Tỉ lệ HS khá, giỏi của nhà trường năm sau luôn phải cao hơn năm trước.Tình trạng lạm phát, tháo khoán về điểm số, HS tiên tiến, HS giỏi… ở mọi bậc học phổ thông đã đến mức báo động
Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Mấy năm đầu triển khai, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực.
Kỳ thi năm 2007, cả nước có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất, có trường không thí sinh nào đỗ. Số lượng, tỉ lệ học sinh (HS) tiên tiến, HS giỏi… cũng giảm đáng kể, đúng với thực tế dạy và học.
Tuy nhiên, phong trào “dạy thật, học thật, thi thật” này chẳng duy trì được lâu. Sau vài năm, mọi thứ lại đâu vào đó. Nhiều năm gần đây, tình trạng lạm phát, tháo khoán về điểm số, HS tiên tiến, HS giỏi… ở mọi bậc học phổ thông đã đến mức báo động.
Một lớp có 4 HS cá biệt, hư hỏng nhưng cuối năm, giáo viên chủ nhiệm lại toàn xếp hạnh kiểm khá, tốt. Một lớp bậc tiểu học gồm 43 HS, cuối năm có 42 HS giỏi, 1 HS tiên tiến. Một lớp 12 gồm 40 HS, học kỳ 1 chỉ có 5-6 HS giỏi, đến cuối năm tăng vọt lên gần 20 em.
Hai năm nay, điểm số, các danh hiệu của HS lớp 12 ở nhiều địa phương cũng có bước nhảy vọt… vì điểm số, học bạ của các em tham gia xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Rõ ràng, căn bệnh thành tích đã hoành hành trở lại trong môi trường giáo dục.
Vậy căn nguyên chính bắt nguồn từ đâu? Trước hết, ngành giáo cũng bị lây lan, tiêm nhiễm, dính “virus” thành tích ảo từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tiếp đến, thói tham lam, đạo đức giả của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý giáo dục khi muốn “ghế” thật vững, được cấp trên và nhiều người ca tụng, khen ngợi nhờ “tài lãnh đạo” giỏi mà HS, giáo viên đạt thành tích cao.
Có vị duy ý chí đến mức chỉ tiêu, tỉ lệ HS khá, giỏi của nhà trường năm sau luôn phải cao hơn năm trước. Cuối học kỳ, cuối năm học, các vị “chỉ đạo” miệng cho giáo viên phải biết “quan tâm, giúp đỡ, yêu thương” HS, đặc biệt là HS cuối cấp, bằng cách nâng hạnh kiểm, nâng thêm điểm, thêm phẩy…
Thói bắt chước, không chịu thua chị kém em giữa các đơn vị nhà trường, địa phương cũng diễn biến khá phức tạp. Nghe trường bạn tháo khoán, dễ dãi trong việc đánh giá, nâng điểm HS, lãnh đạo trường, kể cả giáo viên, cũng “đứng ngồi không yên”, bắt chước làm để HS mình không bị thua thiệt khi thi cử, xét tuyển.
Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là đội ngũ giáo viên.
Cụ thể, giáo viên cần công tâm, chuyên nghiệp, bản lĩnh, kiên quyết phản biện, đấu tranh trước những chỉ tiêu, tỉ lệ “trên trời” của cấp trên đưa ra. Những cuộc họp đầu năm học, khi bàn thảo về chỉ tiêu thi đua, các tổ, khối, giáo viên cần có tiếng nói xây dựng nghiêm túc. Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng, cân nhắc trên cơ sở thực tế, đặc thù từng môn, từng lớp, từng trường.
Nếu lãnh đạo mắc “bệnh” thành tích quá nặng, góp ý, đề xuất mãi không chịu nghe thì không tín nhiệm, bổ nhiệm lại... Chỉ khi giáo viên đi tiên phong, kiên quyết chống bệnh gian dối, thành tích ảo thì môi trường giáo dục mới sáng sủa lên được.
Đỗ Tấn Ngọc (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng; huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)
Báo Người Lao Động