“Em không cần đại gia, em chỉ cần một người đàn ông thông minh và tài giỏi”. Đàn ông vừa thông minh lại vừa tài giỏi tự khắc sẽ biết cách làm giàu cho bản thân mình, còn đàn ông không thông minh mà giàu có ư? Ắt hẳn là anh ta vừa… trúng số độc đắc.
Sáng nay, tôi vừa đọc được một bài viết về một cô ca sĩ trẻ đẹp, nổi tiếng, tài năng và giàu có. Cô mua biệt thự triệu đô, sắm xe hơi tiền tỉ, túi xách hàng hiệu… bằng chính mồ hôi công sức của mình.
Người ta hay nói ca sĩ nổi tiếng thường cặp kè với “đại gia”, nhưng khán giả chưa một lần thấy cô công khai hay dính líu chuyện tình cảm với bất cứ “đại gia” nào, mà thực ra điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì cô đã là “đại gia của chính mình” rồi.
Một ngày, cô lên báo chia sẻ rằng cô chẳng cần chồng “soái ca”, cũng chẳng cần đàn ông giàu có (tất nhiên có thòng thêm điều kiện: Cũng không quá nghèo để phải bận tâm các khoản chi tiêu hằng ngày), cô chỉ cần một người đàn ông thông minh và tài giỏi, đại loại vậy.
Tôi không phủ nhận cô tài năng, càng không có lý do để nói rằng cô không phải là “đại gia của chính mình”.
Nhưng tiêu chí chọn chồng của cô nghe thật phi lý quá: Không cần giàu có nhưng nhất định phải tài giỏi và thông minh.
Trên đời này làm gì có đàn ông nào vừa tài giỏi vừa thông minh mà lại không giàu có?
Ngay cả khi chính họ không muốn có một cuộc sống giàu sang, thì trí tuệ mà họ sở hữu cũng tự khắc khiến họ giàu. Nồi nào thì úp vung nấy, đũa bạc đũa vàng thì phải xếp ở mâm son. Lẽ thường tình là vậy.
Các cô trẻ đẹp và tài năng, các cô cứ thẳng thừng tuyên bố “Chồng tôi phải là đại gia, là chủ tịch tập đoàn này, phó tổng công ty kia…” thì cũng chẳng ai dám bĩu môi chê các cô “hám của” đâu.
Mà họ có chê thì các cô cũng chẳng cần bận tâm làm gì. Họ đang ghen tị với các cô đấy!
Này nhé, các cô đi xe hơi tiền tỉ, xài túi xách cả mấy chục ngàn đô, một đôi giày các cô đang đi thôi cũng ngốn tới cả năm tiền lương của thiên hạ, thế thì một buổi hẹn hò yêu đương với một anh chàng không-phải-đại-gia sẽ diễn ra như thế nào nhỉ?
Anh ta vừa uống nước vừa e dè nhìn từng món hàng hiệu các cô khoác lên người mà “tự vấn lương tâm”, rằng sau này rước các cô về, tiền lương của anh ta sẽ đủ mời các cô ăn được mấy bữa?
Rồi căn nhà mà anh ta đang ở thực ra chỉ đáng giá bằng dăm cái túi xách hàng hiệu mà các cô đang xài, chiếc xe máy anh ta đang đi còn chẳng đắt tiền bằng đôi giày cao gót mà các cô đang trưng diện.
Bữa tối, các cô thèm ăn tôm hùm, cua Huỳnh Đế, súp vi cá, tráng miệng bằng yến chưng nhưng chồng của các cô chỉ đủ tiền để mua ít tôm sú, mực tươi, cá chép hay điêu hồng… thì liệu các cô có bỏ chồng ở nhà để ra nhà hàng sang trọng mà ăn cho thỏa cơn thèm?
Các cô ạ, hãy cứ tìm một đôi giày vừa vặn với đôi chân ngọc ngà của mình.
Một anh chàng thua thiệt về kinh tế mà cứ “nhào vô” các cô thì chắc đến 90% là anh ta không biết lượng sức mình hoặc đang lợi dụng các cô đấy!
Sĩ diện của đàn ông cao như núi ấy. Họ đâu dễ để mình mất mặt trước một quý cô xinh đẹp, tài năng như các cô.
Thêm nữa, nếu lấy “đại gia” mà sợ thiên hạ chụp mũ “hám tiền”, đến khi lấy một người đàn ông bình thường, các cô sẽ bị nói ngay là “chắc có vấn đề gì mới lấy”.
Thậm chí, ngay cả số tiền các cô ki cóp được bằng tài năng và công sức của mình, thiên hạ cũng thi nhau đoán già đoán non “chắc có đại gia đem tặng”.
Né kiểu gì cũng khó lòng thoát khỏi “lưới thị phi”, nên thôi, cứ thẳng thật mà sống.
Người đàn ông nào có đủ can đảm để yêu các cô, trở thành bờ vai vững chắc của các cô, thì hãy tự xem lại mình.
Có thể thua kém các cô về mặt nhan sắc, nhưng tài năng và tài chính mà thua kém các cô thì làm chỗ dựa cho vợ thế nào được?
Các cô xài hàng hiệu thi thoảng vẫn có thể ngồi xổm ăn bún riêu bún đậu vỉa hè, nhưng liệu các cô có thể ăn đều đều mỗi ngày như thế?
Nếu các cô vẫn còn khăng khăng “Em không cần đại gia, em không cần soái ca, em chỉ cần anh ấy quan tâm (tới) em mỗi ngày” thì tôi xin kể cho các cô nghe một câu chuyện có thật về một cô nàng “đại gia” lấy chồng “bình dân” nhé!
Ở tuổi 28, M.Uyên là Phó Tổng giám đốc một công ty giải pháp phần mềm máy tính, từng đi tu nghiệp ở nước ngoài.
M.Uyên xinh đẹp, giỏi giang, con nhà gia thế nhưng tính cách lại rất “bình dân” nên khi cô công khai yêu Phong - anh chàng trưởng phòng của bộ phận bảo trì trong công ty, chẳng có ai phải tròn mắt ngạc nhiên cả.
Nhưng đến khi “hai ta về một nhà” thì mới xảy ra lắm chuyện.
Bố mẹ M.Uyên luôn miệng chê gia cảnh lẫn học thức của gia đình Phong không xứng với nhà họ.
Nào là “Bố là thợ cắt tóc, mẹ là chủ tiệm tạp hóa, nhà có hai anh em trai thì chẳng ai có bằng Thạc sĩ”.
Dù ở riêng nhưng mỗi khi có buổi họp mặt gia đình, Phong chưa bao giờ cảm thấy tự nhiên hay được tôn trọng.
“Anh cảm thấy lạc lõng trong một bữa tiệc toàn những tầng lớp thượng lưu. Anh lúng túng với bữa ăn chỉ dùng nĩa và dao. Anh cầm ly rượu Tây cũng không “đúng cách”. Khi mọi người ùa ra sân golf, anh ngồi lặng lẽ ở một góc, cô độc”.
Chính M.Uyên dần dần cũng cảm thấy Phong “chẳng ăn nhập gì” với cuộc sống mà cô đã được làm quen ngay từ khi còn nhỏ.
Gia đình M.Uyên không phản đối cuộc hôn nhân của cô, nhưng cũng chẳng hài lòng về gia thế kém cỏi của chàng rể.
Rõ ràng, Phong là một anh chàng thông minh (trưởng phòng cơ mà) nhưng vẫn chưa đủ thông minh (vì vợ anh là phó tổng giám đốc của công ty, là “sếp của sếp” của anh) và giàu có dù dư thừa lòng tốt và sự tự lập.
Tình yêu nảy sinh từ hai con người có gia cảnh và trình độ “khập khiễng” nhiều khi sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân “khập khiễng”.
Vừa trẻ đẹp, vừa tài năng, lại vừa giàu có - cái gì các cô cũng có, thì các cô hoàn toàn có quyền tìm cho mình một người đàn ông tương xứng với mình.
Các cô có thể là “đại gia của chính mình”. Nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng, “đại gia” phải cặp cùng “đại gia” thì mới xứng. Một anh chàng thông minh nhưng “bình dân về tài chính” liệu có cơ hội lọt cửa xe hơi của các cô không?
Theo Trí thức trẻ