Từ nỗi thất vọng của chàng rể Tây trên đất Việt…
Ngày đầu tiên chào đón anh chị trở về, gia đình tôi đã tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Mọi người đều bận rộn chuẩn bị cỗ bàn, anh rể cùng với bố kê bàn ghế ra sân, còn hai chị gái tôi thì nấu nướng trong nhà bếp. Tôi vốn chậm chạp lại hậu đậu, nhưng cũng xắn tay phụ giúp một vài việc lặt vặt.
Khi tôi đang hối hả mang chậu nước ra rửa rau củ quả, chị gái tôi nhỏ nhẹ góp ý:
“Em à, đi lại thì cố gắng nhấc chân cao lên một chút, đừng nên lê dép loẹt quẹt như thế”. Tôi vâng dạ, lát sau tôi đặt chậu nước lên trên bệ rửa bát và bắt đầu gọt su su. Chị gái tôi nói: “Em đặt chậu ở đây người khác sẽ không thể dùng cái bệ rửa này được. Còn vỏ su su thì nên để vào cái túi hay cái rổ nào đấy, chứ đừng vứt bừa bãi xuống bệ rửa bát như thế. Chị vẫn biết là lát nữa em sẽ dọn, nhưng tốt hơn là làm đến đâu gọn luôn đến đó, không phải dọn đi dọn lại nhiều lần”.
Tôi giật mình.
Ừ nhỉ, những việc nhỏ bé này sao mình lại vô ý như thế? Nhìn lại, tôi thấy bản thân mình vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết, nếu đứng cạnh chị tôi thì quả là khác xa một trời một vực. Nhớ lại ngày xưa khi chị còn ở nhà, vì để mấy đứa lít nhít chúng tôi phải nghe lời, chị vẫn thường lớn tiếng quát nạt. Nhưng sau hơn 10 năm bên trời Tây, giờ thấy chị khác nhiều quá. Vẫn vóc dáng ấy, nhưng thanh thoát và nhẹ nhàng. Vẫn giọng nói ấy, nhưng nhỏ nhẹ và dịu dàng. Vẫn cá tính ấy, nhưng trong cách ứng xử lại có phần lịch thiệp và tinh tế hơn xưa. Không biết nước Đức có gì mà khiến chị tôi thay đổi nhiều đến thế?
Sau bữa cơm, bố cùng anh rể lên phòng khách chào hỏi các bác hàng xóm sang chơi, còn mấy chị em tôi thì dọn dẹp dưới bếp.
Lúc này chị mới giải thích vì sao lại nhắc nhở chúng tôi nhiều đến thế.
“Trước khi về Việt Nam anh Jay háo hức lắm, còn lên kế hoạch đi chỗ này chỗ nọ. Nhưng vừa mới về đến khách sạn, anh ấy đã thất vọng nặng nề. Jay hỏi chị rằng, vì sao đến chỗ nào cũng thấy người Việt Nam vượt đèn đỏ thế? Rồi khi tụi chị đứng chờ taxi, có một quý bà diện bộ đầm rất đẹp rất sang, vừa bước ra khỏi cửa là vứt túi rác đánh vèo một cái xuống vỉa hè trong khi thùng rác thì chỉ cách đó chục bước chân. Anh ấy chỉ im lặng, nhưng chị hiểu anh ấy sẽ nghĩ gì”.
Jay cảm thấy thất vọng khi về Việt Nam. (Ảnh minh họa theo tinmoi)
Rồi chị kể lại những trải nghiệm từ chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, từ chuyện bị gánh hàng rong chèo kéo bằng được cho tới khi anh chị mua hàng mới thôi, cho đến chuyện một hành khách trên xe mở cửa sổ và vẩy tay một cái, chiếc túi nilon liền đáp xuống lòng đường khiến thứ chất lỏng bên trong bắn ra tung tóe. Mà đâu chỉ có vậy, ở đâu cũng thấy rác, rác ở gốc cây, rác dưới chân tường, rác trên mặt đường, thậm chí có người đã đến chỗ thùng rác rồi mà cũng không chịu vứt rác vào bên trong.
Được một lát, chị nói tiếp: “Ở Đức ai cũng biết người Việt Nam rất thông minh. Hồi chị còn học ở Munchen, các giáo sư hễ nghe nói đến du học sinh Việt Nam là biết sinh viên này rất giỏi. Chính anh Jay cũng phải thừa nhận với chị điều đó, rằng trong các cuộc thi quốc tế người Việt luôn đứng top đầu. Nhưng vì sao đất nước mình mãi không thể phát triển lên được? Sáng nay Jay nhận xét một câu mà khiến chị đắng lòng: Người Việt ai cũng giỏi, nhưng toàn chen lên phía trước, mạnh ai nấy làm, chỉ cần sạch mình còn người khác muốn ra sao thì ra…”.
Như đọc được ánh mắt ái ngại của tôi, chị lại nói: “Jay vẫn biết Việt Nam là nước nghèo em ạ, anh ấy đâu có chê mình nghèo đâu. Jay đã đi rất nhiều quốc gia, rất nhiều vùng miền, đến cả những bản làng bộ tộc người da đỏ, người ta thiếu thốn tiện nghi nhưng luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng, và điều đó khiến anh ấy rất trân trọng. Nhưng Việt Nam thì khác, chính cái sự vô ý thức mới khiến cho người ta phải ngao ngán về mình”.
