Theo bài báo, trong gần 3 tháng qua, virus SARS-CoV-2 - tác nhân gây bệnh COVID-19, đã lây lan mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, làm lúng túng hệ thống y tế của nhiều nước trên thế giới.
Sự chủ quan ban đầu đã khiến cho nhiều nước phải trả giá với những số liệu chưa từng có về số người mắc bệnh và tử vong.
Trong bối cảnh đó, vẫn có những điểm sáng trên thế giới về công tác phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dại dịch để đưa vào thực tế như một hình mẫu cho thế giới.
Đó là trường hợp của Việt Nam - quốc gia nằm gần sát với ổ dịch lớn đầu tiên trên thế giới, với dân số lên tới hơn 95 triệu người song tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 257 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 144 người đã khỏi bệnh và không có trường hợp tử vong.
Điều mà người ta tưởng là 'một sự việc lạ lùng' nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Để hiểu được vì sao Việt Nam lại có được những thành công như vậy có lẽ cần phải hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, một đất nước đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh nhiều hi sinh gian khổ nhưng rất đoàn kết.
Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt và lộ trình của người dân khi đi qua chốt kiểm dịch quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những ngày tháng khó khăn vì bệnh dịch vừa qua một lần nữa cho thấy người dân Việt Nam ủng hộ những quyết sách mà chính phủ đưa ra bảo đảm cho sự thành công của việc thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Còn nhớ năm 2003, Việt Nam cũng đã thành công trong việc đẩy lùi dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) với một loạt biện pháp ngăn chặn mạnh ngay từ đầu, từ việc lập ra một ủy ban chỉ đạo tập trung bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia y tế hàng đầu, cách ly những người nhiễm bệnh tại một số bệnh viện chuyên ngành, xác định sớm nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để thực hiện việc kiểm soát chặt các cửa khẩu biên giới, cũng như thực hiện việc khử trùng toàn bộ các khu vực có người nhiễm bệnh.
Khi bùng phát đại dịch COVID-19 lần này, những kinh nghiệm của lần chống dịch trước đó đã giúp Việt Nam hoàn toàn chủ động, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội và sự điều hành hiệu quả của chính phủ.
Có thể thấy mặc dù không có được tiềm lực như các nước khác trong khu vực, song Việt Nam đã kiểm soát tốt diễn biến của dịch bệnh.
Từ việc khoanh vùng các ca lây nhiễm, kiểm soát toàn bộ những người nhập cảnh từ các vùng dịch và yêu cầu phải cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày, quyết định cách ly xã hội, cho tới việc điều trị và chăm sóc y tế cho các bệnh nhân, là minh chứng cho thấy Việt Nam đã có những bước đi bài bản trong lộ trình phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thành công của Việt Nam trong chiến dịch đối phó với COVID-19 đã được chính phủ các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao trong thời gian vừa qua.
Không chỉ xử lý tốt những diễn biến dịch bệnh trong nước, Việt Nam còn thể hiện sự hợp tác với nhiều nước trên thế giới trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này thông qua việc gửi tặng trang bị bảo hộ y tế cho Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh, Lào và Campuchia.
Bài báo kết luận: rõ ràng đối với Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, chắc chắn để quay trở lại bình thường sau đại dịch lần này sẽ có cái giá phải trả.
Nền kinh tế cũng sẽ bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh, song những gì chính phủ Việt Nam đã làm để đối phó với COVID-19 là hoàn toàn đáng nể trọng khi nhìn vào bức tranh tổng thể trên toàn thế giới trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
TTXVN