Phim thị trường lên "ngôi vua"
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, trước 2003, rạp chiếu phim “vắng như chùa bà đanh” vì khán giả không thích xem phim Việt. Các nhà sản xuất vì lo sợ nên cũng chỉ dám đầu tư làm phim vào dịp Tết. Tuy nhiên, từ 2003 đến nay, nhiều phim Việt ra đời đã kéo khán giả đến rạp và quý nào cũng có phim Việt công chiếu.
Thị trường điện ảnh đang cho thấy Việt Nam có hàng loạt nhà làm phim, đạo diễn và nhà biên kịch tài ba. Phim Việt đang cạnh tranh khốc liệt với các “ông kẹ” không lồ đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Cảnh trong phim "Em chưa 18".
“Điện ảnh Việt Nam đã bước sang trang mới với một cuộc cách mạng hết sức thầm lặng trong lĩnh vực nghe nhìn. Điện ảnh thị trường đã chính thức lên “ngôi vua”.
Chúng ta thấy toàn bộ sứ mệnh điện ảnh Việt đang nằm trong tay các nhà sản xuất và các hãng phim tư nhân. Điều đáng mừng là dòng phim này càng ngày khá lên, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Đặc biệt về phương diện kỹ thuật, âm thanh là một cuộc cách mạng vĩ đại.
Ngày xưa chúng tôi làm phim, làm gì có công nghệ âm thanh 5.0, 7.0. Ngày nay, các nhà sản xuất đầu tư cho các phương diện kỹ thuật, bối cảnh, trang phục… rất bài bản.
Những phim hài nhảm, cẩu thả, câu khách rẻ tiền… gần như đã không còn nữa. Chính thị trường đã sàng lọc khiến cho phim nhảm nhí không còn chỗ đứng.
“Em chưa 18” đạt kỷ lục doanh thu nhưng phim không hề có ngôi sao nào. Thực tế chứng minh, những phim ăn khách đang được làm một cách bài bản và chất lượng. Các nhà làm phim vượt qua được tính thương mại để làm nên những phim có tính nhân văn, mang vẻ đẹp cao cả. Những vẻ đẹp này rất đi sâu vào tâm hồn của con người.
“Đảo của dân ngụ cư”, “Mẹ chồng”, “Dạ cổ hoài lang”… khắc họa rất rõ cá tính để làm bật lên nhân vật. Cách khai thác góc máy lạ - đậm, làm nên sự mới lạ cho các bộ phim.
85 % trên tổng số 13 phim truyện dự giải Cánh diều 2017 đã lay động trái tim người xem, mang đến những xúc động về thân phận con người, gieo vào lớp trẻ những mầm yêu thương”, NSND Đào Bá Sơn nhấn mạnh.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn lại cho rằng, các phim Việt chiếu rạp gần đây đều có cả tính thị trường và lẫn tính nhân văn. Cả hai đặc tính này quyện vào nhau không đồng đều và không hoàn chỉnh.
Phim ra rạp ngày càng mang diện mạo mới. Điều này cho thấy phim tư nhân không chỉ lên “ngôi vua” mà còn kiêm luôn cả 3 nhiệm vụ: thị trường, định hướng và văn hoá.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều phim thị trường chỉ giải quyết được khía cạnh ăn khách. Ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường đã xích lại gần nhau nhưng có những lúc rất xa nhau.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang bày tỏ, mấy năm gần đây phim thị trường thống lĩnh các rạp chiếu. Tuy nhiên, nhiều phim “tồi” vì chạy theo thị hiếu của khán giả.
“Cái chưa được của phim thị trường là chiều theo khán giả thái quá. Ví dụ, âm nhạc họ phải từ A đến Z vì họ không tin vào hình ảnh. Họ luôn dùng hình ảnh đệm vào nên có sự lạm dụng âm nhạc như một thứ nhạc minh họa chứ không còn nghệ thuật trong phim. Phim thị trường thoại nhiều, không phải dòng phim tôn trọng hình ảnh, bản thân hình ảnh nói lên ý tưởng khác, thoại có cái dễ dàng. Tuy nhiên, cũng không thể trách các nhà sản xuất tư nhân bởi họ làm phim vì mục đích doanh thu nên giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân rất khó”, NSND Nhuệ Giang nói.
Vì sao phim nhà nước ngày càng vắng bóng?
NSND Đào Bá Sơn phân tích, năm 2015 có 41 phim được sản xuất, trong đó 7 phim nhà nước và 34 phim tư nhân; năm 2016 có 35 phim nhưng hoàn toàn của tư nhân, không có phim nhà nước; năm 2017 có phim cũng hoàn toàn của tư nhân và không có một phim nào do nhà nước sản xuất. Nghĩa là đã hai năm liên tiếp, thị trường điện ảnh hoàn toàn vắng bóng những bộ phim nhà nước đầu tư sản xuất.
Các bộ phim nhà nước trong 60 năm qua đã tạo nên một nền điện ảnh đáng tự hào.
“Hai năm nay không có phim nhà nước nào ra đời, đây là một câu hỏi, một vấn đề nhức nhối. Nó đặt ra suy nghĩ về vai trò của phim nhà nước đối với việc định hướng về văn hoá, chính trị, xã hội…
Sự tồn tại của thị trường điện ảnh ngày nay đã hoàn toàn rơi vào tay các nhà sản xuất tư nhân và những dòng phim tư nhân”, NSND Đào Bá Sơn tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, bà cảm thấy vui vì điện ảnh tư nhân đi lên nhưng cũng “rầu lòng” khi điện ảnh nhà nước đi xuống. Việc không có một bộ phim truyện điện ảnh nhà nước nào được sản xuất trong hai năm qua là một dấu “lặng” đáng phải nghĩ ngợi.
Theo bà Ngát, một nền điện ảnh mà có sự chênh lệch quá nhiều giữa tư nhân và nhà nước quả rất đáng lo ngại.
Bản thân NSND Nhuệ Giang cũng bày tỏ sự tiếc nuối và lo lắng khi phim nhà nước ngày càng “tuyệt chủng”.
“Năm 2016, 2017 mấy hãng phim nhà nước không có phim, tôi thấy rất đáng tiếc. Nó tựa như là nền nghệ thuật điện ảnh đang bị lãng quên, bị bỏ rơi. Thị trường điện ảnh đang rơi vào tay các nhà sản xuất tư nhân với những bộ phim chạy theo thị hiếu của khán giả, tôi mong có dòng phim nhà nước để cân bằng lại”, NSND Nhuệ Giang bày tỏ thêm.
Theo NSND Nhuệ Giang, thời gian vừa qua cơ chế đấu thầu của nhà nước không phù hợp. Điện ảnh rất phức tạp nên không thể dùng phương thức đấu thầu như những ngành nghề khác.
Tiền chưa về hoặc chi nhỏ giọt sẽ rất khó làm phim.
“60 năm nay, rất nhiều bộ phim kinh điển thành công đó là dòng phim nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng, nhà nước chưa thấy được sự quan trọng của điện ảnh. Nghệ thuật điện ảnh không tiếp tục nuôi dưỡng sẽ có ngày “chết” như Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi tiến hành cổ phần hóa đã gần như tan rã.
60 năm mới xây dựng được một nền nghệ thuật điện ảnh, chân chính nhưng phim nhà nước lại đang dần giảm đi, đó là điều vô cùng nguy hiểm”, NSND Nhuệ Giang bày tỏ thêm.
Hà Tùng Long - DANTRI.COM.VN