Ngoài ra, điều khiến cho mọi người ngạc nhiên hơn nữa, đó là ngay cả những đạo sĩ nguyên là người tu luyện cũng rất giỏi trong việc chữa trị các chủng loại bệnh kỳ quái. Dưới đây là một số ví dụ được dẫn trong kho tàng y học Á Đông cổ xưa.
Một đại phu thời xưa dùng yếu tố tâm lý và nguyên liệu trong nhà bếp để trị bệnh
Trong những năm triều đại nhà Đường ở kinh thành có một vị đại phu nọ rất thuận theo đạo. Một hôm có người phụ nữ kia cùng chồng lên kinh đô. Sau khi dùng bữa xong, cô cho rằng không may đã nuốt phải một con côn trùng, trong tâm cứ luôn hoài nghi bất an về điều đó, cuối cùng thì cô cũng lâm bệnh. Tuy rằng người phụ nữ đó không ngừng đi tìm các phương pháp trị liệu, nhưng bệnh tình vẫn không chút biến chuyển. Chồng cô nghe danh vị đại phu trong kinh thành kia, bèn sai người đi mời ông về chữa trị.
Vị đại phu sớm đã biết nguyên do bệnh tình của cô, liền nói với vú nuôi và những người hầu cận xung quanh rằng: “Trước tiên hãy dùng thuốc để cô ấy nôn ra, sau đó lén lấy đĩa che lên và bỏ vào đó một con trùng nhỏ, rồi nói là đã nôn ra được một con trùng. Nhưng nhất quyết không được cho cô ấy biết sự thật. Vú nuôi y lời đại phu mà thực hiện, bệnh tình của người phụ nữ đó quả thực đã được chữa khỏi.
Còn có một câu chuyện khác kể rằng có chàng thiếu niên nọ thường thấy hoa mắt, dường như có một tấm gương nhỏ luôn di động ở phía trước mặt. Người nhà thấy vậy liền mời một vị đại phu tên là Triệu Khanh đến chữa trị. Ông đã hẹn với vị thiếu niên đó rằng sáng sớm hôm sau sẽ chiêu đãi anh ấy ăn gỏi cá. Ngày thứ hai cậu thiếu niên đến đúng như đã hẹn, tuy nhiên vị đại phu nói rằng đang chữa cho nhiều bệnh nhân, bảo chàng thiếu niên nhẫn nại chờ ở ngoài, khi nào khách về hết lập tức sẽ gọi anh ta vào.
Lát sau gia nhân đem đến cho vị thiếu niên này một bát giấm mù tạt nhỏ, và không mang thêm món ăn nào nữa. Anh ta đợi từ sáng đến gần trưa mãi vẫn không thấy Triệu Khanh lại kiên nhẫn ngồi đợi. Một lúc lâu sau vừa đói cồn cào ruột gan, lại thêm hương vị giấm bay lên thơm phưng phức, vị thiếu niên này chịu không nổi liền nhấp một ngụm nhỏ. Hương vị quả là rất ngon, lại do dự nhấp thêm một ngụm nữa, khi ấy anh ta thấy trong người nhẹ nhõm hẳn, mắt cũng không còn hoa nữa, cứ như vậy chẳng mấy chốc vị thiếu niên này đã uống hết giấm trong bát.
Triệu Khanh biết anh này đã uống hết giấm mới bắt đầu bước ra. Ông nói: “Trước đó vì cậu đã ăn gỏi cá quá nhiều, chấm quá nhiều giấm và mù tạt, vảy cá còn mắc ở lồng ngực, vậy nên mắt mới hoa. Lúc nãy chuẩn bị giấm mù tạt, thực ra là vì muốn anh đói để cho hết giấm, bệnh tình của anh coi như đã được chữa khỏi rồi đó. Hôm qua hẹn anh ăn gỏi cá chỉ là cái cớ để chữa bệnh thôi, bây giờ anh có thể về nhà ăn cơm được rồi”.
