"Điều tôi thấy đáng tiếc là lớp trẻ hiện nay đang sống và hưởng thụ khá xô bồ, ào ạt khi đón nhận sự du nhập từ văn hóa từ Hàn Quốc".

Thầy có nhìn nhận như thế nào về lớp trẻ - những người đã và đang ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí là chính học trò của thầy rất thích xem phim Hàn, “cuồng” văn hóa Hàn Quốc, trong khi lịch sử nước nhà được đón nhận khá hời hợt?

Thầy Trần Trung Hiếu: Khi Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, sự trao đổi về mặt kinh tế thì tất yếu sẽ có sự đón nhận và giao thoa về văn hóa. Chúng ta đã và đang chủ trương xây dựng nền văn hóa “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, chủ trương “hội nhập” nhưng không “hòa tan”.

Tuy nhiên, điều tôi thấy đáng tiếc là lớp trẻ hiện nay đang sống và hưởng thụ khá xô bồ, ào ạt khi đón nhận sự du nhập từ văn hóa các nước khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc. Thực tế, từ thành thị đến nông thôn, từ học sinh cấp 2 đến cả sinh viên đại học có khá nhiều người “cuồng” văn hóa Hàn Quốc.

Thậm chí, họ có thể chưa cảm nhận được hay thế nào, nhưng cứ thấy đẹp, lạ là thích và cuốn theo.

Biểu hiện “cuồng Hàn” của hoc sinh rất đa dạng: thích xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn, nhảy nhạc KPOP, sưu tầm và trang trí nhiều tấm ảnh của các ca sỹ, diễn viên, người mẫu Hàn; chụp ảnh “tự sướng” kiểu Hàn…

Thậm chí, nhiều em đi học còn lấy tên và ảnh của các thần tượng đó làm địa chỉ email, nick, avatar trên Facebook của mình, chọn ảnh của diễn viên Hàn Quốc mà em ấy thần tượng gắn lên thẻ học sinh của mình, rồi dán ảnh của các diễn viên ấy trên góc học tập, phòng riêng,… Đó không phải là những điều làm chúng ta phải trăn trở, lo lắng sao?

Tôi vẫn hay nói với các học trò của mình rằng: “Tại sao ảnh gia đình, ông bà cha mẹ, anh chị em trong gia đình không được trân trọng , nâng niu mà lại đi tìm kiếm qua phim ảnh, báo chí, internet những người xa lạ để đam mê và thần tượng! Các em không cảm thấy như thế là xấu hổ sao”.

Rõ ràng đó là sự tôn sùng thái quá. Với góc độ một người thầy, tôi cảm thấy hơi buồn và xót xa về thị hiếu tiếp thu văn hóa ngoại lai của lớp trẻ.

Cuồng Hậu duệ mặt trời: Lớp trẻ đang sống xô bồ, ào ạt - 0

Bộ phim "Hậu duệ mặt trời" đang khiến nhiều bạn trẻ "phát cuồng".

Vậy lỗi này khởi nguồn từ đâu, thưa thầy?

Thầy Trần Trung Hiếu: Nếu trách học trò, lớp trẻ thì hoàn toàn không đúng. Tại sao cứ nói học sinh bây giờ rất dốt sử ta, không hiểu gì, không biết gì, không nhớ gì về lịch sử ?

Chính môn Lịch sử đã từng bị Bộ GD&ĐT “khai tử”. Học sinh bây giờ nói tên các anh hùng giải phóng dân tộc, những danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước thì không nhớ nổi nhưng nhắc đến tên các ca sĩ, diễn viên Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc thì biết rất rõ!

Tôi thấy buồn khi học sinh bây còn tìm mua trang phục của quân lính Hàn Quốc của các diễn viên trong phim. Các em thích và mặc trên mình bộ quân phục mà chính quân đội Hàn Quốc đã gây ra rất nhiều vụ thảm sát tàn bạo, đẫm máu với đồng bào mình, nhưng lại ngu ngơ không hiểu gì cả.

Cuồng Hậu duệ mặt trời: Lớp trẻ đang sống xô bồ, ào ạt - 1

Liệu giới trẻ có quá "cuồng" văn hóa của Hàn Quốc?

Việc mặc theo cảm tính, hồn nhiên coi đó là thần tượng của mình có thể “kiểm soát” không, thưa thầy?

Thầy Trần Trung Hiếu: Thiết nghĩ, muốn “kiểm soát” được đam mê trở thành thói quen này của học sinh thì xuất phát điểm phải đi từ gia đình, rồi sau đó tới nhà trường và xã hội. Tôi tin chắc rằng, không nhà trường nào lại ủng hộ học sinh vận những trang phục khác thường như thế khi đến trường cả.

Để thay đổi được điều này là rất khó, nhưng người lớn chúng ta vẫn phải quan tâm và lên tiếng, để từng bước làm cho các em nhận thức một cách đúng đắn những giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc đích thực, từ đó giúp các em tiếp thu, đón nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài một cách có chọn lọc và phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt.

Thầy có nhắn nhủ gì tới giới trẻ - những người đang rất thích và “cuồng” văn hóa Hàn Quốc?

Thầy Trần Trung Hiếu: Nhắc lại quá khứ không có nghĩa chúng ta khơi lại nỗi đau, nhưng những gì thuộc về quá khứ đau thương chúng ta không thể quên, vì đó là lịch sử.

Văn hóa bao giờ cũng có hai mặt và nó có quan hệ chặt chẽ đến lịch sử. Có những hiểu biết về văn hóa sẽ tác động biện chứng đến lịch sử, giúp thế hệ trẻ tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa bên ngoài.

Đón nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài một cách ào ạt, rồi quá đà khi mà chúng ta không hiểu được cốt lõi của vấn đề thì tai họa về mặt văn hóa đối với thế hệ trẻ không thể cân đong đo đếm. Sai sót về mặt kiến thức chưa đáng sợ bằng sai lầm về mặt nhận thức.

Thảm họa lớn nhất đối với thế hệ trẻ hiện nay và tương lai là sự vô cảm, đánh mất bản sắc dân tộc mà lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc, kẻ thù không thể “Hán hóa”, “đồng hóa nổi”.

Chúng ta hãy biết “gạn đục khơi trong”, biết chế ngự cái đã từng gây nên những nỗi đau cho dân tộc, cái chưa phù hợp với lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đón nhận, tiếp thu mặt tích cực từ bên ngoài. Văn hóa có mặt tích cực và tiêu cực, chạy theo thị hiếu nhất thời và đam mê đến mức “cuồng” như thế thì không nên.

Xin cảm ơn thầy!

Theo Công Luân - NGÀY NAY ONLINE




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC