NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
TP Hội An tính ban hành quy định thu vé khi vào phố cổ gây ra cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.
Cụ thể: “Từ 15/5/2023, mọi du khách khi vào phố cổ Hội An phải mua vé”, thay vì chỉ thu phí riêng ở các điểm di tích đặc biệt như hiện nay. “Giá vé khách nước ngoài 120.000 đồng, khách nội địa 80.000 đồng”.
Cứ tưởng chuyện “Cá tháng Tư”, dù đã qua mấy ngày. Bình tâm, ngỡ chuyện “Những người thích đùa” (Azit Nezin 1915 – 1995) thời @.
Báo chí và mạng xã hội dậy sóng; du khách tranh luận…Ý kiến trái chiều nhưng chủ yếu không đồng tình. Có người còn suy đoán, đó là chiêu PR độc, tạo scandal, gây hiệu ứng xã hội?
Phải nói rõ, dư luận không phản đối việc bán vé các điểm đặc biệt, chỉ phản đối quyết liệt kiểu bán vé đại trà cho bất kỳ ai vào phố cổ.
Việc này không mới. Chuyện xảy ra 24 năm trước, không bao giờ quên.
Tôi làm Hướng dẫn viên đi miền Trung. Chương trình tour có tham quan và ăn trưa tại Hội An. Thời đó, nhiều thứ còn khó khăn. Đi Bà Nà về quá bữa. Khách đói, yêu cầu bỏ tham quan Hội An và ăn trưa luôn cho kịp hành trình đi Huế. Ban quản lý buộc phải mua vé tham quan mới được ăn cơm.
Trong đoàn có cả người Hội An vào Sài Gòn lập nghiệp, giờ đưa công ty về thăm quê cũng phải mua vé. Tranh luận, đôi co, cuối cùng, phải điện thoại nhờ Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM lúc đó là ông Lê Nhật Tân can thiệp mới xong chuyện.
Sau này, bị phản ứng, Hội An chỉ bán vé các điểm đặc biệt. 24 năm sau, có lẽ do hoài cổ nên muốn phục hồi cách làm xưa?
Thiên hạ đoán già đoán non nguyên nhân vụ việc. Người này bảo, bắt chước nghệ sĩ, tao scandal ngược?
Người kia nói, phải tận thu vì quí 1/20223, tăng trưởng Quảng Nam âm 10.88% so với cùng kỳ 2022 (trong dịch). Mức giảm này chỉ xếp sau Bắc Ninh âm 11,85%. TPHCM tăng trưởng 0,70% là đã lớn chuyện; âm cỡ đó không phải chuyện đùa.
Lẽ thường, phát hành vé mới, thay đổi cách bán hay tăng giá vé tham quan, cần tham vấn ý kiến chuyên gia, thăm dò du khách, thông qua Hội đồng Nhân dân cấp quản lý và báo trước ít nhất 6 tháng để các công ty lữ hành điều chỉnh giá tour. Đằng này, ngày 4/4 đưa tin, ngày 15/5 áp dụng. Cứ hỏa tốc như thời chiến. Điều trớ trêu là chủ trương này chưa được sự đồng ý của tỉnh Quảng Nam. Một kiểu “Cầm đèn chạy trước ô tô”, cứ như Hội An ngang cấp với Quảng Nam.
Hợp đồng inbound ký trước cả năm, nội địa cũng trước mấy tháng. Nội địa có thể năn nỉ, ca “bài ca con cá” để khách chia sẻ chi phí. Inbound thì không.
Việc phát sinh kiểu nào cũng phải mình ên gánh chịu. Các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt làm inbound cầm chắc mất 120.000 đồng mỗi khách, chưa kể phát sinh phần thuế do tăng thu.
Mức giá 120.000 đồng và 80.000 đồng không biết dựa trên cơ sở nào?
Việc phân biệt giá vé nước ngoài (bằng 150% nội địa) từ thời bao cấp, cứ tưởng đã đoạn tuyệt, bỗng lù lù xuất hiện. Người Việt ở nước ngoài mua vé loại nào? Con cái chung thì mua vé ra sao? Các nước thường có chung giá vé, không phân biệt. Riêng Campuchia miễn vé tham quan di sản thế giới cho người Khmer và những ai sinh ra ở Campuchia.
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn lý giải: “Nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Đồng thời, bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách”.
Bị dư luận phản ứng, ông Sơn chống chế “Chỉ bàn vé khu vực trung tâm chứ không phải cả thành phố Hội An?
Nghe không lọt tai chút nào. Nói năng kiểu đó, ở các nước phát triển là “về vườn trong nửa nốt nhạc”. Tại sao cứ nghĩ và làm khác thiện hạ dù đất nước đổi mới và hội nhập gần 40 chục năm?
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Các nước chỉ bán vé những điểm tham quan cụ thể. Không nước nào bán vé tham quan không gian sống các phố cổ. Một đoạn đường cũng không được, nói chi khu trung tâm, dù nhỏ. Việc làm này vi pham quyền tự do đi lại của công dân Viêt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam theo Điều 13 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (UDHR 1948) và Điều 23 Hiến Pháp Việt Nam 2013.
Tổ chức sự kiện trong phố cổ, nhà nước cố “ôm rơm cho nặng bụng” làm gi? Cứ giao tư nhân, đấu thầu, xã hội hóa; nhà nước chỉ quản lý, tạo điều kiện. Vừa không tốn kinh phí, không cần trích tiền mua vé, lại có thêm nguồn thu. Khắp thế giới, nhà dân hư hỏng, ai cũng phải bỏ tiền sửa chữa. Nhà mình, mình ở, phải tự lo. Không có thì vay mượn. Bí quá thì bán.
Nhà trong phố cổ cũng vậy. Nhà nước chỉ hỗ trợ nâng cấp các di tích chung và cơ sở hạ tầng. Nếu chủ nhà không đủ khả năng, nhà nước cho vay, hùn vốn sửa chữa hoặc mua lại. Có đâu ngược đời như Hội An? Nếu quản lý giỏi, Hội An có rất nhiều cách tạo nguồn thu hiệu quả, không phải bán vé cào bằng kiểu “Xiệc điện bắt cá”, hại đủ bề.
“Bán vé để đảm bảo công bằng” chưa thấy nhưng rối rắm, phiền phức thì đã rõ. Làm sao nhớ mặt hết dân phố cổ?
Hay làm thêm căn cước công dân Hội An?. Người Hội An xa quê và dâu, rể, con, cháu, bạn bè về thăm người thân có mua vé không? Hay phải cử người ra bảo lãnh kiểu chung cư cao cấp, bảo vệ mới cho vào?
Nhân việc Hội An “đùng một cái” buộc du khách mua vé đại trà, cần kíp rà soát các qui định phát hành vé và tăng giá vé. Không thể mỗi nơi một kiểu, cảm tính và tùy tiện như hiện nay. Cục Quản lý Du lịch Quốc gia (Tổng cục Du lịch cũ) phải chuẩn hóa, phân loại cấp độ di sản, di tích, khu du lịch, danh thắng, bảo tàng…với bảng giá cụ thể như các nước đang làm.
Phố cổ Hội An cứ duy trì vé các điểm tham quan như lâu nay và có thể tăng giá, nếu cần thiết. Không thể bán vé không gian sống, dù là khu trung tâm hay ngoại vi. Việc này nếu được thông qua, là tiền lệ cực xấu, sẽ lây lan sang phố cổ Hà Nội và các phố cổ, làng cổ khác.
Khách có thể đến Hội An nhiều lần, ở nhiều ngày để trải nghiệm, mua sắm, ăn uống, giải trí mà không phải mua vé nếu không vào các điểm tham quan. Tiền lời thu được nhiều khi gấp mấy lần mua vé.
Chẳng lẽ vào ăn cao lầu, may áo dài, mua đèn lồng, uống cà phê, uống sinh tố… cũng phải mua vé? Vô lý.
Bán vé kiểu mới, trước mắt, Hội An có thêm một phần doanh thu nhưng ngành du lịch cầm chắc mấy phần thất thu. Chưa kể các cơ sở dịch vụ và người lao động lao đao vì vắng khách. Không ít khách sẽ quay lưng. Không hẳn vì tiếc tiền vé mà vì mình không được tôn trọng. Hệ lụy chưa thể lường hết.
Du khách sẵn sàng ủng hộ Hội An, chung sức xây dựng phố cổ bằng nhiều cách. Trực tiếp góp tiền mặt hoặc trang thiết bị, vật liệu, công sức. Gián tiếp là mua vé các điểm tham quan (chứ không phải cả không gian phố cổ), sử dụng các dịch vụ. Đừng lạm dụng tình cảm đó bằng việc buộc mua vé tham quan, gây ngộ nhận và tác dụng mấy lần ngược.
Không có lý do gì để đồng thuận chủ trương kỳ cục, không giống ai của Hội An mà dư luận đang bức xúc. “Chơi vậy, chơi với ai? Chơi minh ên, trước sau cũng bị trầm cảm”. Thiên hạ “Bỏ tép, bắt tôm”.
Hội An ngược đời “Bỏ tôm hùm, xúc tép riu”.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn