Thiết bị thoát hiểm đa năng
Thời gian gần đây do quỹ đất tại các thành phố lớn ngày càng ít, giá đất lại cao nên nhiều người chọn ở chung cư hoặc xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích của chung cư và nhà cao tầng mang lại, thì việc sinh sống tại những ngôi nhà “vắt vẻo trên mây” cũng mang lại nhiều điều bất tiện.
Đặc biệt, điều đáng quan ngại nhất khi sống ở chung cư hoặc nhà cao tầng đó chính là an toàn cháy nổ, và phải thoát hiểm thế nào nếu gặp sự cố cháy nổ.
Khánh và Như mất hơn nửa năm để sáng tạo ra thiết bị thoát hiểm đa năng này.
Trước thực trạng đó, hai em học sinh tại một trường chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã sáng tạo ra một thiết bị thoát hiểm đa năng để ứng phó, thoát nạn khi xảy ra cháy tại chung cư, nhà cao tầng.
Thiết bị này do em Nguyễn Gia Khánh (lớp 10 Anh) và Nguyễn Khánh Như (lớp 11 Lý) trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) sáng chế ra. Và với sáng chế này, em Khánh và em Như vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông Đồng Nai năm 2019.
Thiết bị thoát hiểm đa năng này có ưu điểm nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và có nhiều ưu điểm vượt trội so với các thiết bị thoát hiểm trên thị trường. Vì vậy đây là thiết bị thoát hiểm được đánh giá cao, bởi mang tính thiết thực cũng như ứng dụng thực tế cao. Đáp ứng được điều kiện cần trong tình hình thực tế hiện nay.
Để tìm hiểu rõ hơn về thiết bị thoát hiểm này, cũng như đề tài nghiên cứu của Khánh và Như chúng tôi đã có mặt tại trường chuyên Lương Thế Vinh.
Qua trò chuyện, Khánh cho biết, ý tưởng về thiết bị thoát hiểm lóe ra trong đầu em từ thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) năm 2018 khiến 13 người tử vong vì không thoát hiểm kịp. Và cũng trong vụ đó có một nạn nhân nữ thoát hiểm bằng thang dây, nhưng không may bị té thang dây và tử nạn. Vụ cháy khủng khiếp đó khiến Khánh bị ám ảnh, sợ hãi mỗi khi đến nhà người quen ở các chung cư chơi và bắt đầu lo lắng cho cuộc sống của những người ở chung cư.
Sáng tạo “táo bạo”
Sau một thời gian dài suy nghĩ, Khánh nảy ra ý định sáng chế ra một thiết bị thoát hiểm nhằm giúp người dân thoát ra đám cháy ở chung cư, nhà cao tầng. Qua những ý tưởng ban đầu, Khánh bắt đầu tìm hiểu sâu về nguyên lý hoạt động của động cơ và nghiên cứu, tìm tòi kiến thức.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng cho đến khi Khánh gặp Như, chị bạn lớp trên cũng đam mê sáng chế giống Khánh. Cả hai đã trò chuyện và cùng nhau hợp tác nghiên cứu để chế tạo ra thiết bị thoát hiểm.
Sau khi đạt giải cả hai vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm của mình hoàn thiện hơn.
Với lợi thế là học sinh chuyên Lý, Như hiểu được nguyên lý hoạt động của các loại ròng rọc, chế độ tự sản sinh nhiệt lượng khi rơi từ độ cao xuống. Do đó, hai em đã quyết định nghiên cứu, chế tạo thiết bị thoát hiểm theo nguyên lý ròng rọc, sử dụng được nhiều lần và nhiên liệu để thiết bị hoạt động tự sản sinh ra, không bao giờ bị cạn kiệt.
Bắt tay vào nghiên cứu, hai em phải tìm hiểu những ưu và nhược điểm của các loại thiết bị thoát hiểm có sẵn trên thị trường như dây thoát hiểm, ba lô, thang dây… và nhận thấy, mỗi thiết bị thoát hiểm đang bán trên thị trường đều có ưu điểm, nhược điểm và điều đáng nói là giá thành rất cao. Do đó, việc để sở hữu một vài thiết bị thoát hiểm trong nhà là điều khá khó khăn.
Vì vậy Khánh và Như thống nhất sẽ nghiên cứu khắc phục những nhược điểm, để tạo ra một thiết bị thoát hiểm an toàn, nhiều ưu điểm, giá thành rẻ, sử dụng được liên tục, nhiều lần.
Và sau hơn 6 tháng nghiên cứu, thử nghiệm với nhiều lần thất bại thì có những thời điểm Khánh và Như cảm thấy bế tắc, muốn từ bỏ. Nhưng nhờ quyết tâm cũng như sự động viên của cha mẹ, thầy cô và giáo viên hướng dẫn khiến Như và Khánh có thêm động lực rồi cuối cùng đã chế tạo thành công thiết bị thoát hiểm đa năng.
“Thiết bị thoát hiểm đa năng này gồm 2 phần cơ khí và động cơ, hoạt động dựa trên nguyên lý ròng rọc. Rất nhỏ gọn, nặng khoảng 10 kg, có hình dáng được thiết kế gần giống chiếc xe đạp, có tay cầm để người sử dụng dễ dàng điều khiển. Điểm nổi trội của thiết bị này so với những thiết bị thoát hiểm khác trên thị trường là có thể được sử dụng nhiều lần và cứu được nhiều lượt người.
Khi xảy ra cháy, chỉ cần cố định một đầu tại điểm có thể thoát hiểm như ban công, cửa sổ, phần thân chính của thiết bị có thể di chuyển lên xuống theo dây cáp với sự chịu lực 150 kg, ở nhiệt độ 1.400 độ C.
Mỗi lượt đưa người xuống, thiết bị có thể tự sản sinh năng lượng, sau đó đưa thiết bị quay trở lại vị trí cố định ban đầu để tiếp tục đưa những người còn lại thoát hiểm”, Gia Khánh cho biết.
Gia Khánh chia sẻ rằng khi gặp sự cố người thoát hiểm sẽ ngồi vào ghế, điều khiển bằng tay vịn, có đai an toàn để tiếp đất được an toàn. Khi hoạt động thì thiết bị sẽ đi xuống theo sự điều khiển của người sử dụng, tùy chọn mức độ nhanh hay chậm. Ngoài ra, thiết bị còn có chế độ khóa trên không trung khi gặp sự cố nguy hiểm bất thường.
“Chính em và chị Như đã xin phép được thử nghiệm thiết bị khi nó hoàn thành. Ban đầu, khi xin thử nghiệm thì người lớn phản đối, vì sợ tụi em gặp nguy hiểm. Nhưng khi thấy cả hai chị em đều quyết tâm nên mọi người cũng đồng ý. Sau khi thấy tụi em tiếp đất an toàn mọi người mới cảm thấy nhẹ nhõm và tin tưởng hơn vào độ an toàn của thiết bị”, Gia Khánh nói thêm.
Và hiện tại Khánh, Như cũng đang nghiên cứu để tiếp tục nâng cấp thiết bị của mình nhằm sớm đưa nó vào ứng dụng thực tế. Mới đây, với sáng chế này, thiết bị thoát hiểm đa năng của Nguyễn Gia Khánh và Nguyễn Khánh Như đã đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông Đồng Nai.
“Chúng em chưa dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn thiết bị của mình, để tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, chắc chắn và hoạt động hiệu quả. Cả hai đang tiếp tục nghiên cứu đưa một số cảm biến nhiệt độ, khoảng cách và đèn báo sáng để phát tín hiệu khi thiết bị vận hành và tiếp đất. Hiện tại, chi phí thực hiện 1 sản phẩm khoảng 5 triệu đồng, nhưng nếu ứng dụng thực tiễn thì giá thành sẽ rẻ hơn nhiều do sản xuất đại trà”, Khánh chia sẻ.
Giáo viên hướng dẫn của Khánh và Như cho biết đánh giá cao về tính sáng tạo của hai học sinh này. Trước mắt chưa xét về ứng dụng nhưng xét về việc các em chịu khó nghiên cứu, tìm tòi cũng như tạo ra được một sản phẩm thiết thực là 1 việc làm ý nghĩa.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, thành viên Ban giám khảo cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông Đồng Nai đánh giá thiết bị thoát hiểm đa năng của nhóm Khánh có tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao.
Ở đề tài này, tác giả đã biết phân tích, nắm rõ các vấn đề, nguyên lý hoạt động của sản phẩm. Đồng thời sản phẩm cũng đã được ban giám khảo thử nghiệm, chứng minh được thiết kế là chính xác.
nguoiduatin.vn