Câu nói của chị cứ khiến tôi day dứt mãi trong lòng.
…Lại thấy tiếc nuối cho những nét đẹp đã không còn
Chẳng phải nói đâu xa, chỉ hơn 60 năm trước đây thôi, Hà Nội vẫn có tiếng là thanh lịch. Người Hà Thành đi đâu cũng tự hào rằng:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Hơn 60 năm trước, Hà Nội vẫn có tiếng là thanh lịch. (Ảnh minh họa từ afamily)
Trong cuốn Hà Nội thanh lịch, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy từng ca ngợi cái thuần phong mỹ tục của người Hà Nội:
“Cái thuần phong mỹ tục ấy xây dựng từ người lớn đến trẻ con. Phố Hàng Gai có tiếng là thanh nhã. Phố Cầu Đông có tiếng là khôn ngoan. Các thầy đồ dạy học trò ‘cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người’. Bà cụ dặn cháu ‘được lòng ta, xót xa lòng người’. Trẻ con khua trống, bố mẹ bảo ‘đừng làm điếc tai hàng xóm!’. Cái rãnh nước bẩn cho vào cống thấm, chớ không cho chảy ra đường. Trẻ con chơi với nhau, hay cãi nhau, bố dặn: ‘Khéo không việc trẻ con lại làm mất lòng người lớn!’. Ra quét hè, tiện chổi, quét sang cả hè hàng xóm. Các bà bán hàng, hay chơi họ với nhau, để đồng lần ai cũng có vốn buôn. Trong phố có họ hiếu, họ hỷ để giúp nhau lúc cần đặc biệt”.
“…người Tràng An rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạch họe, lố lăng, đê tiện”.
— Hà Nội thanh lịch, Hoàng Đạo Thúy
Những hồi ức của tác giả Hoàng Đạo Thúy khiến tôi không khỏi tiếc nuối về một thời đã xa: Hà Nội từng thanh cao và lịch lãm là thế, nhưng đâu rồi những giá trị truyền thống từng rất đẹp, rất thơ?
Đâu rồi cái thanh cao, lịch sự, biết sống vì nhau của người Tràng An xưa? Ngày nay chỉ thấy người ta chen chúc, tranh danh đoạt lợi…
Đâu rồi cái hào hoa, trang nhã, biết nói lời văn vẻ dễ nghe của người Hà Thành năm ấy? Ngày nay chỉ thấy người ta chửi nhau vì mớ rau con cá, lấn lướt nhau vì 2 giây đèn đỏ đèn vàng…
Đâu rồi cái tình làng nghĩa xóm, việc nghĩa tình người của người Thăng Long? Ngày nay chỉ thấy nhà ai cũng cửa đóng then cài, bước ra khỏi cửa là dè chừng xét nét nhau từng chút một…
Phải chăng chúng ta đang cố làm ra vẻ hiện đại, mà quên mất thứ giá trị gọi là “văn minh”?
Lại có người an ủi: Bạn không thấy sao, đời sống Hà Nội bây giờ rất đủ đầy dư dả, đường phố Hà Nội rất đẹp rất sang, các tòa cao ốc cũng mọc lên như nấm sau mưa – Chẳng phải Hà Nội ngày càng văn minh và hiện đại đó sao, hơi đâu hoài niệm về những lề thói xưa cũ?
Nhưng tôi thì nghĩ, “hiện đại” đúng là hiện đại hơn nhiều thật, nhưng “văn minh” thì có lẽ chưa.
Đời sống Hà Nội bây giờ rất đủ đầy dư dả nhưng hiện đại không có nghĩa là sẽ văn minh. (Ảnh zing.vn)
Nhiều chục năm về trước, một linh mục người Pháp là Gérard Gagnon vì yêu văn hóa Việt Nam mà viết nên cuốn Hồn Việt (1959). Vị linh mục Tây phương sống cách chúng ta gần một thế kỷ ấy đã tách bạch rõ ràng ‘hiện đại’ và ‘văn minh’:
Chúng ta đang mải mê khoác lên mình chiếc áo choàng “hiện đại”, mà không nhận ra rằng chiếc áo chỉ tô vẽ vẻ hào nhoáng bên ngoài, chứ không thể làm nên sự cao quý bên trong. Một con người cao quý và có văn minh không phải là vì mặc lên người những bộ cánh sang trọng, sống trong những nhà lầu cao sang, hay đi lại bằng thứ siêu xe đắt tiền… Mà là, dẫu mặc áo phai màu hay hàng hiệu thì vẫn biết đặt mình ở phía sau người khác, dẫu sống trong lều tranh hay biệt thự thì vẫn biết quên mình cho lợi ích cộng đồng, và dẫu đi hai bánh hay bốn bánh thì vẫn biết rằng đức hạnh, danh dự, và phẩm giá còn quan trọng hơn cả vật chất tiền tài.
Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết này bằng lời nhận xét rất giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của tác giả Hoàng Đạo Thúy:
“Nói chung ai cũng thấy là vẻ ‘thanh lịch của Trường An’ là phải gìn giữ. Mỗi thời có một luồng người địa phương hay đến kinh kỳ, đem những tinh hoa của quê nhà, góp vào phong cách thủ đô, nhưng cũng thấy ngay là cần phải quen với vẻ thanh lịch của kinh kỳ, mới thành người thủ đô thật”.
— Hà Nội thanh lịch, Hoàng Đạo Thúy
Nguồn: Quỳnh Như
DKN.tv