Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, điệp khúc "Hà Nội cứ mưa là ngập" đã được dự báo từ trước, tất cả do quy hoạch của con người, cốt để san nền bán đất.

Quy hoạch bừa bãi

Thực tế, hiện nay chỉ sau một gian ngắn mưa lớn, đã khiến nhiều khu vực của Thủ đô rơi vào tình trạng ngập lụt trầm trọng. Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” khiến người dân ngán ngẩm.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam, tất cả lỗi đều do sự quy hoạch bừa bãi của con người.

Ông lý giải:

“Tại những khu nội thành cũ cũng thường xuyên ngập nhưng nhờ hệ thống thoát nước của người Pháp xây dựng từ trước, nước vẫn thoát được.

Dù ngập sâu nhưng thực tế sau 2-3 giờ nước sẽ thoát, chứ không kéo dài.

Vấn đề nghiêm trọng thực sự hiện nay lại xảy ra tại những khu vực vốn là ngoại thành trước kia, ví dụ quận Thanh Xuân, đây vốn là vùng thoát nước tự nhiên.

Trong giai đoạn quy hoạch từ 1990-2000, do trình độ quy hoạch khi đó còn non yếu, khu trũng ngập Thanh Xuân ra đời sau khi tách ra từ Đống Đa đã diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh.

42 1 Ha Noi Cu Mua La Ngap Loi Do Quy Hoach Cot De Ban Dat

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh 

Tiếp đến, sau năm 2000, hàng loạt khu đô thị như Trung Hòa - Nhân Chính… được hình thành. Quá trình bê tông hóa, san lấp bừa bãi đã làm mất khả năng tiêu thoát nước của khu vực này, thậm chí ngay gần sông Tô Lịch cũng không thoát nước ra sông được.

Trận lụt lịch sử 2008 đã chứng minh điều đó, nước ngập khủng khiếp kéo dài cả tháng, trong khi nội thành cũ lại thoát nước được".

"Tình hình ngập lụt nghiêm trọng hơn tại các khu đô thị mới (KĐTM) ở Hà Nội như Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông), An Khánh (Hoài Đức)….

Nhưng theo tôi, điều này là tất yếu và đã được giới quy hoạch cảnh báo từ trước, khi Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội. Các KĐTM này thường xây ở những vùng trũng ngập và không để ý đến hệ thống thoát nước", ông Ánh cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Ngọc Uyên, đại diện công ty Cấp thoát nước Hà Nội cho biết:

"Các KĐTM thường được xây dựng trên vùng đất ruộng cũ. Tức là, khi mưa, nước sẽ ra - vào các ruộng để điều hòa, giảm ngập cho vùng xung quanh nhưng đến lúc xây KĐT lại san lấp hết, không còn chỗ để điều hoà. Trong khi hệ thống tiêu thoát nước ở các khu vực này cũng chưa được đầu tư, cải tạo".

Quy hoạch cốt để bán đất

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, khi quy hoạch nhiều dự án không được nghiên cứu kỹ, cốt chỉ quan tâm đến san nền bán đất.

Có những dự án đã được cảnh báo trước, điển hình như khi triển khai dự án Láng-Hòa Lạc, các chuyên gia đã tranh cãi rất nhiều về việc có để hành lang thoát lũ hay là dỡ bỏ nhưng cuối cùng cũng đã bị phớt lờ đi và tiến hành san nền.

42 2 Ha Noi Cu Mua La Ngap Loi Do Quy Hoach Cot De Ban Dat

Điệp khúc "Hà Nội cứ mưa là ngập" sẽ tiếp diễn đến bao giờ?

Hiện nay khu Thanh Hà đang được san nền, khu trũng ngập cuối cùng để giải cứu, thoát nước cho toàn bộ khu vực này cũng dần biến mất. Trục đô thị này hoàn toàn nằm trên lưu vực thoát nước, vùng trũng ngập. Cho nên, khi xây dựng những KĐT giữa lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ thì chắc chắn là bị ngập lụt", ông Ánh nhấn mạnh.

Vị kiến trúc sư này cảnh báo:

"Các nhà quy hoạch chỉ biết nhìn mặt bằng mà san nền bán đất. Tình trạng ngập và ngày càng nặng sẽ còn tiếp tục diễn ra”.

 

 

Đặng Thủy-Đàm Linh

Nguồn: nguoiduatin.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC