Bao giờ nước Việt ta sẽ giàu?
Giàu – nghèo là đề tài muôn thuở của trong xã hội Việt Nam. Nhưng để phần nào lý giải vì sao chúng ta mãi chưa giàu, có lẽ nên bắt đầu tìm hiểu từ khía cạnh nhận thức, quan điểm về giàu nghèo của người Việt.
Tâm lý “trọng nghèo” đã thay đổi?
Trước hết phải nhìn nhận rằng quan điểm về cái nghèo ở Việt Nam trong khoảng mấy chục năm qua đã có sự thay đổi lớn lao. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nghèo là một thứ mà người Việt dù có than trách nhưng một mặt dường như cũng tự hào về nó.
Bởi lẽ nghèo đi đôi với trong sạch, với tình nghĩa, lương thiện. Dễ thấy trong các tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học viết, cái nghèo trong xã hội ta luôn được cảm thương và trân trọng.
Song song với nó, xã hội chĩa mũi dùi vào công kích sự giàu có. Suốt bao nhiêu thế kỷ, hiếm có một truyện kể, một tuồng tích nào có cái nhìn độ lượng với người giàu. Xã hội nhìn sự giàu có với con mắt hằn học. Thương gia bị gọi là con buôn. Trong tâm lý xã hội, giàu có đi đôi với bạc ác, bất nghĩa, vô tình.
Bỗng dưng mấy chục năm gần đây, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Sự giàu có về vật chất được tôn vinh, được xem như một động lực của xã hội. Tâm lý người Việt có một điểm lạ: đã chuộng cái gì là sẽ chuộng đến mức thái quá. Suốt nhiều thế kỷ người ta quá xem trọng việc học, mọi việc trong thiên hạ đều thấp hèn, chỉ đọc sách là thanh cao. Người học cao, có chữ nghĩa được trọng vọng quá mức, bất luận giá trị thật của việc đó đến đâu.
Thoắt một cái, xã hội thay đổi thước đo: anh học cao, anh có tài năng về nghệ thuật, anh say mê khoa học, điều đó chẳng có ý nghĩa gì nếu anh không kiếm được nhiều tiền. Người ta ít khi bận tâm xem con cái, bạn bè mình làm việc gì, có vui không, có ý nghĩa không, mà chỉ quan tâm xem công việc đó có ra tiền không. Xã hội dường như đã dịch chuyển từ chỗ quá chuộng chữ nghĩa sang chuộng kim tiền.
Từ đó, cách nhìn nhận về cái nghèo cũng đã thay đổi. Người ta thôi ca ngợi cái nghèo, mà sợ nó, hắt hủi nó, thậm chí xem nó như cái tội. Người giàu không phải sợ bị gièm pha nữa, nay có thể thỏa sức phô bày, trưng diện trong sự ngưỡng mộ của xã hội.
Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Ảnh minh họa: Thuận Thắng/ TTO
Không vô cớ
Song nhìn từ góc độ khác, thật ra sự quay ngoắt đó không phải vô cớ. Thiết nghĩ, từ thâm tâm, người Việt thật sự không phải không thích giàu có. Trong văn hóa dân gian, phần thưởng cho những người nghèo khổ, tiết nghĩa như chàng Thạch Sanh đều là giàu có vinh hoa.
Còn nếu nói về chuộng chữ nghĩa, thẳng thắn mà nói nền khoa cử trước đây của Việt Nam tồn tại không phải vì mục tiêu tự thân, mà thực tế là để thăng quan tiến chức, đổi đời.
Vậy thì ham học chỉ là vỏ bọc của sự ham làm giàu về tiền bạc và làm sang về chức tước?
Nhìn ở góc độ nào vẫn có thể thấy tư duy về giàu – nghèo trong xã hội ta rất thiếu khách quan. Thích tiền bạc nhưng lại ngại nói về tiền bạc. Thích giàu có nhưng lại dè bỉu sự giàu có. Chính tư duy đó đã khiến người Việt mắc kẹt, loay hoay trong suốt nhiều thế kỷ.
Chính bởi không “sống thật”, nên chúng ta mới thiếu một cái nhìn bình tĩnh, công tâm về cách làm giàu, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân và thông qua đó làm lợi cho xã hội.
Chính bởi không dám sống thật, nên suốt cả một chặng lịch sử rất dài chúng ta có vô số nhà khoa bảng giỏi cả văn chương lẫn toán pháp nhưng tuyệt nhiên không có nhà kinh tế học nào. Mà sử sách xưa cũng hiếm thấy bàn tới chuyện làm sao giúp dân chúng làm giàu nhờ sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí ngày nay, tư duy của chúng ta đối với chuyện học làm giàu vẫn còn lệch lạc. Ở nhà thì cha mẹ luôn muốn lo hết cho con cái, không để con vướng bận chuyện tiền bạc. Ở trường thì thiếu một chương trình bài bản dạy về các nguyên lý kinh tế căn bản và quản lý tài chính cá nhân, những thứ lẽ ra phải được dạy từ bậc phổ thông để mỗi đứa trẻ có tư duy đúng đắn, lành mạnh về tiền bạc.
Cùng những biến thiên thời cuộc, ở Việt Nam có một số người giàu lên nhanh chóng do nắm bắt được cơ hội và được trao những đặc quyền đặc lợi. Nhưng, chắc chắn để một đất nước giàu lên thì phải có nền tảng vững chắc về sản xuất và tư duy kinh tế, chứ không thể đặt hy vọng vào sự giàu xổi được.
Và dù con đường đến sự giàu có của quốc gia còn rất xa, nhưng trước hết phải bắt đầu từ nhận thức.
Nguồn: Khương Duy - Tuần Việt Nam