Giải pháp chống ngập những năm qua phần lớn là nâng đường. Hệ lụy là nơi nơi cùng nhau nâng đường, nâng hẻm, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn, cuối cùng ngập vẫn hoàn ngập.

1 Chong Ngap Dung Dung Giai Phap Xoay Vong Nang Duong Nang Hem Nang Nha

Ngập sâu ở khu vực Thủ Đức sau cơn mưa lớn ngày 15-5 - Ảnh: LÊ PHAN

Nâng đường chống ngập là giải pháp tình thế

TP.HCM đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng triển khai các dự án chống ngập, xây dựng mới cống thoát nước, cải tạo và nâng cao mặt đường nhưng chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

Bất ngờ hơn trong cơn mưa chiều 15-5, ngập nước lại xảy ra ngay trong dự án chống ngập trên đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông (TP Thủ Đức) vừa được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 27-4, sau 4 năm thi công.

Thông tin về việc ngập nước trên địa bàn, Sở Xây dựng cho biết tính đến hết năm 2023, chỉ còn 13 đường trục chính ngập do mưa và 5 đường trục chính ngập do triều cường.

Tuy nhiên thực tế ngập nước diện rộng xảy ra tại các hẻm, khu dân cư nhiều giờ liền.

Giải pháp chống ngập những năm qua giải quyết trên từng trục giao thông, phần lớn là nâng đường.

Nhiều tuyến đường sau khi nâng lên cao để chống ngập trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, tràn vào nhà dân, nước từ trong hẻm và đường lân cận không có lối thoát tạo thành "dòng sông" trong khu dân cư khi có mưa.

Hệ lụy là nơi nơi cùng nhau nâng đường, nâng hẻm, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn. Cứ thế xoay vòng, ngày càng chênh lệch địa hình cân bằng nước trong khu vực. Tai hại nhất là khiến hệ thống cống bị tắc nghẽn vì không đồng bộ về kích thước, cao độ.

Nâng đường và những biện pháp tình thế không giải quyết tối ưu ngập nước mà còn thêm rối rắm và tốn kém, vì cách làm này không có cơ sở khoa học, không giải quyết triệt để.

Mưa lớn khiến nước chảy 'như thác', nhiều xe cộ té ngã ở TP.HCM

Phải thay đổi cách chống ngập

Đừng chống ngập theo kiểu đối phó, chắp vá. Hãy rà soát, đánh giá đúng nguyên nhân ngập nước mới có giải pháp hiệu quả.

Cụ thể, xác định phạm vi ngập nước mưa, triều cường, mặt đệm do đô thị hóa, cấu trúc hệ thống cống. Đô thị hóa tràn lan cũng là một trong các nguyên nhân gây ngập, không gian thoát nước bị thu hẹp.

Chống ngập là cho cả khu vực phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, mạng lưới thoát nước chung chứ không phiến diện riêng lẻ cục bộ hay trên một tuyến đường.

Thiết kế thoát nước trong đô thị lưu ý đặc trưng khu vực, ưu tiên tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận.

Chỉ sử dụng thêm máy bơm trong trường hợp địa hình thấp, không thể dẫn dòng chảy thoát nước.

Khu vực vùng cao bị ngập có thể kiểm tra lại hệ thống cống, cửa thu nước, tắc nghẽn chỗ nào thì khai thông.

Trường hợp quá tải thì làm đoạn cống có kích cỡ phù hợp để đấu nối dẫn dòng, có tính toán lường trước sao cho không phát sinh điểm ngập đoạn cuối.

Giải pháp lâu dài hướng đến đô thị thông minh, sáng tạo, phát triển xanh phải đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước hiện đại đủ khả năng ứng phó.

Trước khi có chủ trương phê duyệt các khu đô thị mới, khu dân cư dày đặc, cần tính đến nhu cầu thiết yếu cho con người, thoát nước và không phát sinh điểm ngập.

Các dự án khi đã san lấp mương rạch, đòi hỏi làm hồ điều tiết và hệ thống thoát nước đáp ứng nhu cầu thì phải tính toán chống ngập trên cơ sở khoa học và bản đồ sông, kênh, rạch, cống thoát nước cùng mặt bằng lưu vực, diện tích, dân số, nước thải, nước mưa.

Nơi công cộng, công viên... thay vì bê tông hóa, hãy tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm nước.

Làm công trình công cộng ngoài trời ưu tiên sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm nước xuống nền đất.

KỸ SƯ TRẦN VĂN TƯỜNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC