Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) là người Việt đầu tiên thực hiện chuyến hành trình dài 6.879 km để 'săn' rác thải nhựa.
Bắt đầu hành trình từ ngày 28-8 đến tháng 12-2018, nhiếp ảnh gia sinh năm 1977 đã đi gần 7.000km, trong đó có 3.260km bờ biển dọc 28 tỉnh, thành của Việt Nam. Chuyến đi kéo dài 43 ngày, Lekima Hùng đã quay và chụp nhiều thước phim cùng hơn 3.000 tấm ảnh ghi lại tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra trên dải đất hình chữ S.
Đi xe máy để… chụp rác
Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đe dọa tương lai của nhân loại. Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về việc xả rác thải nhựa ra đại dương.
Là người đầu tiên đi dọc các tỉnh thành ven biển Việt Nam chỉ để chụp rác, Lekima Hùng chia sẻ:
“”.
Rác ở Lệ Thủy – Quảng Bình – Ảnh: NVH
Nam nhiếp ảnh đã bỏ công tìm hiểu và nghiên cứu nhiều tài liệu về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa trong suốt một năm trước. Chuyến đi giúp Lekima Hùng có được một cái nhìn toàn diện về tầm quan trọng của việc cứu môi trường nói chung và đại dương nói riêng khỏi mối nguy hại từ rác thải nhựa.
“Qua chuyến hành trình Save our seas, tôi muốn đi để ghi lại, để chụp lại những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng xả rác thải nhựa ở Việt Nam. Từ đó giúp mọi người có thể hình dung điều gì đang xảy ra và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì”, Lekima Hùng cho biết.
Thông qua chuyến đi, anh Hùng mong muốn gửi được thông điệp mạnh mẽ, nhấn mạnh đến 3R trong việc sử dụng rác thải nhựa: Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế).
Đổ thẳng rác xuống biển ở Lý Sơn – Ảnh: NVH
Khi chia sẻ với bạn bè về dự định thực hiện chuyến đi, Lekima Hùng nhận được nhiều ý kiến, người ủng hộ, người cho rằng… gàn dở.
“Nhiều người hỏi tôi vì sao lại tự bỏ tiền túi và gác mọi công việc để thực hiện một chuyến hành trình vừa mất thời gian, vừa vất vả và đem lại cho bản thân những rủi ro, bất trắc? Cũng không ít người ngạc nhiên khi thấy tôi tiêu tốn thời gian vào chụp rác mà không phải thực hiện các bộ ảnh phong cảnh các miền đất nước như tôi từng làm”.
‘Quăng rác xuống biển là bạn đang quăng rác vào bữa ăn của chính mình’
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần về tình trạng ô nhiễm môi trường dọc các tỉnh thành ven biển Việt Nam, Lekima Hùng vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
”Tôi đã sốc với biển rác dài cả cây số, tưởng không hề có trong sự thật. Đó là cảnh tượng khiến tôi choáng ngợp, kinh hoàng dù không ít lần chứng kiến nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề”.
Từ Hà Nội anh xuống Nam Định và men dọc biển Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ – địa đầu Tổ quốc. “Rác ở khắp mọi nơi, nhất là những chợ hải sản.
Biển Bình Thuận
Tôi đã đến những bãi biển rác kéo dài cả vài cây số ở Bình Thuận, chân thụt sâu trong rác mà chủ yếu là nilông, nhựa. Hầu hết các nơi không có thùng rác, người dân đổ xuống sông, kênh rạch và biển…” – anh kể.
Rất nhiều bức ảnh “mắt thấy tai nghe” về rác được anh chia sẻ trên Facebook cùng mẩu chuyện về con người, cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Có bức ảnh chụp hành vi một phụ nữ đang dùng hết sức hất thùng rác ra cửa biển.
“Tôi đến xã Bình Châu nơi có cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Rác đầy đường, còn người dân hồn nhiên xả rác ra cửa biển. Đến cả con đê dọc sông đổ ra biển cũng toàn rác và rác. Khi được hỏi tại sao không bỏ rác vào thùng, họ cho biết thùng rác duy nhất chỉ có ở cảng Sa Kỳ. Cửa biển chính là bãi đổ rác của họ” – anh nhớ lại.
Một con kênh rác sẽ chảy ra biển – Ảnh: NVH
Đi khắp Bình Châu, vô số biển hiệu tuyên truyền về môi trường “nhưng tuyệt nhiên không thấy thùng rác nào” – anh bày tỏ.
“Tôi đã đi trên một phần của bãi biển, nơi rác chất thành đống, có những chỗ dày cả vài chục phân. Rác ở đây không chỉ làm mất mỹ quan, hôi thối, môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh rất cao…”, anh nói.
Ngư dân phơi hải sản ngay gần khu vực ngập rác ở Cần Giờ, TP.HCM – Ảnh: N.V.H
Hỏi lý do tại sao người dân nơi đây lại hay vứt rác xuống biển, anh Hùng nhận được câu trả khiến nhiều người giật mình: Một phần vì không có xe gom rác, một phần vì đã quen đổ rác ra kênh, ra biển.
Có thể bạn chưa biết, lượng rác thải nhựa con người đổ xuống đại dương mỗi phút tương đương với mỗi chiếc xe tải rác. Nếu không hành động, con số này sẽ tăng thành 2 xe tải mỗi phút vào năm 2030 và 4 xe tải mỗi phút vào năm 2050. Khi đó sẽ có hơn 937 triệu tấn nhựa so với 895 triệu tấn cá trong đại dương.
Còn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, có hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. 15% các loài bị vướng hay nuốt phải rác thải nhựa có nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng báo động là đến năm 2050 có khoảng 99% các loài sẽ bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa.
Trong chuyến hành trình đi chụp rác thải nhựa, không ít lần Lekima Hùng gặp phải những khó khăn, gian khổ thậm chí là nguy hiểm. Đó là những lần anh giơ máy định chụp một chiếc xe đang cố tình “xây” những “núi rác mới” thì bắt gặp những câu nói khiếm nhã, dọa đánh, dọa đập máy, rồi những ánh nhìn ác cảm từ những người dân sinh sống trong “biển rác”…
Biển một bên và… rác một bên
Các bức ảnh chụp trong suốt hành trình tạo cảm xúc mạnh với người xem vừa xót xa, thương cảm lẫn tức giận: xe tải đổ rác trộm ra bờ biển, cây cầu bắc qua dòng kênh đặc sệt rác, người đốt rác trên đảo Bình Ba, khu rừng ven biển đã chết khô để lộ ra một bãi rác nhựa giăng mắc khắp gốc rễ, những công nhân xe rác…
Trong những bức ảnh flycam của nhiếp ảnh gia, làng biển vẫn nên thơ, hữu tình nhưng khi cận cảnh thì toàn rác, người dân phơi hải sản trên bãi biển đầy rác…
“Ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy, Quảng Bình), các bạn nhỏ tham gia nhặt rác cùng người lớn hằng tuần nên bờ biển khá sạch… Nhưng không có xe thu gom rác nên họ gom lại, đổ ra lề con đường hoang vắng, đường dọc biển” – anh kể.
Một sự tréo ngoe khác cũng tại Quảng Bình, khi đến thăm nhà máy xử lý rác tư nhân thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam, nơi “mọi loại rác đều có thể xử lý để biến thành tiền” lại không thể hoạt động hết công suất vì không gom đủ rác.
Vì vậy, bạn hãy nhớ rằng, khi quăng rác xuống sông, xuống biển chính là bạn đang quăng rác vào bữa ăn của mình.
Trái đất là một hệ sinh thái đơn độc, cũng là hệ sinh thái duy nhất của chúng ta. Nếu chúng ta đầu độc hay bóc lột nó, chúng ta không còn hệ sinh thái nào khác. Chưa bao giờ đại dương đang bị đe dọa khủng khiếp như hiện nay.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng)
Thúy Quỳnh - VNEXPRESS.NET
Ảnh: Lekima Hùng