư dân. Giới chức sẽ cung cấp một gói thông tin tổng hợp, trong đó có hướng dẫn, quy tắc, lịch thu gom chi tiết từng loại rác đã phân loại trong khu vực. Thông tin này có sẵn trên các website địa phương, có thể được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

1 Cach Nguoi Nhat Phan Loai Rac

Nhân viên thu gom rác tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Mainichi

Rác cháy được gồm bất kỳ thứ gì có thể đốt được, từ rác thải nhà bếp, giấy vụn, vải, gỗ, da, một số địa phương cho phép phân loại rác cao su, nhựa không có ký hiệu tái chế vào hạng mục này.

Rác thải từ nhà bếp phải được loại bỏ tối đa độ ẩm, đựng vào túi buộc chặt và đem đến điểm thu gom vào thời điểm thích hợp để tránh quạ, mèo hoang lục rác. Hành vi mang rác cháy được đến bãi trước thời điểm thu gom quy định có thể bị coi là vi phạm quy tắc và túi rác có thể bị trả lại.

Vật dụng kim loại, thủy tinh vỡ, cốc, bát đĩa, đồ gốm... thuộc nhóm rác không cháy được. Một số địa phương cho phép phân loại các thiết bị điện tử, bật lửa, pin khô, các loại bình xịt theo danh mục này. Giống với rác cháy, một số đồ nhựa không tái chế được có thể được xếp vào diện rác không cháy.

Rác không cháy được phải được cho vào túi và đem đến điểm thu gom vào những ngày nhất định. Những vật dụng sắc nhọn như dao kéo, cốc vỡ, kim tiêm cần được đóng trong túi có dấu kiken (nguy hiểm), tránh gây thương tích cho nhân viên thu gom.

2 Cach Nguoi Nhat Phan Loai Rac

Một điểm thu gom rác tại Nhật trong ngày đổ rác tái chế. Ảnh: EJable

Ngoài 4 hạng mục chính, các địa phương cũng có thể thiết lập nhiều hạng mục khác để quản lý phân loại rác. Thị trấn Kamikatsu ở tỉnh Tokushima thậm chí yêu cầu người dân chia rác thành 45 loại, trên 13 hạng mục, nhằm tái chế toàn bộ rác.

Nếu nhân viên thu gom phát hiện rác bị phân loại không phù hợp hoặc được đem đến điểm thu gom không đúng thời gian, họ có quyền từ chối tiếp nhận, đồng thời dán phiếu nhắc nhở các hộ dân thực hiện đúng cách.

Quá trình đổ rác cũng có thể tùy thuộc vào nơi ở. Các chung cư thường có khu đổ rác riêng. Nếu ở nhà đất, người dân cần gom và đổ từng loại rác vào những ngày được phép.

Nhiều thành phố Nhật Bản cũng yêu cầu người dân cho rác vào từng loại túi nhất định được mua ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi để thu gom. Chúng nhiều kích cỡ, có màu sắc riêng biệt để phân loại từng hạng mục rác.

3 Cach Nguoi Nhat Phan Loai Rac

Phiếu nhắc nhở hộ dân phân loại rác sai cách tại Nhật Bản. Ảnh: SoraNews24

Đức Trung (Theo Yomiuri, Earth)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC