Để có hình ảnh đẹp của con người Việt Nam trước bạn bè thế giới, để Việt Nam trở thành địa chỉ thân thiện, đáng mến thì từ bây giờ, mỗi cá nhân cần đề cao ý thức về ứng xử của mình trước cộng đồng, cũng như có tinh thần tương trợ, góp ý, nhắc nhở, giúp điều chỉnh người có hành vi phản cảm.
Khoảng 20 năm trở lại đây, khi cuộc sống đã được nâng cao và từ một số đổi mới trong chính sách, thủ tục nên việc ra nước ngoài của người Việt Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.
Vì vậy, số lượng người tham quan, du lịch, mua sắm, chữa bệnh, hợp tác làm ăn, học tập... ở các nước trong và ngoài khu vực ngày một tăng.
Riêng về du lịch, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thì trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm đã có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam du lịch nước ngoài, đã chi tiêu hơn 6 tỉ USD.
Chỉ tính năm 2015, con số này là hơn 6 triệu người. Các quốc gia được lựa chọn thường là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada, Australia… Trong đó, khả năng hút khách du lịch Việt Nam của Hàn Quốc, Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng cao. 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản ở mức bình quân 50%/năm.
Dù muốn hay không, mỗi người khi ra nước ngoài đều thể hiện phần nào hình ảnh văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam trước người dân nước sở tại.
Ấn tượng từ hành xử của du khách Việt sẽ tác động tới nhận thức, đánh giá của bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam.
Nên thật đáng buồn khi chứng kiến tại một số sân bay quốc tế, những người Việt cười nói huyên náo, chạy chỗ này chỗ khác chụp ảnh, không xếp hàng mà sểnh ra là chen ngang; ở nơi công cộng như siêu thị, bến xe điện ngầm, bến xe buýt thì tay xách nách mang, rồi chen lấn xô đẩy, văng tục; tại nhà hàng thì tụ tập nhậu nhẹt gào “zô zô” ầm ĩ, thức ăn lấy thừa ê hề; ra đường dù đèn đỏ nhưng hễ thấy đường vắng là vọt qua…
Đáng buồn là hiện tượng rất không đẹp ấy như có chiều hướng ngày càng tăng.
Trên nhiều diễn đàn về du lịch, tám tật xấu điển hình của một bộ phận du khách Việt gây bức xúc cộng đồng đã được “chỉ mặt đặt tên” gồm: Mặc đồ ngủ ra khỏi nhà; nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào, chửi thề; hay trễ giờ; ăn uống lãng phí; xả rác, khạc nhổ bừa bãi; trốn vé tham quan; ăn cắp vặt và trốn để lao động bất hợp pháp.
Cũng phải kể tới hiện tượng một số người lợi dụng du lịch để trốn ở lại nước sở tại kiếm việc làm bất hợp pháp.
Số liệu cho thấy tại Hàn Quốc, tỷ lệ này đạt mức 32%, vượt xa mức trung bình 17%. Trước vấn đề này, một số quốc gia phải đưa ra chính sách thắt chặt quản lý đối với du khách đến từ Việt Nam.
Rõ ràng hành động đơn lẻ của một số cá nhân đã và đang gây tổn hại đến hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và không phải là quá lời nếu coi đó là việc làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.
Vậy cần phải thay đổi như thế nào và từ đâu?
Lâu nay công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn nếp sống văn minh thanh lịch, tuân thủ quy định của pháp luật đã được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không phải mọi người đều nghiêm túc chấp hành.
Giữa cộng đồng khác biệt văn hóa, sự “hồn nhiên” đến mức tùy tiện của một số du khách Việt không chỉ gây khó chịu cho người khác, có thể còn xâm phạm đến tôn giáo, tín ngưỡng, luật pháp của nước sở tại. Như ở Singapore, vứt rác nơi công cộng bị phạt tiền.
Ở Thái Lan, Lào, Campuchia mà người lạ xoa đầu trẻ em bị coi là xúc phạm. Với các nước đạo Hồi thì hành động bắt chéo chân để lộ đế giày, hoặc chĩa đế giày vào ai đó là điều cấm kỵ…
Như cha ông chúng ta đã dạy “nhập gia tùy tục”, mỗi người khi ra nước ngoài không chỉ điều chỉnh hành vi theo tiêu chí văn minh thông thường, mà cần trang bị kiến thức cần thiết về phong tục tập quán của địa phương.
Đó không chỉ là thái độ tôn trọng cộng đồng nơi mình đến, mà còn thể hiện ý thức tự trọng của mỗi người.
Thời gian qua, các công ty lữ hành đã có nhiều biện pháp nâng cao ý thức du khách Việt khi ra nước ngoài. Cách thức phổ biến là họp đoàn, thông báo nội quy trước chuyến đi, cung cấp những khuyến nghị.
Một số công ty đã tiến hành “chuẩn hóa” qua bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, đồng thời yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở du khách tuân thủ nội quy khi ở nước ngoài.
Dự thảo bộ quy tắc đưa ra thông điệp: “Văn hóa ứng xử của người Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phát triển dân tộc.
Mỗi người chúng ta hãy bằng những hành động cụ thể của mình, giữ gìn và phát huy các nét đẹp của văn hóa ứng xử của người Việt Nam, điều chỉnh các ứng xử không phù hợp, góp phần nâng cao hình ảnh con người Việt Nam”.
Bộ quy tắc đưa ra lời khuyên ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu, theo ba phần:
- phần thứ nhất là lời khuyên trong văn hóa ứng xử, nêu rõ những hành động nên làm, không nên làm;
- phần thứ hai là lời khuyên trong khi đi du lịch, hướng dẫn các việc nên làm tại nhà hàng, điểm tham quan, nơi mua sắm;
- phần thứ ba hướng mọi người đến các hành động đẹp trong ứng xử văn minh.
Được biết sau khi hoàn chỉnh, Hiệp hội Du lịch sẽ yêu cầu các công ty du lịch chuyển tới khách hàng nội dung của bộ quy tắc, đưa vào chương trình đào tạo hướng dẫn viên, quản lý du lịch nhằm phối hợp đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện.
Đặc biệt, vai trò của hướng dẫn viên được đề cao, vì đó là người trực tiếp đưa du khách tham quan, có trách nhiệm nhắc nhở, giám sát.
Để có hình ảnh đẹp của con người Việt Nam trước bạn bè thế giới, để Việt Nam trở thành địa chỉ thân thiện, đáng mến thì từ bây giờ, mỗi cá nhân cần đề cao ý thức về ứng xử của mình trước cộng đồng, cũng như có tinh thần tương trợ, góp ý, nhắc nhở, giúp điều chỉnh người có hành vi phản cảm.
Trên bình diện rộng hơn, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lối sống văn minh, thanh lịch cần gắn với thực tiễn, được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi: công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, nơi công cộng…
Bởi khi ra nước ngoài, hình ảnh, uy tín của dân tộc, đất nước bắt đầu từ việc làm rất nhỏ, như: Bỏ rác vào thùng, xin lỗi khi làm sai, biết mỉm cười khi nhận lời cảm ơn…
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI