Người trẻ cô đơn
Dẫu là một đất nước có nền kinh tế vượt trội cùng với nhiều kĩ thuật công nghệ tiên tiến so với các nước châu Á khác, Nhật Bản vẫn đối mặt với một vấn đề nhức nhối: tỉ lệ tự tử cao nhất trong các nước G7, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Cùng lúc đó, nền công nghiệp "cho thuê hơi ấm" càng phát triển đa dạng. Tại Nhật Bản, có đủ các loại hình dịch vụ dành cho người cô đơn. Akihabara là khu vực nơi những người đàn ông cô đơn vẫn thường xuyên lui tới và trả tiền để tìm kiếm cho mình một chút cảm giác có đôi có cặp. Các dịch vụ thân mật này hoạt động 24/24 và không hề có mại dâm.
Thực tế, các dịch vụ có thể bao gồm gối đầu lên đùi và được một cô gái ôm hoặc một cuộc đi dạo và tâm sự. Đây là nơi những người trung niên, nam thanh niên tìm đến vì quá cô đơn và khát khao hơi ấm con người.
Nhiều người tan sở không về nhà mà ghé qua các điểm dịch vụ như thế này chỉ vì sợ phải đối mặt với sự cô đơn đến ngột ngạt trong bốn bức tường căn hộ của mình.
Ngoài ra, dịch vụ cho thuê bạn bè trong các bữa tiệc cũng trở nên vô cùng phổ biến ở Nhật Bản đối với những người không có bạn bè và muốn gây ấn tượng tốt trên mạng xã hội. Công ty Family Romance cung cấp dịch vụ cho thuê bạn bè và cả khách thuê đám cưới, khách tham dự thội thảo.
Cô Maki Abe nhấn mạnh, " Số lượng các bạn trẻ muốn đẹp lộng lẫy trên mạng xã hội ngày càng tăng lên" nhưng bên cạnh đó cô cũng chia sẻ: "Tôi cảm thấy những người trẻ tuổi dường như không muốn tiết lộ khía cạnh yếu đuối, dễ bị tổn thương của mình".
"Tôi cảm thấy những người trẻ tuổi dường như không muốn tiết lộ khía cạnh yếu đuối, dễ bị tổn thương của mình".
Mắc kẹt giữa áp lực công việc và cuộc sống, lại không tìm được nguồn an ủi đồng cảm, người trẻ Nhật Bản tìm đến mạng xã hội như một cách tìm kiếm sự chia sẻ.
Eri, một nhân viên bán thời gian 21 tuổi ở Tokyo đã dùng Twitter như nhật ký của mình. Cô có nhiều tài khoản nhưng chỉ dùng tài khoản cá nhân để bày tỏ cảm xúc thật của mình. Nhiều lần cô viết những nội dung như "Shinitai" (Tôi muốn chết) và "Tôi đau khổ quá".
"Tài khoản Twitter của tôi không công khai cho nên tôi không phải lo lắng về việc bị đánh giá khi viết những điều tiêu cực", Eri còn chia sẻ thêm. Nhưng ngay cả với tài khoản công khai của mình, cô cũng hạn chế chia sẻ bất cứ điều gì vì sợ những người không biết mình cũng sẽ đọc được.
Trái với hình ảnh của thế hệ trẻ đầy sức sống và vui tươi, tại Nhật Bản, người ta có thể ngủ gục tại bất cứ đâu, văn phòng làm việc, nhà ga tàu điện ngầm. Tình trạng làm việc đến kiệt sức này cộng với áp lực nặng nề từ xã hội đã khiến những người trẻ trở nên lạc lõng và cô đơn.
Dù là ở trong độ tuổi rất trẻ, nhưng những người Nhật cô đơn này dường như vẫn không thể tìm được kết nối và sự chia sẻ từ những người khác.
