Hai con hổ đông lạnh bị cơ quan chức năng bắt giữ tại Hà Nội hôm 16/10/2009
Giải thích về hiện tượng quần thể hổ suy giảm một cách đáng kể tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - một tổ chức bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được thành lập vào năm 2000 - cho rằng, hổ bị buôn bán chủ yếu để lấy xương làm cao hổ cốt vì nhiều người vẫn còn mù quáng tin rằng cao hổ có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương, khớp.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cao hổ có tác dụng chữa bệnh.
Lương y Nguyễn Văn Minh, phòng khám Đông y Bảo Minh khẳng định rằng, cho đến nay, hoàn toàn không có nghiên cứu khoa học nào trong y văn cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp xương hay loãng xương. Ông nói thêm:
“Y học cổ truyền thì cho rằng cao hổ cốt tốt cho xương cốt. Thời các cụ ngày xưa cho rằng cao hổ cốt, nhung hương,… thuộc hàng bổ và quý cho sức khoẻ nhưng bây giờ thì khác.
Về cao hổ cốt, thứ nhất buôn bán là vi phạm pháp luật vì nhà nước họ cấm nên không ai dám nấu cao, mua bán cao. Thứ hai, hổ trên thế giới và Việt Nam cũng không còn nữa. Họ thường đưa ở nước ngoài về, rất nguy hiểm nên giá thành rất cao mà cũng không ai dám mua, dám uống.
Thật ra thì dân gian cũng đúc kết kinh nghiệm mà ra. Có những thứ người ta đồn nó không tốt, có những thứ đồn cũng đúng nhưng bây giờ nó không có hoặc quá hiếm. Ở đây tôi không có bán cao hổ cốt vì bây giờ lượng người có khả năng mua không nhiều ở Việt Nam.”
Đến nay dù không có thêm khảo sát, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng Việt Nam không còn hổ hoang dã. Để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại tránh khỏi nạn săn bắn, buôn bán trái phép, Việt Nam đã đưa hổ vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nhà nước cũng ban hành một số nghị định với khung chế tài rõ ràng.
Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể hổ Đông Dương sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt lên đến 15 năm tù giam.
Riêng hành vi quảng cáo bán các sản phẩm, bộ phận của hổ được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 - 100 triệu đồng.
Một trong hai con hổ sống được vận chuyển trong một chiếc xe của một nhóm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở trung tâm Hà Nội hôm 7/1/2008. AFP
Hổ Đông Dương còn được liệt kê trong Phụ lục I CITES - Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, việc buôn bán quốc tế cá thể và các sản phẩm từ hổ Đông Dương giữa các quốc gia thành viên Công ước, trong đó có Việt Nam bị nghiêm cấm. Tuy vậy, hoạt động buôn bán hổ trái phép vẫn diễn ra tại Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Theo ENV, tính đến tháng 12 năm 2020 có 343 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam. Trong đó, 284 cá thể đang bị nuôi nhốt tại 21 trang trại và sở thú tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và các trung tâm cứu hộ của Nhà nước. Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số cơ sở gây nuôi hổ hợp pháp được sử dụng làm bình phong cho các hoạt động buôn bán hổ trái phép. ENV cũng ghi nhận, trong năm 2020 có 390 vụ vi phạm về hổ, trong đó có 363 vụ quảng cáo, rao bán các sản phẩm từ hổ trên Internet; thu giữ sáu cá thể bao gồm hai cá thể hổ sống, ba hổ đông lạnh và một tiêu bản hổ.
Bà Diên, làm việc tại một nhà chăm sóc người già Việt Nam tại Úc cho hay, nhiều người già ở nơi bà làm vẫn tin vào cao hổ cốt và nhờ tìm mua nhưng không thể mua được. Bà giải thích:
“Người ta nấu lâu lắm thì mới thành chất cao, uống sẽ mau thấm vô xương có tác dụng không bị nhức mỏi. Bây giờ không có hổ nên người ta thay thế bằng sâm. Bây giờ cao hổ cốt bán ở ngoài toàn hàng giả. Cọp đâu có mà để nấu cao!
Tôi muốn mua cho má tôi uống nhưng người ta nói giá rất mắc. Nếu cao hổ cốt thiệt thì phải ba, bốn ngàn đô la từng gram.”
Bà Đức, một người từng uống cao hổ cốt nhiều năm trước cho hay, bà vẫn bị đau lưng khi về già. Bà nói thêm về trường hợp thân phụ của bà:
“Tôi năm nay hơn 80 rồi. Tôi nhớ ngày xưa bố tôi hay uống cao hổ cốt lắm. Ông cụ 95 tuổi mới mất nhưng trong suốt thời gian còn sống, tôi không bao giờ thấy cụ kêu đau lưng hết. Có lẽ do cao hổ cốt, tôi cũng không biết rõ nhưng bây giờ làm gì có cao hổ cốt nữa.”
Dù nằm trong danh mục bị cấm buôn bán nhưng trên mạng internet vẫn có những người buôn bán cao hổ cốt dưới hình thức nhượng lại ‘hàng từ nước ngoài gửi về, không dùng đến’.
Theo y học cổ truyền, cao hổ cốt vị mặn, tính ấm, có công dụng giảm đau, làm mạnh gân cốt, trừ thấp; thường được dùng để chữa các chứng tê thấp, đau nhức gân xương, suy nhược cơ thể...
Thực tế, nhiều bác sỹ đông y khẳng định rất khó tìm được cao hổ cốt thật trên thị trường, dù ở nước ngoài mang về. Số lượng cao hổ cốt được rao bán hiện nay được cho là cao gấu, cao khỉ và tệ hơn là trâu, bò...
Thêm vào đó, để nâng cao tác dụng giảm đau, nhiều nơi còn trộn một số thuốc tây dạng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp.
Nguồn: RFA