Trong cuốn “Khổng Tử gia ngữ” có một điển cố khá thú vị như thế này.
Có một hôm, quốc vương nước Lỗ thỉnh giáo Khổng Tử: “Ta nghe nói mở rộng phòng ốc về hướng đông là điều không may mắn, việc này có đúng không?”
Giống như chúng ta hiện nay, có rất nhiều người muốn nhờ thầy xem phong thủy, bàn đặt ở đâu mới hợp, giường ngủ phải kê ra sao mới thuận lợi…
Trước câu hỏi của vua nước Lỗ, Khổng Tử đáp rằng: “Tôi nghe nói ở đời có 5 việc xấu, mở rộng phòng ốc về hướng đông không nằm trong số đó”.
Vậy thì 5 việc xấu ở đời mà tượng đài Nho học nổi tiếng Trung Quốc nhắc đến ở đây là gì?
Điều thứ nhất: Hại người lợi mình, bản thân sẽ không may mắn
Theo lời của Khổng Tử, những kẻ chà đạp, hại người khác để mưu lợi cá nhân rồi sẽ tự rước họa vào thân, cuối cùng cũng tự hại mình.
Ảnh minh họa.
Điều thứ hai: Thích nổi danh nhưng bất tài, quốc gia gặp họa
Những người hiền đức, tài năng bị những kẻ bất tài dùng thủ đoạn để bài xích, loại trừ rồi tìm cách đưa mình vào vị trí đó thay thế, đó là cái họa của quốc gia.
Điều thứ ba: Người già không dạy, người trẻ không học, đó là thói xấu ở đời
Có thể hiểu cụ thể hơn là: Người già không muốn dạy bảo người trẻ, người trẻ tuổi ngạo mạn không muốn học hỏi kinh nghiệm từ người già, đây là thói quen xấu, không mang lại điều hay.
Coi trọng đạo đức gia đình, người già bảo ban, con trẻ tiếp thu, lắng nghe bề trên vẫn là nét văn hóa được người Nhật Bản duy trì trong xã hội hiện đại ngày nay. Và đó là một trong những bí quyết giúp họ luôn hành xử văn minh trong cuộc sống.
Điều thứ tư: Thánh nhân buông bỏ, người xấu lộng hành, thiên hạ ắt sẽ gặp chuyện không hay
Bậc thánh hiền là những người có trí tuệ và đức hạnh nhưng không được quốc gia trọng dụng. Họ – vì không màng đến danh lợi nên đều tìm cách ẩn cư tránh xa sự đời rối ren.
Trong khi đó, những kẻ kém cỏi ra sức tranh quyền đoạt vị, thao túng, lộng hành. Điều này ắt sẽ khiến xã hội vì thế mà loạn, khó mà hưng thịnh.
Điều thứ năm: Khinh già trọng trẻ, đó là gia đình bất hạnh
Việc bỏ mặc người già không quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng, thay vào đó, dồn hết yêu thương cho trẻ nhỏ, đó là việc xấu, đẩy gia đình vào bất hạnh.
Điều này, sau hàng ngàn năm, cho đến nay vẫn cho chúng ta một bài học về sự giác ngộ. Tại sao lại như vậy?
Hãy lấy một cây đại thụ ra so sánh với mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Quả ngọt của cây là trẻ nhỏ, lá cây là bố mẹ đứa trẻ và gốc rễ của cây là ông bà của đứa trẻ.
Nếu chúng ta hy vọng cây đại thụ đó sống lâu bền, quả, lá sum suê, chúng ta phải lấy nước, chất dinh dưỡng bón vào vị trí nào của cây? Chẳng phải là cần phải bón vào rễ cây sao?
Thế nhưng hiện nay, phần lớn các ông bố bà mẹ trong các gia đình đều đang dùng nước và dinh dưỡng trực tiếp tưới bón lên quả. Kết quả là, những quả đó vì không thể hấp thu chất dinh dưỡng mà trở nên thối hỏng.
Đây chính là lý do vì sao việc giáo dục trẻ em hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề bất cập.