Người đương thời cũng truyền tụng rằng: Triệu Khanh có rất nhiều những tình huống trị bệnh thú vị như vậy.
Triệu Khanh có rất nhiều những tình huống trị bệnh thú vị như vậy. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)
Vị đạo sĩ giỏi y thuật
Vào những năm Nguyên Thành Tông triều đại nhà Đường, có một vị đạo sĩ tên là Vương Ngạn Bá ở Kinh Châu, ông sinh thời đã rất giỏi về y thuật, đặc biệt giỏi phân biệt về các hiện tượng mạch lạc khác nhau. Vương Ngạn Bá có thể đoán biết được một người còn sống khỏe mạnh hay sắp bệnh tật lâm nguy; trường thọ hay là đoản mệnh, hơn nữa kết quả đều vô cùng chính xác.
Thượng thư Bùi Trụ có một người con trai đột nhiên mắc bệnh cấp tính, tất cả các thái y trong triều đều cho rằng căn bệnh không thể chữa khỏi và không ai dám chữa. Một vị thái y mách nước cho thượng thư đi tìm Vương Ngạn Bá. Bùi Trụ liền lập tức phái người đi tìm ông ta đến coi bệnh cho con.
Vị đạo sĩ sau khi bấm mạch xong liền nói: “Thiếu gia không mắc bệnh nào hết". Sau đó ông sắc một ít thuốc tán để con trai Bùi Trụ uống, một lát sau bệnh đã chữa khỏi. Thượng thư quay lại hỏi cảm giác của con trai, lúc đó Vương Ngạn Bá nói: “Anh ấy trúng phải độc cá không mang”. Thiếu gia gật gật đầu đồng thuận với đạo sĩ, và thừa nhận rằng trước đó anh ta đã từng ăn gỏi cá.
Bùi Trụ nghe xong thoạt đầu không tin, vậy nên ông cho người cắt một ít cá sống không mang cho thuộc hạ ăn. Người kia ăn xong quả nhiên có hiện tượng y hệt như trường hợp mắc bệnh của con ông. Thượng thư thấy vậy kinh ngạc cảm ơn vị đạo sĩ không ngớt.
Trước khi Vương Ngạn Bá công khai hành nghề y, ông đã đặt ba, bốn chiếc bếp lò trong sân, sắc rất nhiều các loại thuốc khác nhau. Già trẻ gái trai thấy vậy đều đến xin thuốc của ông.
Ông Vương ân cần chỉ bảo họ rằng: “Người bị sốt nên dùng thuốc này, người bị bệnh cảm lạnh nên dùng thuốc kia, người bị trúng gió nên dùng thuốc này, người mắc bệnh dạ dày nên dùng thuốc kia... Ai nấy sau khi uống xong đều cảm thấy thuốc rất hiệu quả, các loại bệnh đã được chữa khỏi. Vậy nên mọi người đều lấy chút tiền và vải để trả ơn ông.
Kỳ thực các phương pháp trị bệnh của người xưa tuy đơn giản nhưng rất có hiệu quả, bởi lẽ các đại phu và đạo sĩ đều chú trọng tu dưỡng bản thân làm gốc, chuyên tâm nghiên cứu thân thể con người cùng sự kết nối với vạn vật trong tự nhiên. Có thuốc độc ắt sẽ có thuốc giải, chính là đạo lý “tương sinh tương khắc” tồn tại từ xưa đến nay.
Cũng như vậy, ông trời tạo ra con người, khi đại nạn thiên tai nhân họa đến chắc chắn sẽ báo trước hoặc vẽ cho nhân loại một đường lui.
Cổ ngữ có câu “võng khai nhất diện”(*), chỉ cần trong tâm còn thiện niệm, cung kính với trời đất Thần linh, thì đó chính là sự bảo hộ chắc chắn nhất đối với sinh mệnh...
Anh Kỳ (biên dịch)
Theo: Secretchina
Chú thích:
(*) Võng khai nhất diện: Lưới mở hết ra chỉ để lại một mặt. [Diễn giải theo nghĩa bề mặt].