Theo số liệu từ Đài quan sát Copernicus Châu Âu công bố ngày 8/7, tháng 6 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Đây cũng là kỷ lục hàng tháng thứ 13 liên tiếp, với nhiệt độ trung bình vượt quá 1,64⁰C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang ngày càng tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C đã được nêu trong thỏa thuận khí hậu Paris. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm ở cấp độ toàn cầu.
Tháng đặc biệt nguy hiểm
Tháng 6 tại Ả Rập Saudi, hơn 1.300 người thiệt mạng trong cuộc hành hương đến Mecca, tại Đại thánh đường của thánh địa Hồi giáo đã ghi nhận nhiệt độ đạt tới 51,8⁰C.
Trong khi ở Mexico, hơn 150 người thiệt mạng vì đợt nắng nóng hoành hành từ tháng 3; Ấn Độ cũng ghi nhận hàng chục người chết do nắng nóng khủng khiếp vào cuối tháng 5 (ở thành phố Delhi, mức nhiệt đạt tới 52⁰C), trong đó có 33 nhân viên bầu cử thiệt mạng do sốc nhiệt trong ngày bầu cử quốc gia.
Nóng lên toàn cầu đã làm tăng độ ẩm không khí khiến cường độ mưa lớn hơn, gây thảm họa lũ lụt chết người như tại đất nước Kenya, 228 người thiệt mạng, 150 người tại Brazil và 28 người ở miền nam Trung Quốc; trong khi miền bắc Trung Quốc đối mặt với nắng nóng ngột ngạt chạm ngưỡng 40 độ C.
Hồi đầu tháng 7, lở đất cũng đã khiến 14 người ở Nepal tử vong. Theo các nhà khoa học, nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã làm tăng cường độ mưa, sóng nhiệt cũng như xác suất mà chúng sẽ xảy ra.
Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn có thể định lượng được cường độ của nó. World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới cho biết, đợt nắng nóng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 ở Mexico và Hoa Kỳ nhiều khả năng là do biến đổi khí hậu.
Thảm họa kinh tế và xã hội
Nóng lên toàn cầu ngoài gây ra các sự kiện thời tiết cực đoan chết người, nó cũng để lại các thảm họa kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước nghèo.
Do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng, người dân ở Balkan, Pakistan và Ai Cập đã bị cắt điện trong những tuần gần đây, điều này đồng nghĩa với việc các thiết bị thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như quạt, máy điều hòa không khí và tủ lạnh phải ngừng hoạt động.
Trong khi ở Brazil đã phải trải qua đợt hạn hán lịch sử, khu vực rừng Amazon đã chứng kiến nửa đầu năm tồi tệ nhất trong 20 năm qua và "tình trạng khẩn cấp" đã được ban bố ở Mato Grosso do Sul.
Tại California (Mỹ), hơn 1.400 ha rừng cũng vừa tan thành mây khói và dự đoán nhiệt độ có thể lên tới 46⁰C trong những ngày tới ở bờ biển phía Tây nước này.
La Nina sẽ thay đổi khí hậu như thế nào?
Theo các nhà khoa học, sự xuất hiện của La Nina (đối trọng El Nino) dự kiến vào cuối năm nay có thể khiến nhiệt độ toàn cầu hạ nhiệt. Nhưng điều này phần lớn sẽ còn phụ thuộc vào độ ấm của các đại dương - bao phủ 70% diện tích hành tinh - hiện vẫn duy trì nhiệt ở mức cao trong hơn một năm qua.
Sức nóng bất thường trên bề mặt nước ở Bắc Đại Tây Dương đã bồi thêm sức mạnh cho cơn bão Beryl vào đầu tháng 7, nó tàn phá Tây Ấn và khiến ít nhất 7 người thiệt mạng.
Nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas ước tính: "Nếu nhiệt độ kỷ lục này vẫn tiếp tục tồn tại, bất chấp sự phát triển của La Nina, năm 2024 có thể nóng hơn năm 2023. Nhưng chúng ta vẫn còn quá sớm để nói về điều này".
Nguồn: Báo điện tử Dân trí