Sự "mộc mạc" trong vụ việc mới đây tại Công viên nước Hồ Tây chỉ gây kinh ngạc, sửng sốt, và xấu hổ.
“Những ngày tôi lang thang,
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội,
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi,
Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi,
Tuổi thơ đã đi qua không trở lại,
Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi…”
Mỗi lần nghe ca sĩ Ngọc Tân khi còn sống cất lên bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh (phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì ba tôi – người từng sống một thời gian dài ở Hà Nội thường xúc động. Một cảm giác bồi hồi, đầy hoài niệm hình như đang dâng lên trong lòng cụ… Nhưng rồi, có lần suy nghĩ cụ bảo rằng, cái chỗ "mộc mạc" mà lời bài hát nói đến không đúng..!
Rồi cụ kể về cái ăn, cái mặc và cách giao tiếp của người Hà Nội xưa, và nhờ đó tôi ít nhiều cũng hiểu được phần nào câu ca:
“Chẳng thơm cũng phải hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Ngay chỉ với cách ăn, người Hà Nội xưa cũng quan điểm rất rõ ràng “thịt thái không vuông vắn thì không ăn, chiếu không ngay ngắn thì không ngồi”, một quan điểm mà tôi cảm thấy rằng quá cẩn thận, quá cầu kỳ và đôi phần chu toàn đến mức “khó tính”…
Song, chợt ngẫm đến vụ việc mới đây ở tại Công viên nước Hồ Tây khiến tôi tin rằng ít nhiều người ở Hà Nội “mộc mạc” là có thật, nhưng “mộc mạc” như thế thì không thể bâng khuâng, không thể bồi hồi được.
Mộc mạc kiểu đó chỉ còn lại cái cảm giác kinh ngạc, sửng sốt, và xấu hổ… là nhớ mãi thôi.
Cũng phải xin lỗi bạn đọc, khi nói tới người ở Hà Nội, người viết bài này muốn ám chỉ, là bao gồm tất cả những người đã và đang sống ở Hà Nội. Cuộc sống phát triển, sự giao lưu vùng miền trở thành lẽ tất yếu. Hà Nội đã trở thành miền "đất hứa" của rất nhiều người Việt khắp mọi vùng miền đất nước. Cũng như t/p Hồ Chí Minh, vậy thôi!
Cảm giác kinh ngạc, bởi một khi Ban quản lý Công viên nước Hồ Tây dự định mở cửa miễn phí từ 08-10h ngày 19/4, nhưng mới đến 09 giờ đã vội phải đóng cửa vì số người vào tắm “miễn phí” kinh khủng quá sức tưởng tượng. Dù nguy cơ bể bơi đã quá tải, hàng nghìn người đủ mọi thành phần đàn ông đàn bà, người lớn trẻ em, trai thanh gái lịch… vẫn cố trèo qua hàng rào sắt nhọn cao trên 02m để vào bên trong, gây nên một cảnh tượng như “vỡ chợ” hỗn loạn, bát nháo và phản cảm vô cùng.
Đã thế, lợi dụng hoàn cảnh “tranh tối tranh sáng” của “bể người” đang mất phương hướng kia, nhiều cô gái trẻ không hiểu sao bikini bị tả tơi, rách bươm ngay giữa thanh thiên bạch nhật giữa một đám thanh niên hò la đùa ghẹo. Thật hết biết! Ôi là tắm miễn phí!
Dư âm về sự hỗn loạn, bạo lực và phản văn hóa của những lễ hội cổ truyền đầu năm vẫn còn như in trong… tâm lý XH cả nước, thì nay, lại xảy ra câu chuyện phản cảm này. Đó thật sự là bức tranh buồn về văn hóa, về cách ứng xử của người Việt chúng ta.
Thật ra, tiết kiệm một tấm vé 100-150 ngàn cũng tốt chứ sao, tham dự miễn phí cũng chẳng xấu ai. Nhưng cố sống cố chết leo rào vào để bơi cho bằng được, ngay cả khi người ta từ chối, đóng cửa, thì đúng là “cố đấm ăn xôi”.
Và hình như câu chuyện phản cảm về “miễn phí” này đâu phải mới lần đầu? Nhớ lại tháng 9/2013, một hành động đẹp của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội đã bị chính người dân Việt chúng ta… làm xấu, với 3.000 chiếc áo mưa miễn phí được phát trong sự hỗn loạn, tranh giành và ai cũng cố gắng lấy càng nhiều càng tốt. Liệu Sứ quán bạn sẽ nghĩ gì về thái độ tranh cướp kiểu đó? Hay họ kinh ngạc về người Việt tự vứt bỏ cả thể diện, mà dù chiếc áo mưa kín mấy cũng không thể che đỡ nổi?
Đồng ý rằng, văn hóa cũng như mọi hiện tượng khác đều phải vận động và phát triển không ngừng, nhưng “vận động và phát triển” như biểu hiện thực tế trên tức là đi xuống, tức là đáng báo động, và câu hỏi “bao giờ cho đến ngày xưa” sẽ mãi là… dấu ba chấm đầy thở than và bất lực! Vì sao nhỉ? Hẳn câu trả lời phải rất dài, rất đau... Nó có liên quan gì tới sự xuống cấp chung của đạo lý XH không?
Cũng may, câu chuyện lộn xộn, phản cảm tại Công viên nước Hồ Tây không xảy ra một trường hợp đáng tiếc nào về tính mạng. Qua đó, các nhà quản lý cần rút kinh nghiệm về khâu tổ chức, cần nắm rõ đặc điểm người dân sở tại để có những chương trình miễn phí hiệu quả và an toàn hơn.
Nhưng quan trọng hơn là điều này - nhìn rộng ra, về mặt vĩ mô, Thủ đô Hà Nội thực sự đang thiếu những khu vui chơi giải trí, an sinh đủ tầm để phục vụ người dân địa phương mình. Có bao nhiêu khu vui chơi giải trí của Hà Nội mọc lên phục vụ người dân Việt trong những ngày lễ tết, được người dân hân hoan đón nhận? Ai có thể trả lời câu hỏi này?
Và vì thế, thiếu các điều kiện vui chơi, sinh hoạt, cộng với cái thiếu về văn hóa bởi nếp sống xô bồ, bát nháo từ lâu nay, sẽ sinh ra cái thừa về sự... thiếu văn hóa, thừa phản cảm, thiếu tự tôn, tự trọng cần thiết.
Xin đừng để vẻ đẹp của bài hát chỉ còn là... dư âm
Theo TuanVietNam