Đời người giống như một cuộc đua đường dài. Trong quá trình này, chúng ta sẽ phải đi qua rất nhiều ngã tư nút thắt của cuộc đời. Và sau mỗi một lối rẽ, quỹ đạo nhân sinh của mỗi người sẽ lại thay đổi hoàn toàn khác biệt. Do đó, nếu bạn không muốn trở thành kẻ thất bại về sau, hãy bắt đầu suy nghĩ cho chặng đường tương lai phía trước ngay ở giai đoạn quan trọng của tuổi trẻ 20 - 30 tuổi.
1. Nếu nhất định phải một lần chiến đấu, ngại gì bắt đầu sớm một chút
Tại Trung Quốc, một thạc sĩ máy tính 30 tuổi những tưởng bản thân sẽ dễ dàng tìm được một công việc phát triển nhờ vào tấm bằng Đại học Thanh Hoa danh tiếng trong nước. Tuy nhiên, sau 16 lần nộp đơn tại Alibaba, 10 lần ứng tuyển tại Tencent, 7 lần ở Meituan và 3 lần tại Baidu đều thất bại, anh ta mới nhận ra rằng: Đứng trước kinh nghiệm làm việc thực sự của các đối thủ cạnh tranh, một tấm bằng sẽ trở nên vô giá trị.
Rất nhiều người cùng gặp chung tình trạng như vậy, dù có một tấm bằng cấp giá trị trong tay nhưng sự nghiệp phát triển không hề suôn sẻ như mình vẫn nghĩ. Và yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ là tuổi tác. Các nhà tuyển dụng luôn ưa thích một nhân viên trẻ tuổi vì họ yêu cầu tiền lương không cao, lại có khả năng thích ứng và chịu đựng áp lực công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, nhiều công ty sẵn sàng bỏ thời gian để đào tạo và hướng dẫn một nhân viên ít kinh nghiệm từ đầu, qua đó bồi dưỡng lòng trung thành dài lâu của họ dành cho đơn vị đó. Vì thế, trừ khi là kinh nghiệm vượt trội, nếu không, chỉ với bằng cấp và tuổi tác, rất khó có thể lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.
Có thể thấy rằng, chuyến xe cuộc đời sẽ đưa con người tới những đích đến khác nhau. Có nơi chúng ta cực kỳ khao khát, có nơi lại chỉ muốn tránh xa. Do đó, tốt nhất hãy bắt đầu hoạch định phương hướng và mục tiêu của mình thật sớm, tự mình điều khiển bánh lái, tiến vào những ngã rẽ chính xác và thích hợp nhất cho bản thân sau này.
Nếu bạn bỏ lỡ cơ hội ở ngã tư này, bạn sẽ phải chờ đợi một giao lộ tiếp theo xuất hiện. Như vậy, bạn sẽ phải tiêu tốn càng nhiều thời giờ, và khoảng cách giữa bạn với những người khác lại càng chênh lệch lớn hơn. Một người 22 tuổi phạm sai lầm vẫn còn có cơ hội để sửa chữa vì tuổi trẻ chính là tiền vốn lớn nhất. Nhưng nếu một người 30 tuổi phạm sai lầm, để đền bù và khắc phục, cái giá người đó phải trả sẽ gia tăng gấp nhiều lần. Cho dù lúc đó bạn có tốt nghiệp từ đại học danh tiếng đến mấy thì cũng chẳng thay đổi được gì nhiều.
2. Quản lý thời gian: Đem 80% năng lượng đặt vào 20% những điều quan trọng nhất
Trong một buổi đào tạo nhân sự, ở kỹ năng quản lý thời gian, người hướng dẫn đưa ra một câu hỏi rất đơn giản cho tất cả mọi người: “Nếu có hai việc cùng xảy ra, một chuyện quan trọng, một chuyện khẩn cấp, bạn sẽ lựa chọn xử lý việc nào trước?”
Kết quả là, tất cả không hẹn mà cùng lựa chọn xử lý chuyện khẩn cấp trước. Trong khi đó, câu trả lời mà người hướng dẫn yêu cầu lại là xử lý việc quan trọng trước.
Câu trả lời này khiến rất nhiều người thắc mắc ở thời điểm đó. Phải đến nhiều năm về sau, họ mới dần dần nhận ra và lý giải sự lựa chọn của người hướng dẫn đưa ra.
Trong đời mỗi người thường phải gặp và xử lý rất nhiều vấn đề. Bận rộn cả ngày không kịp nghỉ ngơi nhưng đến khi ngồi ngẫm lại, nhiều người lại không thể nhớ ra mình đã làm những gì, đã tạo ra những giá trị gì trong thời gian đó. Nguyên do chính là do họ đã xem nhẹ hai bản chất quan trọng:
(1) Năng lượng của con người chỉ hữu hạn, chúng ta không thể hoàn thành được mọi thứ;
(2) Theo Quy luật Pareto hay còn gọi là quy luật 80/20, chỉ 20% những điều quan trọng sẽ quyết định 80% kết quả.
Do đó, dựa trên hai điểm này, chúng ta nên tập trung 80% toàn bộ năng lượng vào 20% những điều quan trọng nhất, bởi vì những điều này sẽ có tác động cực kỳ quan trọng đến tương lai. Nếu trước đó bạn đã lãng phí phần lớn năng lượng cho 80% các vấn đề không liên quan, bạn sẽ thấy rằng mình phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, và quỹ thời gian trở nên khủng hoảng, không thể kiểm soát một cách chủ động.
Khi 20% việc quan trọng đã được giải quyết ổn thỏa từ trước, các vấn đề khẩn cấp sẽ giảm thiểu một cách đáng kể. Ngược lại, nếu việc quan trọng cứ bị chất đống phía sau, chúng sẽ dần trở thành hàng loạt việc khẩn cấp khác với mức độ nghiêm trọng và khó khăn gấp nhiều lần, yêu cầu chúng ta phải dành ra càng nhiều năng lượng và thời gian để xử lý.
Một người đàn ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi, có kinh nghiệm thực hành phong phú ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và quá trình xin việc vào vị trí nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp cũng vô cùng thuận lợi. Sau hai năm, hiệu suất làm việc của anh khá tốt. Nhưng vì luôn ôm suy nghĩ “đến đâu tính tới đó” khi lựa chọn công tác nên khi xin việc, anh chỉ lựa chọn một công ty không quá lớn. Sau này, khi sự phát triển của tập thể bắt đầu không ổn định, anh cảm thấy bất an nên đã xin nghỉ, tiến vào một ngân hàng làm việc theo sự giới thiệu của người quen.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, anh nhận ra bản chất công việc mình đang làm thiên về quản lý hành chính, không có tiền đồ thăng tiến lâu dài nên quyết định nghỉ việc, đi du học ở nước ngoài mất gần 2 năm với hàng trăm triệu đồng. Mà chờ anh du học trở về, trở lại ngân hàng ở một vị trí khác thì việc kinh doanh lại gặp áp lực rất lớn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế thị trường suy thoái.
Sau một sai lầm trong công việc và bị lãnh đạo trách mắng, anh ta bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về bản thân: “Rốt cuộc vào ngân hàng và đi du học có phải lựa chọn xác đáng của mình từ đầu hay không?”
Vấn đề của những trường hợp như vậy đa số nằm ở cách quản lý thời gian. Khi chưa tìm ra phương hướng và phương pháp thích hợp, việc mù quáng đầu tư thời gian và năng lượng vào những việc không quan trọng sẽ chỉ dẫn chúng ta tới những kết quả không khả quan.
Trong quá trình phát triển nhân sinh, ai cũng muốn tiến tới thuận lợi mà không mất thời gian đi lạc vào đường vòng. Do đó, với mỗi sự việc, mỗi người cần xác định rõ ràng 2 vấn đề quan trọng cần giải quyết trước tiên như sau:
(1) Về phương hướng: Cần làm gì? Có thể làm gì? Thích hợp để làm gì? Và làm lâu dài theo phương hướng nào?
(2) Về phương pháp: Nên làm như thế nào? Nên phân chia tiến độ thế nào để đạt tới phương hướng đó? Mỗi một tiến độ, giai đoạn cần làm thế nào?
Đầu tiên phải có phương hướng, sau đó lại có phương pháp. Trước có lựa chọn, sau có nỗ lực. Đó là bí quyết đơn giản nhất để đạt được thành công. Đạo lý này vô cùng đơn giản rõ ràng, nhưng trong hiện thực lại không nhiều người thực sự làm ra kết quả.
Dương Mộc
Theo Trí thức trẻ