Tình yêu luôn khiến cho bản thân mỗi người rơi vào trạng thái lâng lâng, say mê, hồi hộp, run rẩy… đậm một màu của niềm vui. Tình yêu thật sự sẽ luôn khiến cho bạn có cảm giác đầy đủ, an nhiên, hạnh phúc, viên mãn.
Còn nếu như bạn đang yêu mà bạn luôn có cảm giác buồn và không thỏa mãn với mối quan hệ hiện tại, thì tình yêu của bạn đang có vấn đề và nó thường được biểu hiện qua những bất đồng dưới đây!
1. Không có chính kiến khi yêu một người
Nhiều người có tâm lý không vững vàng nên hay bị xáo trộn, phân tâm bởi lời chia sẻ từ những người xung quanh. Từ đó không giữ vững được quan điểm cũng như cách nhìn nhận về người mà mình tin yêu.
Nên nhớ, yêu thì nên tin. Bởi vì nếu bạn đã mất đi niềm tin, thì mãi mãi tình yêu của bạn sẽ chỉ chìm trong nghi ngờ, đau khổ.
Người bạn yêu có thể có quá khứ không tốt, có thể đắc tội với ai đó, nhưng cô ấy/anh ấy luôn cư xử tốt với bạn, yêu bạn thật lòng. Bạn cũng đã đủ lớn để nhận định được đúng/sai và nhìn nhận một con người, vì thế miệng đời luôn là thứ bạn không nên lắng nghe, vì nó sẽ phá hủy mối quan hệ hiện tại của bạn. Hãy tin vào lý trí và linh cảm của chính mình.
Còn nếu như, người mà bạn yêu thực sự tệ, một là bạn bỏ đi, đừng tiếp tục mối quan hệ nữa, hai là bạn nhìn vào tình cảm của mình, tình yêu đủ lớn để bỏ qua những sai lầm của nhau không? Nếu có, hãy làm theo con tim mách bảo.
2. Bất đồng quan điểm sống
Một nguyên nhân khiến cho tình yêu luôn buồn đó là việc hai bạn bất đồng quan điểm sống. Khi yêu, mọi người thường có xu hướng bỏ qua những điểm xấu để nhìn vào điểm tốt của nhau, nhưng khi chung sống, va chạm, mọi thứ dần sáng tỏ và mâu thuẫn bắt đầu.
Nhìn chung, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, họ cho rằng cảm giác khi yêu tồn tại lâu nhất trong mỗi con người là khoảng 1 năm.
Sau đó, cảm giác đó sẽ dần lắng xuống nếu cả hai ở bên cạnh nhau và trở nên quen thuộc, bắt đầu xét nét và sống với cái Tôi của chính mình.
Từ khóa để hôn nhân luôn êm đẹp đó là “sự nhân nhượng” trong mối quan hệ vợ chồng.
3. Hay ghen tuông, nghi ngờ
Ghen vừa đủ chứng tỏ bạn yêu người đó, ghen thái quá chứng tỏ bạn là người tự ti, ích kỉ, thích kiểm soát và chiếm hữu. Bạn đời không phải là vật sở hữu của bạn, việc bạn cố gắng kiềm tỏa, ghen tuông, dằn vặt bản thân lẫn đối phương chẳng giải quyết được việc gì mà chỉ khiến cho mối quan hệ trở nên căng thẳng.
Vậy bạn nên làm gì để thoát khỏi trạng thái đó? Hãy nói chuyện với nhau về những mối quan hệ ngoài luồng, thế nào thì nên và thế nào thì không nên? Cần phải thiết lập những ranh giới gì để tránh khỏi những tranh cãi vớ vẩn, quan trọng là bạn và bạn đời cần phải tôn trọng nhau và cho nhau khoảng thời gian riêng, chứ việc bạn cấm cả bạn đời không được giao lưu kết bạn với bạn học cũ thì hơi quá rồi đó!
4. Không biết hâm nóng tình cảm
không có gì nhàm chán hơn một mối quan hệ nhạt nhẽo và không có điểm chung. Ngồi bên nhau chẳng biết nói chuyện gì, mỗi người theo đuổi một dòng suy nghĩ, thậm chí ngồi bên nhau lại nuối tiếc chuyện xưa và hỏi lòng “tại sao mình không còn rung động với cô ấy/anh ấy như ngày xưa?”.
Thật ra, cảnh vẫn vậy, người vẫn vậy, chỉ là tại bạn và đối phương đã làm cho mối quan hệ không còn như xưa, cả hai không biết cách hâm nóng tình yêu, nhìn về nhau tin yêu nữa mà thôi.
5. Bất đồng ngôn ngữ
Nguyên nhân thường xuất hiện ở những anh chàng/ cô nàng yêu người ngoại quốc.
Việc bạn hiểu được đối phương bao nhiêu thì 90% thông qua ngôn ngữ để giao tiếp. Ngôn ngữ là kết nối để chúng ta hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn. Và còn gì tệ hơn khi ông nói gà bà nói vịt, muốn chia sẻ cũng không thể diễn đạt, cộng thêm văn hóa khác biệt, tình yêu sẽ buồn như vậy đó!
6. Cảm giác bị bỏ rơi
Một trạng thái sau khi cưới, các tân nương đều cho hay họ có cảm giác bị chồng bỏ rơi ở nhà như một thứ “hậu phương” chắc cú, không dám giận hờn là đòi chia tay nữa.
Một thứ tình cảm chịu đựng, một thứ tình cảm an tâm và thả cửa vì nghĩ “quay đầu sẽ luôn là bờ” luôn khiến cho phụ nữ cảm thấy bất an và buồn bã.
Theo Congluan