Vận động viên trượt băng Nathan Chen của đội Mỹ giành huy chương vàng tại Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 hôm 10/2 - Ảnh: Getty/CNBC.
Olympic mùa đông 2022 đang diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, và đến thời điểm này đã có hơn 200 huy chương được trao cho vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
Việc vận động viên của một nước được bước lên bục trao huy chương không chỉ là niềm tự hào quốc gia, mà còn có thể đồng nghĩa với những khoản tiền thưởng hậu hĩnh và cánh cửa mở ra cho những hợp đồng tài trợ trị giá tới hàng triệu USD.
Theo hãng tin CNBC, Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) không thưởng tiền cho các vận động viên giành huy chương, nhưng nhiều quốc gia thưởng tiền cho vận động viên của nước mình - tuỳ theo số lượng và hạng huy chương mà họ nhận được tại Olympic mùa đông hoặc Olympic mùa hè.
Dưới đây là số liệu mà CNBC đã tập hợp được về mức thưởng mà một số quốc gia dành cho vận động viên của họ khi giành huy chương Olympic:
Dữ liệu trên cho thấy Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thường 37.500 USD cho mỗi huy chương vàng; 22.500 USD mỗi huy chương bạc, và 15.000 USD mỗi huy chương đồng. Tiền thưởng này sẽ không bị đánh thuế trừ phi tổng thu nhập cả năm của vận động viên vượt 1 triệu USD.
Ngoài tiền thưởng huy chương, các vận động viên Mỹ còn được hưởng các chế độ khác như bảo hiểm y tế, quyền tiếp cận các cơ sở chăm sóc y tế hàng đầu, và hỗ trợ học phí đại học.
Năm nay, Mỹ cử hơn 200 vận động viên tới thi đấu ở Bắc Kinh. Đội Mỹ hiện đã giành 7 huy chương vàng, 6 bạc và 3 đồng.
Tại Olympic mùa hè 2021 ở Tokyo, đoàn Mỹ giành 39 huy chương vàng, 41 bạc và 33 đồng, đạt tổng số huy chương nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, một số quốc gia và vùng lãnh thổ thưởng tiền cao hơn nhiều cho vận động viên giành huy chương Olympic, nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hoá thể thao nước nhà.
Chẳng hạn, Singapore thưởng cho vận động viên giành huy chương vàng Olympic số tiền nhiều gấp gần 20 lần so với mức thưởng của Mỹ. Số tiền thưởng dành cho một vận động viên Singapore giành huy chương vàng Olympic là 1 triệu Đôla Singapore, tương đương 737.000 USD.
Khoản thưởng này bị đánh thuế và người nhận phải chuyển một phần tài trợ cho liên đoàn quốc gia của bộ môn họ thi đấu, nhằm hỗ trợ công tác đào tạo các thế hệ vận động viên kế cận.
Kazakhstan thưởng 250.000 USD cho mỗi huy chương vàng, Italy thưởng 213.000 USD, Philippines khoảng 200.000 USD… Hồng Kông, vùng lãnh thổ có đội tuyển riêng tại các kỳ Olympic, năm ngoái thưởng 5 triệu Đôla Hồng Kông (641.000 USD) cho mỗi huy chương vàng.
Khi vận động viên ném lao Neeraj Chopra giành huy chương vàng cho Ấn Độ tại Tokyo năm ngoái, nhiều chính trị gia và doanh nghiệp nước này đã thương cho anh hàng triệu Rupee.
Ngoài tiền thưởng huy chương, vận động viên một số nước còn được nhận nhiều ưu đãi khác khi có giải tại Olympic. Chẳng hạn, vận động viên cử tạ Hidilyn Diaz - người giành huy chương vàng Olympic đầu tiên cho Philippines – được tặng hai căn nhà và được đi máy bay miễn phí trọn đời.
Tuy nhiên, những khoản thưởng này được cho là xứng đáng, bởi giành huy chương ở Olympic là một việc không hề dễ dàng, đòi hỏi vận động viên – ngoài những tố chất bẩm sinh – còn phải dành toàn bộ thời gian và sức lực cho việc tập luyện. Do phải tập luyện thường xuyên với cường độ cao để chuẩn bị cho các giải đấu, họ không còn thời gian để làm một công việc khác. Trong một số môn thể thao, trang thiết bị, huấn luyện và sân bãi còn đòi hỏi vận động viên phải bỏ tiền đầu tư.
Vận động viên của các nước giàu thường nhận được tiền trợ cấp của liên đoàn thể thao quốc gia trong quá trình huấn luyện. Ở một số nước khác, vận động viên phải xoay sở nhiều nghề hoặc dựa vào tiền quyên góp để theo đuổi giấc mơ Olympic.
Ngoài ra, cũng chỉ có một số ít vận động viên nổi tiếng nhận được hợp đồng tài trợ, quảng cáo triệu USD trước hoặc sau khi thi đấu ở Olympic.
Chẳng hạn, vận động viên trượt ván trên tuyết người Mỹ Shaun White nhận được hợp đồng tài trợ đầu tiên khi mới 7 tuổi. Sau khi White giành huy chương vàng Olympic đầu tiên vào năm 2006, công ty sản xuất ván trượt Burton đã ký hợp đồng đại diện thương hiệu 10 năm với anh và theo một số ước tính, anh nhận 10 triệu USD mỗi năm từ hợp đồng này.
Năm ngoái, vận động viên bơi lội người Katie Ledecky và vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles, đều của Mỹ, nhận được hàng triệu USD từ các hợp đồng làm gương mặt đại diện. Ngôi sao tennis Naomi Osaka người Nhật được cho là đã kiếm được 55 triệu USD từ các hợp đồng tương tự chỉ trong vòng 12 tháng, theo đó trở thành nữ vận động viên được trả cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, việc giành được những hợp đồng hấp dẫn như vậy là rất hiếm. Chẳng hạn, hầu hết các vận động viên của đoàn Mỹ đều không có đại diện thể thao, nhà tài trợ hay hợp đồng quảng cáo nào – theo Forbes.
Bình Minh
Nguồn: vneconomy.vn