Công chúng cho rằng cần phải có biện pháp mạnh để hạn chế 'rác' trên sóng truyền hình - Ảnh: TL
Mang cảnh nóng, chuyện giường chiếu… để câu view
Mới đây, chương trình Nữ hoàng quyến rũ nhận không ít chỉ trích từ dư luận bởi hình ảnh các thí sinh diện bikini, tạo dáng phản cảm.
Cụ thể, 5 cô gái xuất sắc nhất bước vào thử thách chụp ảnh quảng cáo cho một tạp chí nhưng lại được hướng dẫn cách tạo dáng phản cảm. Cộng với việc thí sinh ăn mặc táo bạo cùng những góc quay cận khiến người xem đỏ mặt. Cộng đồng mạng bức xúc khi chương trình lên sóng vào giờ vàng. Họ cho rằng đây là khung giờ có nhiều trẻ em theo dõi nên sẽ ảnh hưởng đến các bé. Trước ồn ào này, phía nhà đài cho biết sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung các số sau phù hợp hơn.
Nữ hoàng quyến rũ không phải là chương trình đầu tiên bị chỉ trích. Năm 2018, Date & Kiss từng bị bị tẩy chay vì gây phản cảm dù đã gắn nhãn 18+. Bên cạnh việc truyền tải quan niệm sai lệch “hôn trước yêu sau”, việc người chơi thoải mái ôm hôn nồng nhiệt trên sóng truyền hình cũng được cho là không phù hợp. Đó là chưa kể đến việc một cặp đôi hôn nhau nhưng sau khi một người bước ra ngoài phải chứng kiến người còn lại tiếp tục hôn thí sinh khác khiến dư luận phẫn nộ về việc giá trị tình cảm đang bị hạ thấp.
Thậm chí, nhiều người cho rằng nhà sản xuất đang cố tình mượn hình ảnh “sex" này để câu view.
Hình ảnh táo bạo trong các chương trình truyền hình Ảnh: TL
Năm 2013, chương trình Người giấu mặt cũng gây tranh cãi. Trong một thử thách, các thí sinh buộc phải cởi đồ để giảm bớt cân nặng. Tuy nhiên, hình ảnh này không được nhà sản xuất làm mờ, tạo sóng dư luận dù thí sinh đã lấy tay che bộ phận nhạy cảm.
Dare Pong (Việt hóa từ phiên bản Mỹ Fear Pong) cũng trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận ngay trong những tập đầu phát trên YouTube.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như gameshow này chỉ dừng lại ở việc ném banh, uống rượu hoặc thực hiện yêu cầu. Tuy nhiên, chương trình có quá nhiều thử thách táo bạo, phản cảm điển hình là liếm kem trên người đối phương, cởi quần đối phương bằng răng… tạo nên hiệu ứng trái chiều từ dư luận.
Bên cạnh đó, có không ít chương trình đưa ra quan điểm sai lệch, điển hình là câu chuyện một người đàn ông hẹn hò cùng lúc 25 cô gái trong The Bachelor Vietnam được nhận xét là không phù hợp với văn hóa Việt.
Nhà quản lý ở đâu khi ''rác'' ngập tràn sóng truyền hình?
Thực tế, trong giai đoạn mà thị trường gameshow đang bão hòa với hàng loạt các chương trình truyền hình khác nhau từ giải trí, talkshow, truyền hình thực tế… đã đặt bài toán khó cho nhà sản xuất trong việc tìm kiếm một hướng đi mới cho các dự án của mình. Nếu như một số nhà sản xuất đầu tư về mặt nội dung thì cũng có không ít đơn vị dùng chiêu trò, trong đó có việc sử dụng các hình ảnh phản cảm để gây chú ý.
Chia sẻ về vấn đề này, nghệ sĩ Trung Dân đánh giá hầu hết các chương trình hiện nay chỉ mang tính giải trí đơn thuần, không có định hướng, thậm chí là đi ngược lại với giá trị này. Nam diễn viên nói: “Bây giờ giải trí đơn thuần quá, dễ dãi quá, tôi thấy không được. Chúng ta phải định hướng để cho thanh niên nhìn thấy những điều tốt đẹp mà học tập. Không riêng gì truyền hình mà truyền thông bây giờ cũng đang cổ xúy cho những điều lệch lạc của giới trẻ, cho nên các hiện tượng trộm cắp bây giờ rất nhiều”.
Công chúng không khỏi bức xúc và đặt câu hỏi về trách nhiệm của những nhà kiểm duyệt khi để loạt hình ảnh phản cảm lên sóng Ảnh: TL |
Đồng quan điểm này, Nguyễn Lớp, đạo diễn của nhiều chương trình truyền hình lên tiếng: “Bất kỳ một chương trình nào khi được sản xuất, dù là lớn hay nhỏ, hay chỉ phát YouTube cũng phải tôn trọng khán giả. Điều đó được thể hiện ở chất lượng chương trình, tạo ra sản phẩm tốt, sạch sẽ chứ không mang tính lố lăng hoặc những câu nói tục tĩu để câu view. Đôi khi việc sản xuất những chương trình “sạch và đẹp" lại thu hút khán giả nhiều hơn chứ không phải chỉ những ồn ào liên quan đến hình ảnh phản cảm".
Việc nhiều hình ảnh phản cảm chiếm sóng các gameshow phần nào cho thấy sự xuống cấp về mặt văn hóa và sự “bất lực" của nhà sản xuất trong việc tìm một hướng đi cho “đứa con tinh thần" của mình. Khi truyền hình cũng là văn hóa thì thử hỏi cách làm các chương trình như vậy có phải đang tự đào thải những giá trị văn hóa của chính mình? Bởi việc những hình ảnh táo bạo được phát sóng trên giờ vàng, thời điểm mà nhiều đối tượng trong đó có trẻ con xem tivi đã vô tình làm ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của các bé. Nhiều người không khỏi thắc mắc về việc chức năng giáo dục của truyền hình ở đâu khi hình ảnh, câu nói phản cảm đang ngập tràn các kênh phát sóng?
“Đối với những khán giả không nhìn thấy, họ cho rằng chương trình đó là bình thường. Nhưng đối với những người có tri thức, họ sẽ lo sợ cho con cái, người thân bị nhiễm những yếu tố xấu. Các chương trình bây giờ người chơi có thể nói lời bông đùa, đơn giản nhưng không mang một ý nghĩa gì thì liệu bỏ tiền ra sản xuất có đáng không", nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ.
Nhiều chương trình bị chỉ trích mạnh mẽ vì đưa ra quan điểm sai lệch về tình yêu Ảnh: TL |
Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Vũ Toản lên tiếng:
“Yếu tố phản cảm được sử dụng nhiều trong các chương trình vì dễ gây chú ý và tạo hiệu ứng tranh luận trên diễn đàn truyền thông. Tuy nhiên việc tạo diễn đàn để công chúng biết đến chương trình cần chú ý sự phù hợp về nội dung, hình thức đối với từng nhóm tượng.
Giá trị của chương trình mang đến không chỉ là sự biết đến của nhiều người, mà giá trị thực sự chính là thông điệp, ý nghĩa xã hội mà chương trình truyền tải và được công chúng chấp nhận. Việc lạm dụng những hình ảnh phản cảm trên các chương trình có tác động tiêu cực, có thể làm cho nhóm công chúng không có chuyên môn sâu dễ bị ngộ nhận về giá trị”.
Nghệ sĩ Trung Dân cho rằng việc để nhiều chương trình có yếu tố phản cảm, bạo lực lên sóng là nguyên nhân các hiện tượng trộm cướp, hiếp dâm… đang phổ biến và nhức nhối hiện nay. Ông cũng đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà quản lý, kiểm duyệt đối với đứa con tinh thần của mình. “Chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn về vấn đề này. Có thể tôi nói đụng chạm, hoặc nhiều người cho rằng tôi lạc hậu nhưng tôi chấp nhận”, ông bày tỏ ý kiến.
Về phần nhà sản xuất, họ cũng cần ý thức được trách nhiệm của một người làm trong lĩnh vực văn hóa. Khi mà tình trạng văn hóa đang dần xuống cấp thì các đơn vị này cần tạo ra những chương trình giá trị để nâng tầm, thay vì mượn câu chuyện lợi nhuận đổ thừa cho việc hàng loạt hình ảnh phản cảm ngập tràn trên sóng.
"Mỗi chương trình phải có thông điệp ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi của truyền hình ở Việt Nam mới trọn vẹn", nghệ sĩ Trung Dân nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Thanh Niên