Mắc bệnh trầm cảm, trong đầu xuất hiện tiếng nói lạ, liên tục xui Hoa lao đầu vào ô tô tự tử, đập vỡ ban thờ tổ tiên.
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I
PGS - TS Tô Thanh Phương (BV Tâm thần Trung ương I, Hà Nội) cho biết, người ở bất cứ tầng lớp, địa vị nào cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh trầm cảm.
Theo vị bác sĩ, trầm cảm được chia làm 3 loại, gồm: Nội sinh, tâm căn và triệu chứng.
Nội sinh là tự bản thân người bệnh có bệnh, không phải do tác động bên ngoài. Tâm căn là do tác động của gia đình, xã hội, công việc… Cuối cùng là triệu chứng, khi người bệnh quá lo lắng, chán nản vì mắc bệnh nan y, bệnh lâu năm khó chữa..., sẽ dễ sinh bệnh trầm cảm.
Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm cần dựa vào 3 nguyên nhân trên để đưa ra phác đồ phù hợp.
, BS Phương nói.
Người bệnh tìm đến PGS - TS Tô Thanh Phương điều trị có cả các nghiên cứu sinh đang học bên nước ngoài và thậm chí có cả tiến sĩ…
Cụ thể là trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị Hoa (Hà Nội) được ông điều trị 3 năm trước. Hoa là con gia đình có học thức, bố mẹ đều có học hàm, học vị, giữ vị trí quản lý ở viện nghiên cứu và trường đại học lớn.
Ngay từ nhỏ, Hoa được hưởng nền giáo dục tốt từ bố mẹ, học hành giỏi giang. Ở trường cô luôn giành được vị trí top 1, được nhận học bổng.
Theo truyền thống gia đình, Hoa sang Mỹ học cao học rồi tiếp tục học chương trình tiến sĩ. Sau này về nước, cô hứa hẹn có một tương lai rộng mở.
Vậy nhưng, thời gian học tiến sĩ, Hoa bắt đầu phát bệnh. Trong đầu cô thường xuyên xuất hiện 'ảo thanh' - tiếng nói văng vẳng bên tai, xui khiến Hoa tự tử, lao đầu vào ô tô.
Lần đó, Hoa lao vào chiếc ô tô đang chạy trên đường, may người điều khiển xe xử lý kịp thời nên cô giữ được tính mạng.
PGS - TS Tô Thanh Phương
Bố mẹ nghe tin, đặt vé máy bay sang chăm sóc và trông chừng con. Hoa được điều trị tích cực bên nước ngoài 3 tháng nhưng không có tác dụng nhiều.Trong đầu cô vẫn liên tục xuất hiện những tiếng nói lạ, xui cô tìm cái chết.
Trước tình trạng của con, bố mẹ đưa Hoa về nước. Về nhà, thay vì tự tử, Hoa nhiều lần đập phá ban thờ, có hành vi bất ổn. Tình trạng càng lúc càng tồi tệ. Vì vậy, bố mẹ quyết định đưa Hoa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị.
Bằng kinh nghiệm của mình, BS Phương vừa dùng thuốc đặc trị, liệu pháp tâm lý vừa dùng phương pháp kích từ.
'Tên đầy đủ của phương pháp này là kích thích từ xuyên sọ, dùng sóng từ làm thay đổi chất dẫn truyền trong não, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng', ông Phương nhớ lại.
Sau thời gian điều trị, bệnh nhân hoàn toàn ổn định, quay trở lại Mỹ tiếp tục việc học. Hiện nay, Hoa đã nhận bằng Tiến sĩ, trở về làm giảng viên và mới kết hôn. Định kỳ, 6 tháng - 1 năm, cô vẫn đến bệnh viện tái khám để tránh cho chứng bệnh tái phát.
'Trường hợp của Hoa là điển hình của bệnh trầm cảm do áp lực về môi trường sống, văn hóa và học hành', ông Phương nói.
'Quá trình được tôi điều trị, Hoa thừa nhận từ bé cô bị áp lực bởi cái bóng của bố mẹ. Lúc nào, cô cũng phải cắm đầu vào học, hi vọng bản thân được bố mẹ, mọi người ghi nhận.
Song song với đó là áp lực giữ vững vị trí học sinh giỏi nhất trường suốt nhiều năm khiến Hoa mệt mỏi, nhiều lần có suy nghĩ tiêu cực.
Đến khi sang Mỹ học, môi trường thay đổi, gặp cú sốc về văn hóa, ứng xử, cô càng thu mình lại. Dần dần, căn bệnh trầm cảm chất chứa lâu ngày bộc phát', BS Phương nói tiếp.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân (Trưởng khoa 8, BV Tâm thần Trung ương I) cũng chia sẻ, 'Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm, tuy không nhìn thấy hậu quả ngay như các bệnh nan y khác nhưng bệnh này tiến triển âm thầm, gây ra nhiều chuyện đáng tiếc cho bản thân bệnh nhân và gia đình'.
Một bệnh nhân từng được chị điều trị thành công là anh Minh - cảnh sát kinh tế. Do công việc quá áp lực, căng thẳng suốt thời gian dài, anh Minh bắt đầu có hiện tượng buồn chán, giảm chú ý, giảm trí nhớ. Lúc nào anh cũng muốn bỏ việc, muốn chết, về nhà hay than phiền sầu não.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ (BV Tâm thần Trung ương I)
Mỗi lần gặp trục trặc trong công việc, anh thường tự dày vò bản thân, trách mình không có năng lực, kém cỏi. Đặc biệt, khả năng quyết định, phán đoán của anh dần dần bị mai một.
'Được biết, trước đó, anh Minh có tính cách phóng khoáng, cởi mở, nói năng hoạt bát. Tuy nhiên, từ ngày phát bệnh, con người anh hoàn toàn thay đổi', bác sĩ Vân nói.
Người vợ không biết chồng mắc bệnh, thấy anh càng ngày càng yếu đuối, dễ khóc nên nhiều lần to tiếng, mắng chồng là không có bản lĩnh đàn ông.
Khi đến bệnh viện, qua các thăm khám lâm sàng, bác sĩ Vân chẩn đoán anh Minh mắc chứng trầm cảm. Chị khuyên anh tạm nghỉ việc, kết hợp với thuốc điều trị tích cực.
Đồng thời nữ BS cũng khuyên vợ anh Minh sát cánh bên chồng, khích lệ và động viên anh liên tục, kể về những thành công anh đạt được trong quá khứ. Vì có những lời động viên của vợ, anh sẽ nhận ra giá trị của bản thân, từ đó yêu đời, yêu cuộc sống trở lại.
Sau 6 tháng, sức khỏe tâm thần của anh Minh đã tạm bình phục. Tuy nhiên, bác sĩ Vân cho hay, bệnh nhân trầm cảm nhẹ, muốn điều trị dứt điểm, cần tuân thủ phác đồ điều trị ít nhất 2 năm. Đối với bệnh trầm cảm mãn tính, thời gian điều trị có thể kéo dài 3 - 5 năm.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Huy Hùng - Minh Anh
Nguồn: Vietnamnet.vn