Nỗi khổ mẹ chồng "Tôi đã nghỉ hưu, lương tháng 1.600.000 đồng. Trước kia, con trai tôi đưa lương cho tôi trang trải. Nay con tôi đã cưới vợ, đưa lương cho vợ nó. Mỗi ngày con dâu đưa cho tôi 20.000 đồng bảo để thêm tiền chợ. Với toàn bộ thu nhập của mình và khoản tiền đó, tôi xoay xở cho ba mẹ con một cách chật vật. Nói ra tôi sợ tình cảm mẹ con sứt mẻ. Hãy cho tôi một lời khuyên...". 

 Đọc lá thư của người mẹ, người ta không khỏi suy nghĩ, còn đó những nàng dâu đang biến bố mẹ chồng thành nạn nhân của thói ích kỷ...

Vắt chanh bỏ vỏ

Câu chuyện mà chúng tôi vừa đơn cử là một trong nhiều ví dụ. Hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng 8 triệu đồng, chị đưa mẹ chồng 600.000 đồng. Anh không hề biết số tiền chị đưa mẹ hàng tháng là bao nhiêu. Thấy mẹ xoay ra bán hàng quà sáng, anh định cản, chị gàn: "Để mẹ cất chân, động tay cho khoẻ người". Chẳng lẽ vạch áo cho người xem lưng, bà âm thầm chịu đựng. Dần dần, buồn hơn, bà cảm thấy khó mở lời với cả chính đứa con trai do mình dứt ruột đẻ ra.

Một trong những "tiêu chí vàng" của những cô gái ngày nay là các chàng trai phải có "nhà mặt phố, bố làm to". Khi trở thành con cái trong nhà, họ tìm cách sang tên tài sản. Người chồng khi có những bà vợ đầy toan tính đó thường bị kéo vào cuộc, tham gia quá trình "thâu tóm" quyền lực, tài sản của bố mẹ mình. 

Ở những gia đình điều kiện kinh tế trung bình, họ áp dụng chiêu thức "con có khóc mẹ mới cho bú". Lúc thì con ốm, lúc trả nợ, lúc thiếu tiền mua xe đời mới,... những đồng tiền từ cái hầu bao còm cõi cứ thế ra đi. Có hàng trăm lý do để một số nàng dâu thoái thác nghĩa vụ gia đình, nào là thu nhập thấp, sắp mua nhà, sắm đồ đạc, nuôi con,... 

Chuyện các nàng dâu quá quắt thật khó mà kể cho hết. Không ít người, khi con còn bé cần người chăm sóc thì vồ vập, săn đón cho được bà nội về chăm cháu. Khi con đã lớn mẹ chồng trở thành người thừa. Lúc đấy việc đẩy nhanh cái "vỏ" đã bị vắt kiệt nước ra khỏi nhà là mục đích của các nàng dâu tàn nhẫn.

 

Khách ở quê ra - "tẩu vi thượng sách"

Anh chị đều ở tỉnh lẻ ra định cư ở Hà Nội, sau mười hai năm phấn đấu, họ có nhà riêng và hai đứa con trai khỏe mạnh. Có nhà riêng rồi, anh mới dám mở lời mời các bác, các chú trong quê ra chơi. Tất bật với cơm nước, chị nhãng ý, thằng cu nhỏ nghịch ngợm bỏng nước sôi. 

Rút kinh nghiệm, lần sau có người ở quê ra chơi, chị đưa hai con "sơ tán" sang nhà chị gái. Chị nói với chồng là đi công tác và ở luôn bên đó đến khi khách ở quê đã về hết. Một lần hai vợ chồng đưa con về quê, bà chị dâu đánh tiếng: "Người thành phố bận thật, đến bọn trẻ con cũng đi "công tác" cả tuần", anh cảm thấy mặt mũi mình nóng ran, chỉ mong tìm được cái lỗ nào mà chui xuống.

Giữa nông thôn và thành thị có một sự cách biệt lớn về lối sống và mức sống. Làm dâu quê, các cô gái thành thị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự khác biệt đó không phải là không dung hoà được, chỉ cần họ không có thái độ kênh kiệu coi thường người nhà quê và dành cho khách sự tôn trọng đúng mực.

Bà bác tôi, có con trai lấy vợ thành phố, không dấu nổi vẻ bực bội: "Con tính xem, ai đời trước mặt các chú, các bác, con bé mở gói quà, thấy chai mắm rươi, chun mũi ngửi rồi bụm miệng lao vào nhà tắm". Hôm đó, bác tôi hậm hực quày quả về quê. Từ đó, bác không bao giờ mang mắm rươi, món khoái khẩu của cháu trai, lên thành phố nữa. Dù không cố ý nhưng nàng dâu trong tình huống này quả là vụng về, thiếu tế nhị.

Sử dụng kế ly gián

Với những nàng dâu kiểu này thì con cái, thậm chí cả chồng trở thành vũ khí trong cuộc đối đầu với bố mẹ chồng. Vô tình họ trở thành rào cản làm sứt mẻ mối quan hệ huyết thống của chồng. Rốt cục, hậu quả họ lại tự gánh chịu. Chị Thanh, kế toán công ty xây dựng, sinh được một thằng cu khôi ngô, bụ bẫm. Cháu là đích tôn của dòng họ Trần. 

Biết lợi thế của mình, chịu khéo léo gợi ý chồng thuyết phục ông bà nội để lại cho cháu ngôi nhà ba tầng ở mặt phố Huế. Ông bà kiên quyết từ chối vì đấy là ngôi nhà dành cho cô con gái út tật nguyền. Thuyết phục không được,chị chuyển sang dùng “chiến tranh lạnh” và thi hành chính sách "cấm vận", chị thẳng thừng tuyệt giao, không cho con đến thăm ông bà nội.

Anh ghé về thăm bố mẹ, chị chì chiết, than vãn. Anh Mạnh, chồng chị không thể hình dung nổi cô gái đảm đang, dịu dàng ngày nào giờ lại trở thành người vợ “cạn tàu ráo máng” đến như vậy. Buồn chán, anh tìm đến bia rượu và giải trí. Khi chị Thanh khóc nức nở chạy đến trách móc ông bà nội về vụ gian díu của chồng với cô tiếp viên bia ôm thì ông bà chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Dân gian từng nói: "Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng". Mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng vốn đã phức tạp từ xa xưa. Khi mà càng ngày càng hiếm dần những bà mẹ chồng ác nghiệt, chua ngoa thì lại đang nhiều thêm những nàng dâu quái đản. Đừng để gia đình trở thành "đấu trường" của những cuộc chiến ngấm ngầm giữa nàng dâu với mẹ chồng. Sự vụng về, ích kỷ, thiếu hiểu biết, thậm chí tàn nhẫn của họ là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột vợ chồng. 

Mặt khác, lối ứng xử của người mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con cái. Sớm muộn, họ sẽ phải lãnh chịu sự thờ ơ, toan tính, tàn nhẫn, vô tâm,... của con cái như chính họ đã từng đối xử với bố mẹ chồng. E rằng đến lúc đó, mọi sự hối hận đều đã muộn.   

Theo Giadinh.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC