Láng giềng gầnMẹ rất hay để ý tới bà cụ hàng xóm hơn bảy mươi tuổi sống đơn độc trong ngôi nhà tranh tồi tàn.

 Chồng cụ mất sớm, chẳng để lại mụn con nào, cụ ở vậy tới già. Hàng ngày từ sáng sớm cụ đã còng lưng quảy một gánh lặc lè lèo tèo mấy nải chuối, mớ rau... ra chợ. Mẹ bảo đó là niềm vui, là nguồn sống của cụ. Kiếm được dăm đồng cụ mua lon gạo, cá khô rồi về hì hụi nấu nướng ăn một mình. Nhiều khi sang nhà thấy cụ trệu trạo cố nuốt miếng cơm thiếu canh, mẹ bảo tôi mang sang cho cụ tô canh. Cụ chan vào bát cơm ăn ngon lành.

Nếp nhà cô độc của cụ rất cám cảnh: Mái lá thủng lỗ chỗ cho nắng “nhảy múa” dưới nền đất nhem nhép sau mỗi trận mưa. Vại nước sứt sẹo chổng trơ bên góc bếp. Chiếc giường con cót két mỗi khi cụ đặt lưng nằm mà không biết nó sẽ sụp đổ khi nào...

Hai ngày liền, không thấy cụ gánh quang gánh đi ngang nhà, mẹ giục tôi sang nhà xem cụ có sao không. Khi tôi chạy sang, thấy cụ nằm co rúm trên chiếc giường con, thở rất khó nhọc liền chạy về báo. Mẹ tất bật sang hỏi han, rờ tay trên trán cụ, rồi giục tôi chạy gọi y tá xã. Còn mẹ mau mắn về nấu cho cụ bát cháo hành. Chị y tá xã xách túi đồ nghề tới khám cho cụ xong thì mẹ bưng tô cháo sang, bón cho cụ từng thìa, chị y tá khen chị là dâu con hiếu thảo và ngạc nhiên khi biết mẹ chỉ là một… láng giềng gần.

Mẹ chép miệng: "Trẻ cậy cha, già cậy con". Thương cụ con không có mà chồng chẳng còn. Ai cũng không thoát nổi sinh - lão - bệnh - tử, nhưng cái sợ lớn nhất của người già là nỗi cô đơn. Nghe mẹ nói, nhìn ánh mắt mẹ lúc này tôi mới hiểu vì sao mẹ cứ hay để ý tới cụ già láng giềng. Ra là mẹ thương cảnh cô đơn của người già. Tôi thầm nhủ: Mẹ đừng lo. Sau này lớn lên có tổ ấm riêng con sẽ luôn quan tâm, chăm sóc để mẹ không bao giờ thấy cô đơn.

Và tôi ước những người làm con, làm cháu trên thế gian này đều hiếu thuận, để những người già không phải lâm vào cảnh cô đơn tuổi xế chiều.

Theo GDXH  




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC