"Với kiểu 'thích thì yêu, không thích thì chia tay' của con gái Việt bây giờ thì tốt nhất đừng bao giờ đòi hỏi con trai phải đối xử tốt với mình" - Quốc Hưng bày tỏ.

 

Sau bài viết Quan điểm chồng Tây tốt hơn đàn ông Việt của cô gái Hà thành nhiều độc giả nam giới đã lên tiếng chia sẻ quan điểm cá nhân về nhận định của chị em phụ nữ "đàn ông nước ngoài vượt trội hơn nam giới Việt ở nhiều mặt".

Đừng nên so sánh Tây với ta

Câu chuyện bắt nguồn từ Vũ Thu Hiền, sinh năm 1988, hiện là chủ một cửa hàng váy cưới tại Hà Nội.

Tình cờ chứng kiến cặp chồng Tây - vợ Việt đến tiệm thử trang phục, cô gái 27 tuổi tỏ ra ngưỡng mộ tình yêu của vợ chồng trẻ. Hiền cho hay, cô có đủ cảm xúc để viết lên những suy nghĩ cá nhân và cả sự tôn trọng hai nhân vật.

Điều gây ấn tượng với Hiền là trong suốt quá trình chọn đồ, chàng trai ngoại quốc tỏ ra rất vui vẻ và nhiệt tình.

Anh luôn dành cho người yêu các lời khen như "my love, I love you", "my love, so beautiful"... Ngay cả cách nhìn bạn gái, ánh mắt anh cũng ấm áp, thể hiện sự quan tâm.  

"Thế mới nói, đàn ông nước ngoài khác Việt Nam ngay trong cách cư xử. Mình đã gặp rất nhiều chú rể Việt đưa cô dâu đến thử váy cưới nhưng cả buổi chỉ cắm mặt vào điện thoại. Hay những anh chàng ngồi đợi mà nhấp nhổm không yên, cứ giục giã về sớm...

Ở nước ngoài, người ta hay lắm, lúc nào đàn bà cũng được coi trọng và ưu tiên. Còn ở Việt Nam, đàn bà luôn xếp sau đàn ông, định kiến muôn đời không thay đổi được. Phụ nữ luôn sống và hy sinh vì chồng, còn chồng có vì họ không, có lẽ ai cũng tự đặt hỏi trong đầu" - cô viết trên trang cá nhân.

Trước quan điểm này, không ít cánh mày râu Việt "đứng ngồi không yên". Đa số cho rằng, một số cô gái bây giờ chỉ thích đứng núi này trong núi nọ mà không tự nhìn lại mình.

Xem thêm:

Chồng Tây, đàn ông Việt: Ai tốt hơn? - 0

Ảnh minh họa

Việc chọn chồng ngoại quốc để yêu và cưới làm chồng là vấn đề không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Xét về mặt thực tiễn, đó có thể là cơ duyên, tấm chân tình thực sự. Cũng nhiều trường hợp vì mai mối, vật chất mà chấp nhận xuất ngoại.

Trương Quốc Hưng, tư vấn viên trên mạng cho biết, anh chứng kiến nhiều câu chuyện đáng tiếc về các cô gái có người yêu (hoặc chồng) tốt mà không bao giờ biết giữ gìn.

"Đừng bao giờ mang trai Tây ra so sánh với trai Việt. Hãy tự hỏi liệu bạn có xứng đáng với tình cảm của người khác dành cho mình hay chưa. Với kiểu "thích thì yêu, không thích thì chia tay" của con gái bây giờ thì tốt nhất đừng bao giờ đòi hỏi con trai phải đối xử tốt với mình" - Hưng chia sẻ.

Theo Quốc Hưng, đàn ông nước nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Nếu như trai Tây có lối sống phóng khoáng, ga lăng thì đàn ông Việt vẫn giữ được nhiều ưu điểm như hy sinh hết lòng vì người yêu, vợ con.

Người trong cuộc mới hiểu rõ

Dù có ý kiến phản bác, bênh vực, nhưng thực tế cho thấy, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ giá trị thực của đời sống hôn nhân.

"Thời buổi bây giờ đừng nhìn mặt bắt hình dong, thấy vậy chứ không phải vậy. Vô trong bụi mới biết bụi có gai. Hạnh phúc thì giống nhau nhưng khổ đau thì mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai" - thành viên Bảo Lâm nói.

Đối với đàn ông phương Tây, cách cư xử của họ với phụ nữ thường nâng niu, tôn trọng phái đẹp dù ở bất kỳ đâu. Theo đó, kể cả người không quen biết, mới gặp lần đầu họ cũng cư xử rất tuyệt. 

"Mọi người chỉ thấy đó là mặt tích cực. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp, đàn ông Tây cũng vụng về vô cùng. Thậm chí, đến bóng đèn chiếu sáng, họ cũng không biết lắp." - Cẩm Hạnh chia sẻ.

Nhiều cô gái Việt quan niệm rằng, xinh đẹp, thông minh cũng không bằng may mắn. Chọn đúng chồng là hạnh phúc, chọn sai cuộc sống sẽ là những tháng ngày buồn nhiều hơn vui, mà vẫn phải gắng gượng.

Bạn đọc Luân Nguyễn, hiện sinh sống tại Mỹ cho hay, trai Tây rất tôn trọng và xem bạn gái là nhất. Nhưng khi hết yêu, dù đã thành vợ chồng thì họ vẫn sẵn sàng chia tay bạn mà không hề hối tiếc.

"Nên các bạn nữ muốn lấy chồng Tây tốt nhất nên tìm hiểu văn hóa của họ trước. Một vấn đề quan trọng nữa là các bạn hãy tập tính tự lập, chứ đừng hy vọng dựa dẫm vào đàn ông Tây. Bởi từ lúc yêu đến cưới, thậm chí cả những ngày cuối đời thì văn hóa chia sẻ của họ gần như không thay đổi" - Luân Nguyễn cho biết thêm.

Xem thêm:

Nguồn: ZING




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC