Không nơi nào tồn tại nhiều thuật ngữ dành cho người chết vì làm việc quá sức như châu Á - Karoshi trong tiếng Nhật, Gwarosa trong tiếng Hàn và Guolaosi trong tiếng Trung. Ảnh: Reuters.
Một chàng trai Việt Nam làm nghề dựng phim đột ngột qua đời ở tuổi 31 vì làm việc liên tục 40 tiếng. Tài tử Đài Loan (Trung Quốc) Cao Dĩ Tường đột tử khi đang ghi hình cho một gameshow trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
Kỹ sư 36 tuổi người Trung Quốc mất vì đột quỵ sau 22 tháng làm việc không ngơi nghỉ ở nước ngoài để dành tiền chăm lo mẹ già và vợ con. Nữ phóng viên đài NHK Nhật Bản ra đi ở tuổi 31 vì đau tim sau khi đăng ký làm thêm 159 giờ trong một tháng.
Những cái chết ập đến với người trẻ vì làm việc quá sức không hiếm gặp trong thời đại mà lối sống bận rộn và làm việc chăm chỉ đã trở thành biểu tượng của trạng thái khao khát thành công, đặc biệt ở các nước châu Á, theo nghiên cứu năm 2017 của giáo sư Harvard Anat Keinan.
Trong một báo cáo năm 2016, các nhà khoa học Anh khẳng định:
"Những người làm việc trong tình trạng căng thẳng cao, ít kiểm soát công việc sẽ chết sớm hoặc có sức khỏe kém hơn những người có sự linh hoạt và thận trọng hơn trong công việc".
Lối sống bận rộn và làm việc chăm chỉ đã trở thành biểu tượng của trạng thái khao khát thành công, đặc biệt ở các nước châu Á. Ảnh: Medium.
"Tôi có tất cả nhưng thiếu một cuộc sống giống người bình thường" Là một người từng cắm đầu làm việc và đùa giỡn với sức khỏe, Jason Nguyễn - CEO trẻ hiện sở hữu 2 công ty tại TP.HCM - hiểu rõ cái giá mỗi người có thể phải trả để đạt thành tựu trong công việc.
Từ trải nghiệm suýt chết vì "con quỷ mang tên công việc quá sức", chàng trai có bài chia sẻ "Làm việc để có tiền, nhưng tiền nhiều rồi ngã quỵ để làm gì?" gây chú ý trên mạng xã hội những ngày qua. Jason Nguyễn từng làm cho một công ty đa quốc gia khi mới trở về Việt Nam.
Với khối lượng công việc lớn ở phòng marketing, một ngày làm việc của Jason luôn bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 0h hôm sau. Công ty trở thành nhà khi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí đều diễn ra trong văn phòng.
Thậm chí, có những thời điểm chạy dự án, cả tuần liền chàng trai không biết ánh sáng mặt trời hay hoàng hôn trông như thế nào. Với Jason, vị trí tốt, lương cao, công ty lớn... là những cái bẫy ngọt ngào khiến anh quên đi sự xáo trộn về mọi mặt như sức khỏe giảm sút, mối quan hệ với bạn bè, người thân dần xấu đi, tính cách cộc cằn, khó đoán hơn xưa.
"Tụi mình có tất cả: tiền bạc, địa vị, sự trọng vọng nhưng lại thiếu một cuộc sống giống người bình thường. Bạn có nhớ hình ảnh của mấy con zombie thều thào, lê lết không có chút sức sống nào không? Đó chính là phòng mình lúc đó. Tay vẫn gõ, miệng vẫn lẩm bẩm nhưng sinh lực là con số 0, chẳng ai nói cười với ai. Vì toàn bộ thời gian đã dành cho công việc nên cuộc sống cá nhân của tụi mình là một mớ hỗn độn", CEO trẻ nhớ lại.
CEO Jason Nguyễn gây chú ý với bài viết khuyên người trẻ quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân thay vì vùi đầu vào công việc đến kiệt sức. Ảnh: NVCC.
Không riêng Jason Nguyễn, các đồng nghiệp nữ đã lập gia đình không ly hôn cũng ly thân vì chồng con họ không chịu được cảnh hàng tháng trời không được gặp vợ, gặp mẹ. Các chàng trai độc thân "mất luôn khả năng hẹn hò vì ngoài số má, giấy tờ, hợp đồng thì có biết gì đâu?
Quăng ra đường là lơ ngơ như trẻ con 4-5 tuổi", anh mô tả.Jason quyết định thoát khỏi guồng quay này trước khi quá muộn. Nhưng sau đó, trong những ngày đầu thành lập công ty riêng, chàng trai lại vắt kiệt sức lực vì lao vào kinh doanh, đến mức hy sinh cả giấc ngủ.
