Đứng đầu là Na Uy, đạt được sự cân bằng về nhiều mặt và sự bùng nổ về kinh tế trong thời gian qua. Nước này có một chính sách thuế khóa chặt chẽ, thuế suất cao, và bù lại, họ đầu tư rất nhiều cho giáo dục. Bình quân mỗi năm Na Uy chi gần 14 ngàn USD cho mỗi học sinh-sinh viên từ bậc sơ cấp đến bậc cao đẳng và đại học, con số chi cao thứ ba trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nước Bắc Âu thứ hai nối gót Na Uy là Phần Lan. Đặc điểm nổi bật của nền giáo dục Phần Lan là giáo viên được tuyển chọn trong top 10% những người tốt nghiệp đại học trong cả nước và có bằng thạc sĩ về giáo dục. Nền giáo dục bậc cao gần như hoàn toàn do nhà nước đảm đương, với khoản chi gần 2% GDP cho các chương trình tương đương với bậc cử nhân, cao hơn nhiều nước trên thế giới.
Thụy Sĩ xếp hàng thứ ba với một tỷ lệ rất cao những người dân học hết bậc trung học: đó là 86% những người trong độ tuổi từ 25 đến 64. Nhà nước Thụy Sĩ cũng dành những khoản chi rất lớn cho giáo dục: trung bình 16 ngàn USD/năm cho mỗi sinh viên, trong khi mức bình quân của khối Liên minh châu Âu (EU) chỉ là 9.500 USD. Đặc điểm quan trọng trong hệ thống giáo dục Thụy Sĩ là sự tham gia của khu vực tư trong giáo dục bậc cao, đặc biệt trong lãnh vực du lịch-khách sạn. Trong hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ, giáo dục nghề nghiệp chiếm một tỷ trọng cao.
Mỹ là nước đầu tiên của châu Mỹ đạt top 12 những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Phát triển và bí quyết sản xuất (know-how) là hai đặc điểm nổi bật của xã hội Mỹ. Theo OECD, tại Mỹ có 89% người trong độ tuổi 25-64 học hết bậc trung học, 43% người trưởng thành có trình độ đại học. Mỹ chi hơn 22.700 USD/năm/sinh viên. Giáo viên tại Mỹ có thu nhập vào hàng cao nhất trong số các nước phát triển.
Trong số những nước thuộc OECD, Đan Mạch, nước xếp hàng thứ 5, chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục, với tỷ lệ 7,9% tổng GDP. Điều đáng nói hơn nữa, đất nước châu Âu này là một trong số ít những nước mà chi tiêu vể giáo dục vẫn tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2008-2010.
Trong top 12 nền giáo dục hàng đầu thế giới, châu Đại Dương góp mặt một đại diện là New Zealand, với thứ hạng 7. Tháng 9/2017, bộ Giáo dục nước này vạch ra dự án mở các khóa học online, sinh viên không phải đến trường một số ngày trong tuần. Tổng chi tiêu của chính phủ New Zealand chiếm 7,28% GDP, trong đó phần dành cho giáo dục chiếm 21,2% (của 7,28%). Nhiều sinh viên New Zealand theo học ngành giáo dục kỹ thuật và kỹ năng.
Châu Á chỉ có một đại diện duy nhất trong 12 nền giáo dục tốt nhất thế giới là Singapore, với thứ hạng 11. Hàng năm Singapore dành khoảng 20% ngân sách điều hành cho giáo dục, chủ yếu để trợ cấp giáo dục cho công dân của mình. 43,8% dân số Singapore có một bằng cấp về học nghề hoặc trình độ đại học.
Theo nhận định của David Earle, thuộc Bộ Giáo dục New Zealand, “sự tăng tiến trong giáo dục kết hợp với sự tăng tiến lâu dài của các thành tựu về kinh tế”. Giáo dục giúp cải tiến kỹ năng của lực lượng lao động, dẫn đến sự gia tăng năng suất và sản lượng, đẩy mạnh đà phát triển kinh tế. Tại Mỹ, gần 3/4 chi phí giáo dục xuất phát từ khu vực phi chính phủ, so với tỷ lệ bình quân của OECD chỉ khoảng 32%. Một hệ quả chung là những nước có nền giáo dục tiến bộ thường có tỷ lệ người thất nghiệp thấp, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của xã hội.
Danh sách 12 nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới:
1. Na Uy
2. Phần Lan
3. Thụy Sĩ
4. Mỹ
5. Đan Mạch
6. Đức
7. New Zealand
8. Thụy Điển
9. Slovenia
10. Áo
11. Singapore
12. Estonia
(Tài liệu tham khảo chính: Businessweek)
Đặc điểm giáo dục xứ người
Chi phí giáo dục tính trên đầu người rất cao – Na Uy chi 14 ngàn USD/học sinh-sinh viên/năm; Thụy Sĩ chi 16 ngàn USD/sinh viên/năm; Mỹ chi trên 22.500 USD/sinh viên/năm. Tất nhiên đi kèm với các khoản chi lớn phải là một bộ máy quản lý có hiệu năng, chi đồng nào mang lại lợi ích đồng đó.
Số người dân được thụ hưởng nền giáo dục và đạt đến trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao. Ở Thụy Sĩ, 86% những người trong độ tuổi 25-64 học hết bậc trung học; tại Mỹ, tỷ lệ này là 89%. Ngoài ra, tại Mỹ, 43% người trưởng thành có trình độ đại học.
