Mới học hết lớp 7, nhưng ông Phạm Văn Hát (45 tuổi, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp, như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi. Trong đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm ông tâm huyết và được nhiều người không chỉ trong nước mà ngay cả Đức, Mỹ cũng quan tâm.
Ông Hát cho biết, mỗi năm ông bán vài chục chiếc với giá 35 triệu đồng cho người Việt và 3.500 USD khi xuất sang Đức hoặc Mỹ. Robot gieo hạt đã được bán đi 14 nước. “Đạt thành quả như hôm nay, tôi và gia đình đã trải qua bao nhiêu gian truân, có lúc tưởng không thể gượng dậy”, ông nói.
Ông Phạm Văn Hát đang chỉnh sửa máy. (Ảnh: GTVT)
Cơ duyên chế tạo máy móc đến với anh là từ quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sau khi thua thiệt 4 tỉ đồng đầu tư cho sản xuất rau sạch.
Anh Phạm Văn Hát chia sẻ trên báo Lao Động: “Một hôm, ông chủ Israel yêu cầu tôi đi rải phân bằng dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng trong thời tiết nắng nóng. Tôi vất vả làm được 2 ngày đầu, mỗi ngày uống hết 12 lít nước.
Máy gieo hạt của anh Phạm Văn Hát. (Ảnh: Dân Việt)
Đến ngày thứ 3 chịu đựng không được nữa, tôi liền đề xuất được thiết kế chiếc máy giúp thay thế nhân công nhưng do không biết ngoại ngữ nên tôi ra hiệu với ông chủ. Hiểu ý tôi, ông chủ hỏi lại: “Liệu anh có làm được chiếc máy đó không? Nó có thể thay thế được bao nhiêu người?”.
Nghe ông chủ hỏi vậy, tôi gật đầu, trong đầu tôi nghĩ là chiếc máy này có thể thay thế được khoảng 15, 20 người nhưng không biết tiếng nên giơ hai bàn tay (ý nói máy thay thế được 10 người).
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. “Robot đặt hạt” của anh thay thế được cho 40 người làm việc.
Chiếc máy này đã có mặt không chỉ ở 63 tỉnh, thành thị trong nước, đặc biệt là còn chiếm lĩnh nhiều thị trường 14 quốc gia khác, trong đó có nhiều nước có nền khoa học kĩ thuật hiện đại như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan….
Anh Hát cho biết: “Nhiều người trả 5 tỉ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán. Bởi tôi nghĩ, đó là tâm huyết của tôi.
Máy phun thuốc trừ sâu của anh Phạm Văn Hát. (Ảnh: Báo Hải Dương)
Anh còn chế tạo ra máy phun thuốc sâu đặc biệt, thay cho vài chục người, giá thành nếu như ở nước ngoài tầm 400 triệu đồng, thì giá của anh Hát là 65 triệu đồng.
Từ chối sang Mỹ, Israel làm việc vì chí làm giàu
Nhắc lại câu chuyện đi làm bên Israel, ông Hát chia sẻ trên Dân Việt: “Năm 2010, tôi lỗ gần 3 tỷ đồng do thuê 3 ha trồng rau sạch nhưng thời tiết không thuận, thiếu vốn, không có đầu ra ổn định nên thất bại nặng nề.
Nên tôi quyết định đi xuất khẩu sang Israel, sang đây tôi không phải làm kinh tế mà học cách làm nông nghiệp của họ, khi sang đó tôi thấy nền nông nghiệp của họ dù hiện đại nhưng vẫn dùng thủ công.
Mỗi khu vực phải có ba người cầm cuốc “đuổi theo” cái xe kéo phân, cứ một đoạn lại bổ một nhát hất phân xuống ruộng, chỗ dày chỗ mỏng tùy theo sức của từng người.
Làm được vài hôm mệt, nên tôi đã xin phép ông chủ trang trại được thiết kế một thiết bị rải phân tự động gắn vào sau chiếc máy kéo và cũng đã thành công”.
Anh Phạm Văn Hát (áo trắng) giới thiệu về Robot đặt hạt. (Ảnh: Lao Động)
Sau đó, theo ông Hát kể thì hội đồng thẩm định của nhà nước Israel đến tận cánh đồng để thực nghiệm “Máy của Hát” và cấp bằng sáng chế cho ông, đồng thời cấp cho ông chủ một khoản “thù lao sáng tạo” hạng trung lưu và mỗi năm một chuyến du lịch châu Âu. Về phía chủ trang trại cũng thưởng ngay 5.500 USD, điện thoại và máy tính.
Tuy nhiên, tôi nghĩ làm thuê không có sức làm giàu, nếu giả lương 50 triệu đồng/tháng, cả năm cũng chỉ được 500 triệu đồng, không thể trả nợ, nên tôi về nước. Vừa rồi có tập đoàn máy nông nghiệp bên Mỹ tháng trả 140 triệu đồng, chỉ việc ngồi, nhưng tôi không muốn đi”.
Mới đây, nhà sáng chế chân đất này cho biết đang tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu dòng sản phẩm bán tự động thứ hai là máy phun thuốc trừ sâu. Trong vòng một giờ đồng hồ, chiếc máy này có thể phun cho 3ha ruộng. Giá thành chiếc máy chỉ từ 50 – 70 triệu đồng/máy.
Đúng là nhà nông như anh thì nhiều kỹ sư Việt Nam cũng phải thán phục!
Nguồn: Trí thức Trẻ