Ngày 28/9, trước Tết Trung thu, sự kiện đoàn tụ chống buôn người do Văn phòng Cảnh sát thành phố Miên Dương ở Tứ Xuyên và Quỹ Duyên Mộng Bắc Kinh tài trợ đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Vương Lập Quỳnh và Lý Cường, nạn nhân bị bắt cóc từ nhỏ đã được gặp lại nhau trong “giấc mơ đoàn viên Trung thu” sau 34 năm.
34 năm rong ruổi với khát khao tìm lại gia đình
Tháng 5/2023, Vương Lập Quỳnh đã đến Cục Cảnh sát thành phố Miên Dương để được giúp đỡ. Vào tháng 1/1990, cậu con trai 2 tuổi Úc Báo Báo của cô đã biến mất ở làng Ngõa Diêu, trấn Miên Viễn, huyện Miên Trúc (Tứ Xuyên, Trung Quốc), nghi bị bắt cóc, gia đình đã tìm kiếm nhiều năm nhưng không có kết quả.
Cảnh sát đã thu thập mẫu máu của Vương Lập Quỳnh tại chỗ và đưa vào hệ thống thông tin của Bộ Cảnh sát. Đầu tháng 9, qua khám xét cha mẹ đơn thân, mẫu máu của Vương Lập Quỳnh trùng khớp với với mẫu máu của Lý Cường, một người đàn ông được Cục Cảnh sát Thượng Hải thu thập thông tin trước đó. Ngay lập tức, cảnh sát đã liên lạc với Lý Cường và lấy một mẫu khác để xét nghiệm bổ sung. Ngày 25/9, Phòng thí nghiệm DNA của Cảnh sát Miên Dương xác định Vương Lập Quỳnh và Lý Cường có quan hệ mẹ con.
Lý Cường đoàn tụ với mẹ trong nước mắt.
Hồ Tường Vũ, một sĩ quan cảnh sát thuộc Đội điều tra hình sự, Cục Cảnh sát Miên Dương, cho biết hành trình tìm kiếm người thân không hề dễ dàng. Theo điều tra, Lý Cường bị bắt cóc ở Tứ Xuyên khi mới khoảng 2 tuổi và bị đưa đến Hà Nam, nơi anh sống với gia đình nhận nuôi đầu tiên. Vì Lý Cường lúc đó đã có một chút nhận thức về cuộc sống khi ở với bố mẹ ruột nên anh không cảm thấy hạnh phúc khi sống với gia đình nhận nuôi. Đến năm 11 tuổi, anh được cha mẹ nuôi từ Hà Nam đưa về Tứ Xuyên và chuyển đến gia đình thứ hai.
“Tôi theo họ lên tàu với lòng tràn đầy kỳ vọng. Ai biết rằng khi đến Tứ Xuyên, tôi lại bị chuyển đến gia đình khác. Cảm giác tồn tại ở gia đình mới càng nhạt nhòa hơn, tôi không hề cảm nhận được chút gì gọi là tình thân. Sau chuỗi thất vọng liên tiếp, tôi chọn cách ra đi, một mình lên đường tìm lại bố mẹ ruột của mình”.
Lý Cường kể lại hành trình tự lập và tìm kiếm người thân của mình.
Lý Cường nói với phóng viên tờ Fengmian rằng khi nhận được tin từ cảnh sát đã tìm thấy cha mẹ ruột, lúc đó anh đang đi giao đồ ăn. Sau khi xác nhận tính xác thực của thông tin, anh không thể kìm nén được nữa, và cứ thế một người đàn ông hơn 30 tuổi khóc lớn bất chấp ánh nhìn kỳ quặc của người đi đường.
“34 đêm trăng tròn nhưng nhà lại khuyết”, lần đầu tiên nếm được vị bánh Trung thu của mẹ
Trước đêm Trung thu, với sự giúp đỡ của Cục Cảnh sát thành phố Miên Dương, Vương Lập Quỳnh và Lý Cường gặp lại nhau sau 34 năm xa cách, hai người ôm nhau khóc nức nở.
Mỗi dịp Trung thu, mẹ con xa nhau ở hai nơi chỉ có thể nuốt ngược nước mắt trong nỗi nhớ nhung, mông lung không biết đối phương có còn trên đời này không.
“Ngày Trung thu thuở bé, tôi ngồi ăn cơm cùng bố mẹ nuôi, anh chị em ở nhà. Trên bàn bày rất nhiều món ăn nhưng tôi không dám vươn đũa gắp, chỉ biết cúi đầu nhìn mọi người nói cười vui vẻ. Thậm chí tôi cũng không dám cầm miếng bánh Trung thu trên bàn lên nếm thử mùi vị ra sao, khao khát tìm kiếm gia đình ruột thịt càng mãnh liệt hơn”, Lý Cường nói.
Vương Lập Quỳnh nói với các phóng viên rằng mỗi dịp Trung thu, cô đều tự tay làm bánh. Có lúc ngồi vào bàn chưa kịp ăn, nước mắt đã tuôn rơi. “Thấy gia đình vui vẻ mà không biết con trai đang ở đâu, nó có ổn không, tôi cảm thấy rất buồn và lòng nặng trĩu như có tảng đá đè xuống biết bao năm”.
"Con trai, mẹ mang đến cho con chiếc bánh Trung thu mẹ làm!" . Tại hiện trường nhận lại người thân, Vương Lập Quỳnh đã đút bánh Trung thu cho con trai Lý Cường với đôi mắt ngấn lệ. Khoảnh khắc này cô đã chờ đợi 34 năm.
Lý Cường cũng nấu một bát chè trôi nước hạt sen nhãn nhục cho mẹ. “Nhãn nhục tượng trưng cho sự trọn vẹn trong cuộc đời không trọn vẹn của tôi. Hạt sen tượng trưng cho ‘mẫu tử liên tâm’, hàm ý những lời chúc tốt đẹp”.
“Tôi mong rằng sẽ có nhiều gia đình được đoàn tụ trong dịp Trung thu”
Lý Cường hiện là chàng shipper giao đồ ăn, sau cuộc gặp, anh muốn được tham gia đội "Tìm kiếm công ích". Trong quá trình giao đồ ăn, anh chứng kiến rất nhiều cảnh người già và trẻ em đi lạc nên đã lan truyền thông tin tìm kiếm thân nhân bằng hết khả năng của mình, giúp họ về nhà càng sớm càng tốt.
Theo báo cáo, Quỹ Duyên Mộng Bắc Kinh có nguồn gốc từ chương trình phúc lợi cộng đồng dành cho người mất tích "Chờ tôi" của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Vào năm 2015, Trạm tìm kiếm Duyên Mộng được thành lập để cung cấp dịch vụ tìm kiếm phi lợi nhuận cho các gia đình ly tán, cung cấp trợ cấp sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, chăm sóc tâm lý và các hỗ trợ khác cho các gia đình cần tìm kiếm người thân, đồng thời hợp tác với giới truyền thông để tổ chức các chương trình phát sóng trực tiếp về hoạt động nhận lại gia đình và tuyên truyền chống buôn người, cho đến nay đã giúp đoàn tụ hơn 40.000 gia đình.
Theo Phụ nữ mới