Tuyển chọn người giỏi làm giáo viên – Tại Phần Lan, giáo viên được chọn trong 10% những người tốt nghiệp đại học thứ hạng cao nhất và có thêm bằng thạc sĩ giáo dục. Các giáo viên được trả lương tương xứng, riêng giáo viên ở Mỹ được hưởng lương cao nhất so với giáo viên của phần lớn các nước phát triển.
Dành cho giáo dục một tỷ lệ thỏa đáng trong tổng ngân sách quốc gia – Phần Lan chi 2% GDP (tổng sản lượng quốc nội) cho giáo dục bậc cao; Đan Mạch dành 7,9% tổng GDP cho giáo dục, một tỷ lệ rất cao nếu chúng ta biết rằng tổng chi tiêu của chính phủ New Zealand cũng chỉ chiếm 7,28% tổng GDP.
Một hệ quả chung: những nước có nền giáo dục tiến bộ thường có tỷ lệ người thất nghiệp thấp.
Singapore vẫn là nước châu Á hàng đầu, sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Khu vực phi chính phủ có những đóng góp to lớn trong hoạt động giáo dục, đặc biệt ở Mỹ, với tỷ lệ đóng góp 75% tổng chi phí giáo dục, trong khi tỷ lệ bình quân của toàn khối Liên minh châu Âu chỉ khoảng 32%.
Đặc điểm giáo dục xứ ta
Kathy Trần (phải) và Giao Trần, hai du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ. (Ảnh: Alison Yin/hechingerreport.org)
Nhìn về nền giáo dục Việt Nam, có thể thấy ít nhất những căn bệnh trầm kha sau:
Bệnh thành tích – Bộ máy giáo dục cao nhất đặt ra những chỉ tiêu thi đua không sát thực tế, buộc các trường, các địa phương phải làm mọi cách – trung thực cũng như không trung thực – để đạt được chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ thi đỗ trên 90% trong các kỳ thi, thậm chí gần 100%, là hình ảnh tiêu biểu của bệnh hình thức. “Thành tích” này mang lại giấy khen, huy chương, giải thưởng cho người lớn và căn bệnh ỷ lại cho tuổi trẻ. Các em học sinh biết rằng có học lơ mơ cũng đỗ nên không còn động lực phấn đấu, ganh đua để đạt những thành tích cao và có thực chất trong học tập.
Bệnh chính trị hóa giáo dục – Nhiều môn học như Văn, Sử Địa, thậm chí cả… Toán, thường lấy chính trị làm nòng cốt. Văn thì phải học những bài viết ca tụng cá nhân và đoàn thể, đề cập sát sườn đến những cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc. Lịch sử thì dạy thật chi tiết thời điểm 1930-1975, học sinh được học cách phân tích các trận đánh y như những lớp huấn luyện chiến thuật quân sự cao cấp ở đâu đó. Cách đây không lâu lắm, vẫn còn thấy những bài toán lớp 2, lớp 3 lấy đề tài bắn rớt máy bay Mỹ, tiêu diệt những tên “ngụy ác ôn” làm ví dụ. Cách dạy này khiến học sinh chán học, hậu quả thấy rõ là có những kỳ thi, tại một số trường thi, môn sử chỉ có lèo tèo một vài thí sinh ghi danh. Trong nhà trường đã thế, trong đời sống xã hội cũng không khá hơn. Cách đây không lâu, một bộ sách Lịch sử đồ sộ được phát hành với sự hả hê về chuyển biến “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, chỉ với sự chuyển đổi ngôn ngữ từ “ngụy quân, ngụy quyền” ra “chính quyền Sài Gòn”, khiến không ít người trong và ngoài nước tưởng bở, vỗ tay hòa nhịp mà không biết rằng đàng sau sự chuyển biến ngôn từ đó là những luận điệu được lặp đi lặp lại mấy chục năm qua về bộ máy chính quyền và quân đội chế độ VNCH trước 1975.
Bệnh dễ dãi trong tuyển chọn người – Lương bổng thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, vị thế người thầy bị rẻ rúng so với những thập niên nửa đầu thế kỷ 20, nghề giáo không còn hấp dẫn người dân trong xã hội, buộc cơ quan quản lý giáo dục hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn người. Ở một trang FB nào đó, có thông tin là có trường hợp thí sinh thi tuyển vào ngành sư phạm chỉ đạt 9 điểm cho 3 môn thi, nghĩa là bình quân 3 trên 10 điểm mỗi bài thi, mà vẫn được tuyển vào. Nguyên liệu đầu vào như thế, cỗ máy lại lạc hậu, làm sao sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao được?
Bệnh hư danh, coi nhẹ thực chất – Ngoài sự hiện diện của hàng chục ngàn tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, hàng năm cỗ máy giáo dục “xuất xưởng” hàng ngàn “đại trí thức” khác trong khi nền công nghệ vẫn là công nghệ lạc hậu, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, chủ yếu do không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan, xí nghiệp, nhất là những cơ sở kinh tế hoạt động bằng vốn FDI, lấy hiệu quả hoạt động, chứ không phải thành tích chính trị làm tiêu chí cho sự tồn tại và phát triển của họ.
Cái nhục lớn nhất của nền giáo dục hiện nay là không có một trường đại học Việt Nam nào trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới, thậm chí 300 trường đại học hàng đầu châu Á cũng không có nốt!
Sao đến bây giờ, các quan chức ngành giáo dục Việt Nam vẫn bình chân như vại?
Theo Trithucvn.net