Cô đơn lại được trói chặt bởi cô đơn. Cô Reiko Michiko, 26 tuổi cho biết, nhiều khi cô tìm đến quán cafe ăn nhẹ chút gì đó rồi tiếp tục làm việc tại đây cho đến muộn mới về nhà bởi trong quán cafe này, cô cảm thấy vơi bớt đi cảm giác cô đơn bởi ít nhất cô có được cảm giác có người đi xung quanh mình, dù họ chỉ là người xa lạ.
Nhật Bản vẫn đối mặt với một vấn đề nhức nhối: tỉ lệ tự tử cao nhất trong các nước G7, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Tatsuhito Hokujo - Giám đốc Befrienders Worldwide Osaka - một cộng đồng ngăn chặn tự tử cho biết, những người gọi đến đường dây nóng của họ thường cảm thấy bị cô lập.
"Họ cảm thấy rằng không có ai lắng nghe và chia sẻ những vấn đề trong tâm trí họ."
Sự cô đơn có thể khiến người ta trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương, lợi dụng. Ngày 31/10 vừa qua, vụ án giết 9 người trong 2 tháng tại Nhật Bản đã khiến cả thế giới kinh hoàng.
Tại cơ quan điều tra, nghi phạm là Takahiro Shiraishi (27 tuổi) lạnh lùng khai nhận về tội ác của mình, mỗi tuần hắn giết một người, sau đó cưa xác nạn nhân thành nhiều mảnh và giấu trong các thùng đá. Điều đáng chú ý hơn là các nạn nhân đều rơi vào độ tuổi 17-22 và bày tỏ ý định tự sát trên mạng xã hội Twitter.
Một người nạn nhân là phụ nữ 23 tuổi đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng "Tôi đang tìm người cùng với mình tự tử." và dùng hashtag #suiciderecruitment (tuyển người tự tử). Tên sát nhân đã lợi dụng chính điểm yếu này để thi hành tội ác.
"Hãy chết cùng nhau" - ở nơi tận cùng của cô đơn
Thiếu vắng những mối quan hệ lành mạnh và cộng đồng bạn bè chia sẻ, sự cô đơn của giới trẻ Nhật Bản lên đến đỉnh điểm khi những cộng đồng mạng tổ chức tự tử theo nhóm bắt đầu xuất hiện.
Còn được gọi là hikikomori, những bạn trẻ cô đơn chọn chân núi Fuji, rừng tự sát là địa điểm để kết liễu mạng sống của mình. Chỉ riêng tại Tokyo, ước tính có khoảng từ 280.000 đến 700.000 hikikomori.
Khu rừng được gọi là Rừng tự sát tại Nhật Bản sau nhiều vụ tự tử được phát hiện tại đây.
Thế hệ già sợ hãi "cái chết âm thầm"
Trong khi giới trẻ Nhật Bản cảm thấy mất kết nối trong chính thời đại của mình, thời thế hệ đi trước mang một mối lo âu khác: cái chết cô đơn - kodokushi.
Dân số già đi và tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm mạnh không còn là chủ đề mới mẻ với Nhật Bản. Nhưng điều đó không có nghĩa những câu chuyện đau buồn về phần đời cô đơn của thế hệ đi trước ai biết không còn được quan tâm. Với cơ cấu dân số già, phần lớn người già Nhật Bản sống tại các căn hộ riêng hoặc căn hộ chung cư dành cho người già vì số lượng các trung tâm dưỡng lão không đáp ứng được nhu cầu.
Thời đại của mình đã qua, bạn bè đa số đã không còn, con cái người thân lớn dần tự lập và ít khi liên lạc, các ông cụ bà cụ ở đất nước này đối mặt với một nỗi sợ không tưởng: chết đi mà không ai hay.
Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây.
Trường hợp đầu tiên của "cái chết cô độc" là khi thi thể của một người đàn ông 69 tuổi nằm trên sàn nhà suốt ba năm mà không hề có ai hay biết. Tiền thuê nhà và điện nước được trừ tự động hàng tháng từ tài khoản ngân hàng của ông. Cuối cùng đến năm 2000, số tiền tiết kiệm của ông khánh kiệt và cảnh sát phát hiện ra thi thể gần bếp đã bị giòi và bọ đục khoét.
