Theo hãng tin Đức DPA, Việt Nam hiện không có người tử vong vì virus corona chủng mới, số người nhiễm bệnh cũng chỉ vài trăm, phản ứng của quốc gia Đông Nam Á này với đại dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ca ngợi và thế giới có thể học tập Việt Nam trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch.
Việc có những hành động dứt khoát từ sớm, làm xét nghiệm rộng khắp, cách ly nghiêm túc và đoàn kết xã hội đã giúp Việt Nam có được thành công trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới lan rộng, DPA viết.
Thống kê chính thức cho thấy, Việt Nam hiện cách ly hơn 75.000 người và tiến hành xét nghiệm hơn 121.000 lượt, trong đó, có 260 ca được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới.
Cho tới giờ, tỷ lệ nhiễm bệnh ở Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, Singapore và thậm chí là Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam hiện đang được báo chí toàn cầu ca ngợi vì phản ứng hữu hiệu với đại dịch.
Ảnh Reuters
Kidong Park – đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng việc Hà Nội có phản ứng sớm với đại dịch là vô cùng quan trọng. "Việt Nam có phản ứng từ sớm, ngay từ đầu tháng 1 khi Trung Quốc thông báo các ca nhiễm bệnh".
Theo ông Park, Việt Nam đã mau chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng và chống dịch Covid-19, hoạt động dưới sự chỉ đạo của phó Thủ tướng và thực hiện kế hoạch đối phó với dịch bệnh ngay lập tức.
Dù số ca nhiễm bệnh thấp song Việt Nam đã thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc vào ngày 1/4. Đây là quyết định nhanh chóng và dứt khoát hơn nhiều so với Anh và Italia, nơi mà số ca nhiễm bệnh tăng lên hàng nghìn mới quyết định phong toả.
Cũng như nhiều quốc gia khác phải tiến hành phong toả để đương đầu với đại dịch đang diễn ra, Việt Nam cũng làm như vậy để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quốc gia.
Phần lớn thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch đó là đoàn kết xã hội, DPA viết. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gần đây mô tả những nỗ lực chặn dịch Covid-19 như "cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020" – đề cập cuộc tổng tấn công năm 1968.
Các trường học Việt Nam cũng đóng cửa từ tháng 1 và việc cách ly tập trung cũng bắt đầu vào ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người từ bên ngoài vào Việt Nam cũng được đưa vào các khu cách ly. Tới 25/3, các chuyến bay quốc tế đồng loạt bị dừng lại.
Cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu nào nới lỏng các hạn chế. Phần lớn các chuyến bay trong nước, các chuyến tàu, xe buýt đều tạm dừng hoạt động.
Hệ thống theo dấu tiếp xúc nhiều lớp của Việt Nam cũng góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống virus. "Lớp đầu tiên là cách ly và chữa trị tại bệnh viện với những người nhiễm bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm virus corona chủng mới", ông Park cho hay.
Những người có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh đều tham gia cách ly tập trung, đại diện WHO tại Việt Nam nói thêm. Biện pháp này cũng áp dụng với những người tiếp xúc với người tiếp xúc trực tiếp, những người tiếp xúc thứ cấp này đều được yêu cầu tự cách ly.
Lớp cuối cùng, là cộng đồng, đường phố hay toà nhà, nơi có các ca nhiễm bệnh, cũng cách ly, ông Park nói.
Nguồn: Hoài Linh/ Vietnamnet.vn