Trong tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia, người mắc Covid-19 thường ở dạng nhẹ đến trung bình hoặc không có triệu chứng. Bệnh nhân có thể tự chữa khỏi tại nhà.
Đây cũng là khía cạnh khó hiểu của Covid-19 từ khi đại dịch bắt đầu. Một số bệnh nhân nặng đến mức phải thở máy, nhưng rất nhiều trường hợp khác không triệu chứng hoặc ở trong tình trạng rất nhẹ.
Nguyên nhân?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Stanford, Mỹ, đã đi tìm câu trả lời cho điều này. Họ phát hiện nhiều khả năng các bệnh nhân bị Covid-19 nhẹ đã từng nhiễm chủng virus corona tương tự, nhưng ít độc lực hơn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Immunology.
Theo Scitech Daily, nhóm chuyên gia của Đại học Y khoa Stanford đặt giả thuyết hệ thống miễn dịch của bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ đã “ghi nhớ” những lần chạm trán trước đó với virus cúm mùa.
Đây là chủng virus corona gây ra các bệnh cảm lạnh thông thường ở 25% trẻ em tại Mỹ. Khoảng 80% trẻ em ở Mỹ tiếp xúc virus này ở những năm đầu đời.
Trình tự gene của SARS-CoV-2 có nhiều điểm tương đồng với các chủng cúm mùa, cảm lạnh thông thường. Ảnh: NIADS.
Nếu đã gặp “người anh em” trong cùng chủng tộc corona, các tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ được trang bị vũ khí. Nhờ đó, chúng nhanh chóng được huy động và tiêu diệt virus khi SARS-CoV-2 tấn công tế bào người.
Phát hiện này giúp lý giải nguyên nhân một số người, đặc biệt là trẻ em, ít gặp diễn biến nặng hơn khi mắc Covid-19 so với người lớn. Theo các nhà nghiên cứu, công trình này cũng giúp dự đoán người nào có khả năng diễn biến nặng, nghiêm trọng khi bị SARS-CoV-2 tấn công.
Các tế bào miễn dịch được nói đến ở trên là tế bào T, di chuyển trong máu, bạch huyết, đậu trên mô. Trong bài công bố trên tạp chí Science Immunology, nhóm tác giả khẳng định tế bào lympho T lấy từ những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng hầu như không có dấu vết của việc từng mắc chủng virus corona cảm lạnh thông thường.
Để tìm hiểu cơ chế, tiến sĩ Vamsee Mallajosyula, thành viên dự án, nhận thấy một số phần trong trình tự gene của nCoV giống hệt 1-4 chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường. Ông tập hợp bảng gồm 24 trình tự peptide khác nhau do protein của nCoV và các chủng cúm còn lại tạo ra.
Nhóm tác giả phân tích mẫu máu lấy từ người hiến tạng khỏe mạnh, chưa từng mắc Covid-19, nhưng có thể nhiễm chủng virus corona cảm cúm khác. Họ phát hiện tế bào T sinh sôi, hoạt động mạnh mẽ hơn sau khi đã ghi nhớ các chủng virus corona cảm cúm.
Đặc biệt, tế bào T bắt kịp với tốc độ phát triển của nCoV rất nhanh. Thời gian để nó tiêu diệt virus cũng rất ngắn. Các nhà khoa học cho rằng đây là câu trả lời hợp lý cho hiện tượng nhiều người thậm chí không hay biết bản thân đã nhiễm nCoV và chiến thắng Covid-19.
Theo WHO, hầu hết người mắc Covid-19 đều ở dạng nhẹ và có thể tự chữa khỏi tại nhà. Ảnh: Freepik.
Bí mật về tế bào T
Theo Giáo sư, tiến sĩ Mark Davis, Giám đốc Viện Miễn dịch, cấy ghép và nhiễm trùng, Đại học Y Stanford, tác giả chính của nghiên cứu, các cuộc thảo luận về khả năng miễn dịch với Covid-19 thường tập trung vào kháng thể. Đó là các protein có thể bám vào virus trước khi nó lây nhiễm vào tế bào. Tuy nhiên, kháng thể rất dễ bị đánh lừa.
Mầm bệnh luôn phát triển rất nhanh, chúng học cách che giấu đặc điểm nhận biết khỏi các kháng thể. Song, cơ chế nhận diện mầm bệnh của tế bào T rất khác và chúng khó bị qua mặt.
Khi thụ thể của tế bào T nhận thấy một peptide lạ trên bề mặt tế bào (ví dụ từ protein do vi sinh vật xâm nhập tạo ra), ngay lập tức, nó bị tiêu diệt. Các tế bào T nhân lên rất nhanh, bao vây lấy peptide và tiêu diệt bất kỳ tế bào nào “dính líu” tới kẻ lạ mặt.
Các tế bào T có tuổi thọ đặc biệt và độ nhạy rất cao. Chúng tồn tại trong máu, bạch huyết suốt nhiều thập kỷ, sẵn sàng kích hoạt ngay khi phát hiện điều bất thường. Điều này có thể lý giải nguyên nhân sau nhiều năm mắc bệnh, hệ miễn dịch vẫn nhận ra chủng virus corona quen thuộc.
Song, tế bào T phản ứng quá mức có thể gây ra tác dụng ngược đó là các cơn bão cytokine. Các protein cytokine là một phần của hệ thống miễn dịch. Nếu hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với tác nhân bên ngoài như virus, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, tấn công chính phổi của nạn nhân và khiến cơ quan này ngừng cấp oxy. Hậu quả, bệnh nhân bị suy hô hấp, khả năng tử vong rất cao.
Do đó, giả thuyết này vẫn đang được các nhà nghiên cứu làm rõ thêm nhằm tìm ra câu trả lời cuối cùng.
Phản ứng miễn dịch quá mức trong cơ thể có thể gây nên các cơn bão cytokine. Ảnh: SCMP.
Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu đặt vấn đề về việc có sự khác nhau về tình trạng bệnh ở những F0. Cuối tháng 7, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston, Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Y khoa Đại học Mississippi (Mỹ) phát hiện lời giải đáp khác nằm ở khu vực mũi - hầu.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Cell (Mỹ) ngày 22/7, nhóm nghiên cứu kết luận các ca mắc Covid-19 nặng đều có phản ứng miễn dịch ở mũi - hầu kém. Ngược lại, ở những người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình, các tế bào biểu mô đã tăng cường kích hoạt các gene liên quan đến phản ứng kháng virus.
Theo tiến sĩ José Ordovás-Montanẽ́s, thành viên nhóm nghiên cứu, vị trí đầu tiên khi nCoV tấn công cơ thể là mũi - hầu. Đây cũng là vị trí các nhân viên y tế đã đưa tăm bông vào để thu thập tế bào trong xét nghiệm rRT-PCR.
Tại khu vực này, cuộc chiến giữa hệ miễn dịch chống lại nCoV đã diễn ra. Do đó, bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng hay không phụ thuộc vào giai đoạn này.
Thiên Nhan
Nguồn: zingnews.vn