Một tờ tạp chí nổi tiếng đưa tin "1 tuần có khoảng 4.000 cái chết cô đơn" đã khiến cả nước Nhật bàng hoàng nhận ra sự cô đơn đến tột cùng của một thế hệ. Vào năm 1987, đã có 788 đàn ông chết một mình ở Nhật. Đến năm 2006, con số đã lên đến 2.362 và thời gian trung bình để phát hiện ra thi thể cho nam giới là 12 ngày và nữ giới là 6,5 ngày.
Bà Chieko Ito ở độ tuổi 91 đã sống trong chung cư Tokiwadaira trong 60 năm qua, nơi mỗi năm lại có những người chết đi mà không ai biết đến. Bà Ito đã sống cô đơn suốt một phần tư thế kỷ và quyết tâm không để mình chết đi trong đơn độc. Cho dù có phải là sinh nhật hay không, bà biết sẽ chẳng ai gửi lời nhắn hay ghé qua thăm hỏi. Sinh vào thời Thiên hoàng Taisho, bà trở thành một công dân lạc lõng. Bạn bè và người thân từng người một mất đi hoặc dần trở nên mờ nhạt. Chồng và con gái bà đã qua đời vì ung thư, bà Ito vẫn còn một người con gái kế nhưng chẳng mấy khi liên lạc trừ dịp lễ tết.
Bà Ito đợi xe buýt để đi viếng mộ gia đình.
Bà nhờ vả hàng xóm nhìn sang cửa sổ căn hộ của mình vào mỗi buổi sáng. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, bà sẽ kéo khung cửa sổ giấy màu xanh lại, và lại mở chúng ra vào 6 giờ mỗi sáng.
"Nếu cửa sổ vẫn còn đóng, nghĩa là tôi đã chết rồi." Bà Ito nói với người hàng xóm của mình. Khi hàng xóm liếc qua và họ biết rằng mình đã chết, họ có thể báo cho các nhà chức trách và mọi thứ sẽ được lo từ đó, bà Ito tính toán. Bà thậm chí còn để lại một số tiền để dọn dẹp căn hộ sau khi bà đã ra đi.
"Những người xung quanh tôi đã chết, từng người một, và tôi là người duy nhất còn lại. Nhưng mỗi khi nghĩ về cái chết, tôi đều thấy sợ hãi." Bà Ito nói.
"Nếu cửa sổ vẫn còn đóng, nghĩa là tôi đã chết rồi"
Những cuộc đời vô hình
Đối diện với cái chết có lẽ không ai là không sợ hãi, nhưng phải trải qua cái chết một mình và cô đơn có lẽ còn là một điều đáng sợ hơn nữa. Thêm hai cái chết cô đơn nữa đã được phát hiện tại chung cư Tokiwadaira. Người ta phát hiện ra nhờ một mùi ôi khó chịu ở khu vực xung quanh căn hộ của người đàn ông đã qua đời. Không ai trong chung cư quen biết ông dù ông đã sống nhiều năm tại tòa nhà này.
Hai ngày sau, thêm một thi thể khác được phát hiện. Mùi ôi nồng của xác phân hủy trở nên hăng đến mức hàng xóm của ông không ngủ được suốt 3 đêm. Cũng như hầu hết những người già khác, ông đã sống tại chung cư nhiều năm, nói chuyện phím với hàng xóm về các loại hoa anh đào, nhưng họ cũng không biết tên ông.
Rất nhiều người già tại Nhật Bản đang sống cuộc đời vô hình khi thời đại của mình đã đi qua. Họ ăn uống, đi lại, sinh hoạt một mình và hy vọng sẽ có ai đó biết khi mình chết đi trước khi lũ giòi bọ tìm đến. Cụ ông 83 tuổi Kinoshita, một thành viên của chung cư Tokiwadaira đã được 14 năm nay. Sống một mình vì mất liên lạc với cả vợ lẫn con, căn hộ của ông cụ chất đầy rác.
Căn hộ đầy rác của cụ ông Kinoshita
Đối với ban quản lý chung cư, thứ mùi nồng nặc của rác, mồ hôi và chất uế thải lại là mùi của sự sống của những người đàn ông sống một mình như ông cụ Kinoshita. Khi chân ông cụ trở nên yếu dần, ông cụ từ bỏ việc dọn dep và đồ đạc quanh căn phòng đều tập trung ở giường của ông.
Khi được hỏi về gia đình, ông cụ kể về thất bại trong việc làm ăn kinh doanh của mình và bị vợ bỏ. Cũng là con trai trưởng trong nhà, ông cụ lẽ ra phải là người trông coi các ngôi mộ, nhưng ông Kinoshita đã từ bỏ nhiệm vụ này. Ông không dám bước vào khu mộ của gia đình vì cảm giác tội lỗi rằng ông đã gây ra quá nhiều tổn thất do thương vụ thất bại của ông. Cụ ông nói, "Kể cả khi họ khắc tên tôi lên bia đá, cũng sẽ chẳng có ai đến thăm viếng mộ tôi."
Cụ ông đăng ký hiến tạng cho một trường y sau khi mình qua đời và trường sẽ lo tất cả. Họ sẽ dọn dẹp căn hộ và cử hành lễ tưởng niệm ông và những người hiến tạng khác vào mỗi mùa thu. Nhưng điều ông Kinoshita lo lắng chính là cái chết đơn độc, sẽ ra sao nếu không có ai biết khi ông qua đời và cơ thể ông phải chịu dày vò của nhiệt độ và lũ côn trùng đáng ghét? Cụ ông cảm thấy may mắn về nội tạng còn hoạt động tốt của mình và bình luận: "Nếu anh bảo họ đến lấy một cái xác thối rứa, đương nhiên là họ sẽ không đến".
Khi chân ông cụ trở nên yếu dần, ông cụ từ bỏ việc dọn dep và đồ đặc quanh căn phòng đều tập trung ở giường của ông.
Văn hóa tự lập ở Nhật: Cô đơn lại càng cô đơn
Nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn đến mức gần như khủng hoảng trong xã hội Nhật Bản một phần đến nền văn hóa. Là một quốc gia mang tính cộng đồng cao, mỗi cá thể phải đặt mình vào lợi ích chung của tập thể mà không được tự do theo đuổi, phát triển những phẩm chất riêng của mình. Điều này mang đến áp lực nặng nề cho giới trẻ khi sự nghiệp, thành tựu luôn là một tiêu chuẩn mà họ phải liên tục nỗ lực để đạt được.
Đặc biệt hơn hết và có phần trái ngược với tính cộng đồng, văn hóa Nhật Bản đề cao tính tự lập. Trẻ em từ bé được dạy dỗ để tự lo cho bản thân từ những chuyện nhỏ nhất, kiềm chế cảm xúc và cách cư xử của mình. Văn hóa đè nén những điều tiêu cực không có gì xa lạ đối với các nước châu Á khi những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần trầm cảm thường được tránh không nói tới.
Điều này khiến cho người Nhật cảm giác không thoải mái và xấu hổ khi phải thừa nhận mình đau buồn và cần đến sự giúp đỡ của người khác. Xu hướng né tránh những khía cạnh yếu đuối của con người đã khiến Nhật Bản phải trả một cái giá vô cùng đắt - sức khỏe tinh thần của một dân tộc.
"Kể cả khi khắc tên tôi lên bia mộ, cũng sẽ không có một ai đến thăm viếng tôi"
Chúng ta đang tạo ra một thế hệ cô đơn, muốn nhận lại mà không đành lòng cho đi
Theo GREY SPIDERUM/Trí Thức Trẻ