Hoài bước chân vào hôn nhân với tâm thế sẵn sàng sống chung với mẹ chồng, cô cho rằng sự cởi mở của nàng dâu chính là chìa khóa để cải thiện mối quan hệ đầy định kiến này...

01

Dù ai có nói "khác máu tanh lòng" cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì Thu Hoài (Hà Đông, Hà Nội) cũng nghĩ rằng mình cứ đối xử tốt với mẹ chồng thì không thể nào bà tệ với mình được. Chính vì thế, Hoài bước chân vào hôn nhân với tâm thế sẵn sàng sống chung với mẹ chồng, dù khi đó cô có thể chọn vợ chồng sống riêng.

Hoài nghĩ chắc nhiều người mối quan hệ có vấn đề cũng là do nàng dâu không mở lòng nên mẹ chồng mới thành kiến. Về nhà chồng, Hoài cố gắng tự nhiên như con đẻ để bà không cảm thấy mình đang có người lạ trong nhà. Cô vô tư nói chuyện, tâm sự với mẹ chồng, mua cho mẹ chồng món đồ nào đó, vì mẹ Hoài bảo: "Người lớn thích rủ rỉ tâm sự. Con cứ thân mật, thoáng đãng thì có bà làm đồng minh. Sau này bà chăm con chăm cái cho cũng không đi đâu mà thiệt".

Ấy vậy mà mẹ chồng cô có vẻ không thân mật lại, có hôm bà còn nói với bố chồng và cô nghe thấy: "Trong nhà có thêm người cứ thấy không quen". Nghe được câu nói này tự dưng sự vô tư của Hoài bỗng thuyên giảm. Tuy nhiên, Hoài vẫn tự trấn an mình rằng đó thực ra cũng là tâm lý bình thường.

Ngoài ra, mẹ chồng còn can thiệp vào chuyện nuôi dạy con cái khiên cô nhiều lúc khó xử nhưng dĩ hòa vi quý mà Hoài cũng cố nhịn.

1 Loi Thi Tham Sau Canh Cua Toi Khien Nang Dau Vo Tu Sang Mat Co 2 Nguyen Tac Phu Nu Co Chong Muon Hanh Phuc Nhat Dinh Phai Nho

Tuy nhiên, đến một ngày cô nghe thấy mẹ chồng thì thầm sau cánh cửa khi bữa cỗ vừa tan "Cứ nói nhà bận về sớm đi để nó rửa bát. Suốt ngày ăn không ngồi rồi chả được cái tích sự gì cả", thì Hoài thực sự tin rằng mọi cố gắng của mình là công cốc.

Hóa ra sống chung với mẹ chồng luôn là 1 bài toán khó mà đừng ai nghĩ rằng mình là ngoại lệ. Ngoài ra còn 1 vấn đề nữa cô cũng quá ngây thơ khi tin lời chồng...

02

Mẹ chồng nói rằng cô "suốt ngày ăn không ngồi rồi chả được tích sự" gì là có lý do. Trước lúc cưới, Hoài làm kế toán, thu nhập cũng khá ổn nhưng Sơn chồng cô còn thu nhập tốt hơn nhiều, gia đình Sơn thuộc diện tiền không phải nghĩ. Vì thế, Sơn bảo: "Em nghỉ ở nhà đi anh nuôi 2 mẹ con đơn giản, không phải đi làm cho áp lực về lại cáu chồng, quát con". Lúc Hoài đang lưỡng lự thì Sơn lấy cớ cho con đi trẻ không yên tâm, bố mẹ chồng thì già rồi và hứa rằng đợi con cứng cáp hơn chút cô muốn làm gì cũng được. Hoài nghe theo lời Sơn.

Gia đình tuy có điều kiện nhưng không thuê giúp việc vì bố mẹ Sơn nói rằng không thích có người lạ trong nhà. Vì thế Hoài dù ở nhà nhưng cũng bận rộn tay chân liên tục, nên sự thực là cô đi làm còn sướng hơn. Dù bụng Hoài nghĩ đây là một điều cố gắng vì gia đình, nhưng bố mẹ chồng Hoài lại không cho rằng như vậy.

Dù điều kiện kinh tế hiện tại không phải nghĩ, nhưng ông bà vốn cũng là dân nghèo đi lên, lại người già mang tư tưởng cũ vẫn cho rằng người ở nhà là ăn bám. Chính vì vậy, đây cũng là mấu chốt để bố mẹ chồng cô không ưa dù cô đã rất cố gắng để đặt mình như con đẻ.

Chồng Hoài đôi lần đã tiếng khi thấy mẹ chồng phàn nàn về nàng dâu: "Anh đi làm vất vả, em chỉ có mỗi việc ở nhà mà cũng gây chuyện...".

03

Dù mâu thuẫn chưa quá trầm trọng, nhưng sau lần đó Hoài quyết định đi làm và đưa con tới trường. Hoài nghĩ cô sẽ dạy con gái mình 2 bài học thấm thía từ chính mình, mà có lẽ đúng cho khá nhiều phụ nữ khác.

Thứ nhất, nếu có quyền lựa chọn tốt nhất không nên sống chung cùng mẹ chồng. Thực tế không phải cứ mẹ chồng là xấu, cứ mẹ chồng là sẽ mâu thuẫn với nàng dâu. Nhưng chuyện 2 thế hệ sống chung cùng nhau, đặc biệt sau khi có con cái, sẽ phát sinh những mâu thuẫn không đáng có vì tư duy khác nhau.

Trong một số hoàn cảnh, nếu điều kiện bắt buộc phải sống chung với mẹ chồng thì có thể phải cố gắng, nhưng nếu có sự lựa chọn hãy sống độc lập và tự lập. Dù có khi vất vả hơn về tay chân, dù bận bịu hơn trong việc chăm sóc con cái, nhưng đầu óc tinh thần thoải mái. Và đặc biệt hơn nữa độc lập còn giúp người đàn ông của bạn trưởng thành hơn khi sống xa cha mẹ.

Theo lời khuyên của chuyên gia thì mỗi gia đình đều cần không gian riêng tư để phát triển độc lập. Mặc dù bố mẹ chồng luôn là một phần của gia đình và mâu thuẫn nảy sinh không phải lỗi hoàn toàn ở nàng dâu hay mẹ chồng. Nhưng giữ một khoảng cách lành mạnh là điều cần thiết, là chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp.

Thứ 2 tuyệt đối đừng tin câu chồng nói "ở nhà anh nuôi". Phụ nữ có thể chọn ở nhà thu vén cho gia đình cũng không có gì sai. Nhưng đã có nhiều tấm gương tày liếp mà lúc vui vẻ đó là chuyện bình thường, rồi sau đó sự bình đẳng bỗng bị biến mất theo thời gian. Khi bạn bỗng trở thành người "ăn bám", cả thế giới thu nhỏ lại thành chồng thành con. Còn người đàn ông của bạn ra bên ngoài vẫy vùng biển khơi và bỗng trở nên có thái độ với "cô vợ ở nhà".

Rất có thể dù ngay cả chồng là người đề nghị, nhưng một ngày bạn sẽ nghe được câu nói: "Tôi đã vất vả đi làm, cô chỉ có mỗi việc ở nhà mà...". Hơn nữa, dù có khi chồng thoải mái với việc vợ ở nhà nhưng bố mẹ chồng và những người xung quanh không hài lòng điều đó lại gây ra những hệ lụy khó lường.

Khi ở nhà chồng nuôi thế giới quan của người phụ nữ nội trợ dường như cũng khác và cái nhìn có thể trở nên tiêu cực hơn. Bởi vì bản thân người phụ nữ đã đánh mất con người năng động mà mình đã từng có và đánh mất luôn cả những ước mơ hoài bão khi xưa mình đã từng.

Không chỉ riêng phụ nữ, ngay cả đàn ông gia đình luôn quan trọng. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng sự thực, sau khi lấy chồng không có nghĩa rằng mọi ưu tiên và quan tâm phụ nữ đều phải dành hết cho chồng cho con và gia đình mới là phụ nữ chuẩn mực.

Thực tế, suy nghĩ như thế nào sẽ cho bạn một đường đi như thế, bạn hoàn toàn có thể có 1 gia đình hạnh phúc và 1 sự nghiệp như bạn mong muốn nếu bạn tin rằng đó là điều đúng đắn.

Theo Pháp luật và bạn đọc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC