Văn hóa ứng xử ngoài đường của người Hà Nội xuống cấp một cách đáng báo động. Những người sống ở Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động, dễ gây gổ, đánh nhau, chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục ...

Còn nhớ, cách đây 7 năm, tháng 7/2012, truyền thông có đăng tải một bài viết của họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của Thủ đô đã kém đi một cách nghiêm trọng, kể từ sau khi Hà Nội đổi mới…

 

42 1 Ha Noi La Thu Do Chu Khong Phai Lang Xa

Nét đẹp Hà Nội.

“Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều rất sợ”

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nói về phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành.

Đến khoảng những năm 1980, Hà Nội đã rất khác. Lúc này, những đầm lầy Kim Liên, Giảng Võ... đã được lấp hết và nhiều nhà tập thể bốn năm tầng mọc lên. Nhiều làng trong nội đô đã phố hóa hoàn toàn, dân số tăng vọt sau chiến tranh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp lúc đó mọi người đều vất vả và đều nghèo như nhau. Điện nước, lương thực thì khó khăn. 

Sau khi đổi mới, Hà Nội là nơi phản ánh rõ nét nhất với sự thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu gạo. Đó là những thay đổi rất tốt, nhưng có một thay đổi không tốt đó là đời sống văn hóa của Thủ đô kém đi nghiêm trọng.  

Người làm kinh doanh, bán hàng thì chảnh chọe, kiêu căng, bất cần - đây là hệ quả của kinh tế bao cấp người bán không cần người mua vẫn còn tồn tại trong người dân Thủ đô. Đến khi kinh tế khó khăn thì nhanh chóng cướp khách, bán hàng, thu vốn, mà không còn nghĩ đến chữ tín và đầu tư lâu dài. 

Bên cạnh đó, công nghệ du lịch cũng chưa có, tất cả đều là tự phát, khiến cho khách nước ngoài luôn phải chịu tình cảnh hai giá... “Chung quy lại thì tất cả là do văn hóa xuống cấp, người ta không tự chủ được trong một môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt”  - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết. 

Lý giải cho sự thay đổi thụt lùi về đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Chính tính không đồng bộ trong những bước phát triển của Hà Nội đã tạo ra những cái dở nghiêm trọng. Ví dụ, môi trường sống – không khí, nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh là tồi nhất nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm tính con người.

Giao thông cũng là vấn đề lớn, khi đáng nhẽ nó phải được làm trước khi xây các khu đô thị mới. Sự giáo dục và ý thức công dân cũng không tốt, người ta sống ở thành phố mà luộm thuộm và tự do vi phạm giao thông, môi trường như ở làng xã…”.

Sau khi bài viết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Phần lớn độc giả cho rằng, đời sống văn hóa của người Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng: “Tôi xa Hà Nội từ thập niên 70, nhưng mỗi lần ra Hà Nội tôi đều rất sợ: Sợ văn hóa giao thông, sợ văn hóa giao tiếp ứng xử, sợ môi trường đầy ô nhiễm... Thật đau lòng khi nói sự thật này” - một độc giả bày tỏ. 

Không thể để “bún mắng, cháo chửi” thành “đặc sản” của Hà Nội

Đó là Hà Nội của 7 năm trước, khi Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội (Bộ QTƯX) chưa ra đời. Thế còn hiện nay, khi Bộ Quy tắc đã hiện hữu được 2 năm, thì Hà Nội thế nào?

Trước thềm của Vòng chung khảo Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào tháng 10/2018 của Hà Nội diễn ra vào tháng 10/2018, bà Ngô Thuý Lan, Phó Chủ tịch phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình trả lời báo chí đã nhận định, việc thực hiện Bộ QTƯX đã có những tác dụng rất tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét, người dân đã có ý thức hơn trong việc ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và với xã hội.

Bộ QTƯX bước đầu điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên và người dân tại nơi công cộng, hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

42 2 Ha Noi La Thu Do Chu Khong Phai Lang Xa

Hiện tượng bún mắng, cháo chửi  tuy không phải là phổ biến, đại diện cho cách phục vụ ở Hà Nội những rõ ràng nó đã làm xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt Thủ đô.

Cũng tại thời điểm này, đánh giá về những hạn chế trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, sự vào cuộc của các cơ quan thuộc thành phố chưa đều, một số cơ quan triển khai còn chậm, mang tính đối phó, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện QTƯX.

Công tác tuyên truyền ở cơ sở một số nơi chưa sinh động, còn hình thức, chưa tạo được ấn tượng về nội dung các QTƯX tới cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô.

Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới trong hình thức tuyên truyền và đưa QTƯX nơi công cộng đi vào đời sống, tuy nhiên Hà Nội vẫn cho rằng hiệu quả thực hiện vẫn còn những hạn chế.

Còn rất nhiều bất cập diễn ra tại nơi công cộng như ý thức gìn giữ vệ sinh, môi trường của người dân còn rất kém, việc giẫm chân lên thảm cỏ, bồn hoa, xả rác bừa bãi tại các con phố và trung tâm thành phố, không gian phố đi bộ vào những dịp như 30/4, Quốc tế 1/5, Rằm Trung thu hay những ngày cuối tuần... vẫn còn tiếp diễn, những không gian rộng như công viên, vườn hoa, bến xe, vỉa hè, lòng đường... vẫn còn những vi phạm thường xuyên chưa được nhắc nhở kịp thời...

Một ví dụ tiêu biểu là “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội. Báo chí đã nhiều lần đăng tải bài viết về cách phục vụ thô lỗ, thiếu văn hóa của một số quán ăn nức tiếng Hà Nội và xung quanh đó có rất nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc.

Thế nhưng, dường như mọi việc “vẫn y nguyên”. “Bún mắng, cháo chửi’ thách thức Bộ QTƯX – đó là quan điểm của PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi ông trả lời phỏng vấn về vấn đề này. 

Theo đó, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng Bộ QTƯX thể hiện thái độ kiên quyết của Hà Nội đối với những hiện tượng lệch chuẩn, xấu xí. Nó cảnh tỉnh, giác ngộ và gợi mở cho cách ứng xử của người Hà Nội.

“Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn những quán “bún mắng, cháo chửi”, không chỉ cần nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể mà cần phải sự quyết tâm, nhận thức của người dân. Chúng ta phải mạnh mẽ lên án, tẩy chay, thể hiện thái độ không đồng tình với cách ứng xử coi thường khách hàng, kém văn hóa của người bán.

Tôi tin rằng chỉ cần người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn, lên án, bài trừ kiên quyết không bước chân vào những quán ăn “bún mắng, cháo chửi” thì chắc chắn hiện tượng xấu xí này sẽ tự khắc bị xóa sổ.

Đặc biệt, nếu tuyên truyền, vận động thuyết phục mãi mà những quán ăn có hiện tượng trên không thay đổi, chấn chỉnh thì các cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp quyết liệt hơn đó là xử phạt, đình chỉ thậm chí tước giấy phép. Không nên để một hiện tượng xấu xí, phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh con người, du lịch của Hà Nội, tồn tại trong bao nhiêu năm như vậy” – theo PGS.TS Lê Quý Đức. 

Phải bắt buộc tuân theo chứ không thể chỉ giáo dục suông

Xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh – đó là quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội cũng như cả nước, để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của cả nước, đồng thời giữ vững niềm tin của người dân cả nước vào Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển hạ tầng, thì cũng không thể bỏ qua việc giữ gìn bản sắc thành phố nghìn năm.  

Theo Sở VHTT Hà Nội, thời gian qua, song song với xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tân tiến, các chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh,” phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là phong trào “Người tốt, việc tốt” được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội Thủ đô. 

Hiện nay trên địa bàn thành phố, tỷ lệ tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, làng văn hóa đạt 60%, gia đình văn hóa đạt 86,5%. Đặc biệt, thành phố đã triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”.

Bên cạnh đó, thành phố đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô để thế hệ trẻ kế thừa, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, truyền thống gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư…

Nhưng cũng biết rằng, làm văn hóa là công việc thường xuyên, lâu dài, không thể ngày một, ngày hai. Hay nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, để có để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp thì không thể chỉ động viên, giáo dục suông.

“Đô thị thời hiện đại là một tổ hợp sống cho hàng triệu người khác với một thành phố thời nông nghiệp với vài chục nghìn dân. Giống như ngôi nhà hai ba tầng khác hẳn với một ngôi nhà 50 tầng. Người ta ít ý thức rằng Hà Nội đang bước vào một đời sống khác của một đô thị đang đi đến hiện đại, ngoài các trang bị kỹ thuật và hạ tầng hiện đại, con người ở đó cũng phải hiện đại.

Đó là những công dân của thời hậu công nghiệp, chứ không phải là những người nông dân ra thành phố sống. Đô thị hiện đại có lý thuyết riêng, đòi hỏi ta phải tuân theo, rồi mới đến những tính cách thanh lịch, tao nhã này nọ” - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bày tỏ. 

Diệu Hương

 

 

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC