Năm 1851, những người tìm vàng từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về các vùng đất của Australia, lúc bấy giờ còn là thuộc địa của Anh. Cơn sốt vàng đã làm tăng đáng kể dân số, thúc đẩy kinh tế và thay đổi cả nền văn hóa Australia.
Bức tranh tái hiện một bãi đào vàng ở Ballarat, Australia, năm 1853. Ảnh: National Museum Australia
Một bài viết trên báo vào tháng 10/1851 mô tả như sau: "Có khoảng 1.000 chiếc thùng đãi vàng hoạt động trong hơn 1,5 km tính từ Golden Point ở Ballarat. Có 50 chiếc như vậy gần Black Hill, cách đó khoảng 2,5 km và tại khu Brown Hill, có khoảng 300 đến 400 chiếc nữa, chưa kể đến hàng trăm chiếc chưa hoạt động. Mỗi thùng đãi vàng cần 5 người, như vậy, dân số trong bán kính 8 km phải rơi vào khoảng 7.000 người".
Đã có nhiều phát hiện về vàng trước khi cơn sốt nổ ra. Năm 1841, mục sư William Branwhite Clarke, một trong những nhà địa chất đầu tiên tại Australia, đã tình cờ tìm thấy những hạt vàng gần Hartley ở dãy núi Blue Mountains.
Năm 1844, mục sư đề cập vấn đề trên với Thống đốc George Gipps, người được cho là đã nói với ông rằng "hãy quên nó đi Clark, nếu không tất cả chúng ta sẽ bị cắt cổ".
Gipps lo ngại sẽ có một cơn hỗn loạn xảy ra nếu người dân New South Wales lúc bấy giờ, phần lớn là những người bị kết án hoặc từng bị kết án, biết được rằng họ có thể dễ dàng tiếp cận vàng đến thế.
Năm 1848, nhà khoáng vật học William Tipple Smith tìm thấy vàng gần Bathurst và một năm sau, ông tiết lộ phát hiện này cho Thư ký Thuộc địa New South Wales Edward Thomson, cấp dưới của Thống đốc Charles FitzRoy. Tuy nhiên, phát hiện của ông bị từ chối công nhận.
Thái độ của chính phủ đối với việc khám phá ra vàng đã thay đổi vào năm 1848 với tin tức về cơn sốt vàng ở California. Cơ hội đổi đời khiến hàng nghìn người rời bỏ Australia để đi tìm vận may, gây ra tình trạng thiếu lao động và suy thoái kinh tế.
Thống đốc Charles FitzRoy đã nghe thấy tin đồn về việc tìm thấy vàng ở New South Wales và tin rằng việc phát hiện ra vàng tại đây có thể đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế.
Những mỏ vàng chính trong cơn sốt vàng ở Australia. Ảnh: Encyclopedia Britannica
Năm 1849, ông thuyết phục chính phủ Anh bổ nhiệm một nhà địa chất học phụ trách nghiên cứu khai thác vàng ở New South Wales và treo thưởng cho bất kỳ ai tìm thấy vàng đủ tiêu chuẩn giao dịch.
Edward Hargraves được ghi nhận là người đã thổi bùng lên cơn sốt vàng của Australia. Ông thành thạo mọi nghề, từ nông dân, thủ kho, công chức, thợ bóc ngọc trai đến thủy thủ.
Năm 1849, Hargraves khởi hành từ Sydney lên đường tới California để hòa vào cơn sốt vàng tại đây. Tuy nhên, ông không tìm được vận may của mình. Khi trở lại New South Wales vào năm 1851, ông lập tức lao vào tìm vàng. Trong vòng vài tuần, Hargraves và vài người khác đã tìm thấy một lượng vàng nhỏ ở nơi mà ông đặt tên là Ophir, theo tên một thành phố cảng giàu có được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước.
Ông được Thống đốc trao giải thưởng trị giá 10.000 bảng Anh. Tin tức về việc tìm thấy vàng nhanh chóng được đăng trên tờ Sydney Morning Herald và đến ngày 15/5/1851, 300 thợ đào vàng đã đến Ophir. Cơn sốt vàng bắt đầu từ đây.
Nhiều người ở vùng thuộc địa mới thành lập Victoria (nay là bang Victoria, bang đông dân thứ hai đất nước sau New South Wales với thủ phủ là Melbourne), rời khỏi nơi này để tràn về phía bắc, tới các mỏ vàng của New South Wales. Để níu giữ người dân, chính quyền Victoria treo thưởng 200 bảng Anh cho bất kỳ ai có thể tìm thấy vàng trong phạm vi 320 km quanh Melbourne. Chỉ trong vòng 6 tháng, vàng được phát hiện ở Clunes, sau đó là ở Ballarat, Castlemaine và Bendigo. Vào những năm 1850, Victoria sản xuất 1/3 lượng vàng của thế giới.
Việc phát hiện ra vàng đã khởi đầu một loạt cuộc chạy đua làm biến đổi các khu vực khác của Australia. Một lượng vàng đáng kể cũng được phát hiện ở Tasmania vào năm 1852, ở Queensland vào năm 1857 và ở Lãnh thổ Bắc Australia vào năm 1871.
Đến những năm 1890, một loạt cơn sốt vàng mới lại nổ ra khi những mỏ vàng được tìm thấy tại Kalgoorlie và Coolgardie ở Tây Australia.
Trữ lượng vàng khổng lồ của Australia đã khiến nước này trở thành điểm đến của không ít người từ khắp nơi trên thế giới. Tới cuối thế kỷ 19, cơn sốt vàng giúp tạo ra một xã hội giàu có, tự do với mức sống khiến cả thế giới phải ghen tị.
Từ năm 1851 đến 1871, dân số Australia đã tăng gấp 4 lần từ 430.000 người lên 1,7 triệu người khi những người di cư từ khắp nơi trên thế giới đổ đến nơi đây để tìm vàng.
Người Trung Quốc là nhóm thợ đào vàng lớn nhất không đến từ châu Âu. Họ hầu hết là những lao động khổ sai, bị phân biệt đối xử. Người ta ước tính rằng vào năm 1855, có tới 20.000 người Trung Quốc làm việc trên các bãi đào vàng ở Victoria.
Bức tranh tái hiện cảnh đào vàng ở Ophir năm 1851. Ảnh: National Museum Australia
Cuộc sống trên các mỏ vàng vô cùng khó khăn. Không có gì đảm bảo rằng các thợ đào sẽ tìm thấy đủ vàng để sinh lời. Những cuộc tranh giành mỏ vàng, căng thẳng chủng tộc và cơn giận dữ liên quan đến giấy phép khai thác đã dẫn đến tình trạng bạo lực tại những mỏ vàng.
Nhưng trong dòng người di cư đến Australia cũng có không ít người mang đến những ý tưởng chính trị mới về cách xã hội nên được quản lý và điều hành.
Ban đầu, chính quyền thuộc địa chống lại lối suy nghĩ tiến bộ như vậy vì coi đó là mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm đã được tiến hành và góp phần thay đổi cả xã hội Australia, như quy định bỏ phiếu kín, ngày làm việc 8 giờ hay sự ra đời của Công đảng.
Vũ Hoàng (Theo National Museum Australia)
Nguồn: VNEXPRESS.NET