Hậu quả xảy đến với Jason là stress, mất ngủ, rụng tóc và đỉnh điểm là lần về quê thăm mẹ, anh bị “xuất huyết sấm sét" - máu chảy từ miệng nhiều đến mức ngạt thở và không cách nào cầm được.
Khi đi khám, bệnh viện kết luận chàng trai bị nám toàn bộ một bên phổi và có triệu chứng của bệnh lao.
Một tuần nằm ở bệnh viện, sút 10 kg... Jason lần đầu tiên cảm thấy khao khát được làm những việc bình thường như chạy xe đạp, đi bộ, đi ăn hàng, cười nói vui vẻ.
"Những ước mơ nhà lầu, xe hơi hay trở nên giàu có, thành công đều không còn quan trọng lúc đó", anh nhớ lại.
Từ một người bị bệnh viện trả về vì không thể cứu chữa, Jason thoát khỏi tay thần chết nhờ gặp được một giáo sư chuyên nghiên cứu bệnh về phổi. Tuy nhiên, bất động sản đóng băng, công ty mới thành lập thua lỗ và nợ hơn 1 tỷ đồng là những cái giá anh phải trả khi đánh cược mạng sống để chạy theo công việc.
"Công việc có tốt đến mấy, có giúp bạn kiếm nhiều tiền nhiều đến bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại những tổn thất về sức khoẻ, tinh thần hay tình cảm và sự gắn bó với những người xung quanh.
Giữa cái thời đại mà ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, cũng muốn có một thứ gì đó để người khác nhớ đến, mỗi cá nhân lại càng phải hy sinh gấp 2, gấp 3.
Thành tựu công việc tỷ lệ nghịch với tình trạng sức khoẻ - đây là bi kịch của nhiều người trẻ hiện đại", CEO trẻ kết luận.
Theo anh, người trẻ thường được khuyên rằng lao động nghiêm túc, cố gắng hết sức vì tuổi trẻ không chờ đợi. Nhưng không ai nói với họ rằng hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, hãy quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân. Văn hóa làm việc đến chết ở châu Á "Tôi muốn chết. Tôi kiệt quệ và cả thể chất lẫn tinh thần.
Cơ thể tôi đang run rẩy. Tôi không thể làm được. Tôi sẽ chết. Tôi mệt quá". Đó là lời chăng chối của Matsuri Takahashi (24 tuổi, người Nhật) trên mạng xã hội trước khi cô tự tử vào Giáng sinh năm 2017 sau vài tháng làm thêm hơn 100 giờ.
Trên thực tế, "karoshi" (thuật ngữ chỉ những cái chết vì làm việc quá sức trong tiếng Nhật) như trường hợp của Matsuri Takahashi không giới hạn trong biên giới Nhật Bản. Đột tử vì làm việc quá sức ở người trẻ là thực trạng đáng báo động ở nhiều quốc gia châu Á.
Theo Xinhua, mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì Guolaosi (thuật ngữ chỉ những cái chết vì làm việc quá sức trong tiếng Trung) ở Trung Quốc.
Văn hóa làm việc ở đất nước tỷ dân coi áp lực là động lực thúc đẩy người lao động. Còn tại những quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc, việc học tập và làm việc chăm chỉ trở thành một di sản, câu thần chú để duy trì cuộc sống tốt đẹp.
Theo tạp chí Popular Sience, văn hóa làm việc đến lao lực ở nhiều quốc gia gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Trong đó, trái tim là bộ phận dễ bị tổn thương trước những đòi hỏi ở nơi làm việc.
Một nghiên cứu đăng trên European Heart Journal năm 2010 cho thấy những nhân viên ở Anh làm việc 10 tiếng trở lên mỗi ngày có nhiều khả năng mắc các vấn đề về tim hơn so với những người cùng tuổi làm việc 7 tiếng/ngày.
Ngay cả khi họ kiểm soát những hành vi như hút thuốc, lo lắng hay mất ngủ, các cơn đau tim và bệnh tim vẫn là nguyên nhân dẫn đến cái chết với nhóm người làm việc quá sức.
Các nhà nghiên cứu ở Anh cũng chỉ ra những người làm việc trong tình trạng căng thẳng cao, ít kiểm soát công việc của họ sẽ chết trẻ hoặc có sức khỏe kém hơn những người có sự linh hoạt và thận trọng hơn trong công việc.
“Công việc là phương tiện để nuôi sống bản thân nhưng cũng có thể giết chết bạn. Bởi vậy, nếu không muốn chết sớm, hãy đứng lên, vươn vai và gửi cho sếp câu chuyện này trong khi nghỉ làm sớm một chút hôm nay”, tác giả Eleanor Cummins nhắn nhủ.
Thiên Nhi
Nguồn: zing.vn