"Anh bạn tôi đã sợ chạy mất dép khi bị cô gái Việt mình mới hẹn hò vài buổi hỏi 'anh có muốn cưới em không'", Alice Thuận viết.
Một anh bạn người Đức của tôi khi đi du lịch tới Việt Nam rất thích nét đẹp của con gái Việt nên đã hẹn hò với 3 người khác nhau qua ứng dụng điện thoại.
Anh ấy kể rằng, sau khi gặp hai cô gái kia, anh đã giật mình bởi cách ứng xử của họ. Sau màn chào hỏi thì đàn ông Tây thường khen phụ nữ là xinh đẹp, tốt…
Và có lẽ vì điều này, các cô gái ấy lầm tưởng anh đã say mê họ nên liền hỏi “anh có muốn cưới em không?”… khiến chàng sợ chạy mất dép.
Các cô gái đang có hoặc muốn có bạn trai Tây nên tìm hiểu phong tục, văn hóa trước khi tiến tới mối quan hệ để tránh bị “sốc văn hóa”.
Chia sẻ dưới đây là của Alice Thuận, cô gái 30 tuổi đang làm việc tại một cơ quan nhà nước tại Hà Nội và từng nghiên cứu về văn hóa phương Tây cũng như kết bạn với nhiều người nước ngoài.
Lầm tưởng 1: Cứ đàn ông Tây là giàu
Điều này sai hoàn toàn. Tây hay ta đều có người giàu kẻ nghèo. Các chị em đừng nghĩ lấy chồng Tây là giàu, là sướng, là đổi đời. Suy nghĩ này sẽ khiến bạn dễ bị lừa bởi vật chất hoặc sốc khi phát hiện người mình hẹn hò chẳng hề rủng rỉnh tài chính.
Lầm tưởng 2: Cứ hẹn hò với đàn ông Tây là được chiều
Đúng là nam giới phương Tây đa số đều lịch sự với phụ nữ. Họ từ bé đã được dạy tôn trọng nữ giới nhưng việc bạn có được chiều chuộng hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm tính cách của chính anh ta và bạn.
Cùng một anh chàng nhưng với cô bồ cũ, anh ta “đá” không thương tiếc trong khi cô người mới lại được cưng nựng như nữ hoàng. Điều này cũng như đàn ông Việt, có người rất gia trưởng, khô cứng nhưng cũng có rất nhiều người tâm lý với phái đẹp.
Lầm tưởng 3: Đã hẹn hò là được quyền ràng buộc
Với người Việt thì giai đoạn ấn tượng (sét đánh) sau đó là tìm hiểu, ngỏ lời yêu, tiếp đến là hẹn hò và đến kết thúc có hậu là đám cưới.
Các giai đoạn này với người Tây không giống vậy:
Thông thường sẽ là: seeing (tìm hiểu), dating (hẹn hò), in relationship (yêu), committed (cam kết lâu dài – như kết hôn chẳng hạn). Trong giai đoạn tìm hiểu, nam giới Tây có thể làm “chuyện ấy” để đánh giá mức độ hòa hợp về tình dục không chứ không phải vì thấy muốn gắn bó.
Trong giai đoạn tìm hiểu, hẹn hò, bạn cũng không có quyền đòi hỏi anh ấy phải chung thủy với mình. Bạn có thể quen thêm các nam giới khác và anh ấy cũng vậy.
Bạn chỉ có quyền đòi hỏi người ta chung thủy khi cả hai đã thực sự yêu nhau, tức là lúc chàng đã nói “em làm bạn gái anh nhé” hoặc “anh yêu em”. Khi đủ yêu và gắn bó, cả hai mới đi đến tương lai chung, kết hôn, có con.
Lầm tưởng 4: Không phải cứ yêu là cưới
Nếu phần lớn đàn ông Việt Nam muốn cưới vợ, sinh con thì tỷ lệ này ở các nước phương Tây thấp hơn. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Washington, hiện chỉ khoảng 50% người trên 18 tuổi ở Mỹ kết hôn.
Cũng theo thống kê của đơn vị này, 20% người từ 25 tuổi trở lên chưa từng làm đám cưới. Đây cũng là tình hình chung của nhiều nước phương Tây khác như Anh, Pháp.
Tôi có một anh bạn Pháp đã sống với bạn gái 8 năm nhưng vẫn không kết hôn vì lý do đơn giản “sợ ly hôn”.
Lầm tưởng 5: Cứ sex là yêu hoặc cứ sex là gắn kết
Đây là một sai lầm nghiêm trọng mà rất nhiều cô gái Việt mắc phải. Thực tế, ngay cả với đàn ông Việt cũng chẳng thể ràng buộc được bằng sex. Hai khái niệm tình yêu và tình dục không đồng nhất.
Đàn ông Tây càng thoáng trong “chuyện ấy”. Họ nghĩ đó là niềm vui cả hai cùng tận hưởng. Nếu bạn đã đồng ý “yêu” thì cũng đừng trách bị lừa.
Alice Thuận
Nguồn: VNEXpress