Gần 19 năm tâm huyết với công việc bảo tồn di sản Huế, Andrea Teufel (CHLB Đức) - Thạc sĩ bảo tồn và phục hồi xem Huế như là quê hương thứ hai của mình.
Là một trong những chuyên gia hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức tham gia trùng tu, bảo tồn khu di sản Huế, bà Andrea Teufel và cộng sự đã đạt được giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời, đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ toàn quốc năm 2018 và được vinh danh là một trong những trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, Thạc sĩ Andrea Teufel đã có buổi trao đổi và chia sẻ về quá trình sinh sống, làm việc tại "quê hương thứ 2" cố đô Huế và những cảm nhận về Tết Việt.
Chào bà Andrea Teufel , bà có thể chia sẻ về cuộc sống và công việc của một chuyên gia văn hóa tại Việt Nam?
Bà Andrea Teufel: Năm 2003, lần đầu tiên tôi đến Huế với nhiệm vụ tu sửa những bức bích họa trong Cung An Định. Dự án này nằm trong chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Đức tài trợ. Đến nay đã được gần 19 năm.
Từ đó, nước Đức tiếp tục tài trợ những dự án hợp tác của Hội Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa (GEKE) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, nhằm mục đích gìn giữ Huế như thành phố di sản thế giới.
Tính đến nay, đã có 5 dự án trải dài nhiều năm, mỗi một dự án với một chủ đề chuyên môn và nội dung khác nhau. Tuy nhiên tất cả các dự án đều cùng chung một khái niệm về sự chuyển giao phối hợp và ứng dụng trực tiếp những kiến thức thực tiễn và lý thuyết về một phương thức bảo tồn - tu sửa dựa trên khoa học và thực nghiệm cho những người tham gia dự án về phía Việt Nam.
Th.S Andrea Teufel (CHLB Đức) nhận tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thủy Tiên).
Cái khởi đầu được xem là nhiệm vụ nhỏ bé dài 3 tháng trong một thành phố Á châu ở miền Viễn Đông ấy, lại thay đổi đời tôi sâu xa đến nỗi, nơi chốn này giờ đây với năm tháng đã trở thành trung tâm điểm trong đời sống và công việc của tôi.
Không phải đơn giản, với tư cách là một người Âu châu phái nữ, có thể hiểu thấu nền văn hóa Á châu, đặc biệt nền văn hóa Việt Nam, và còn đặc biệt hơn là nền văn hóa Huế. Nhưng nhờ vào lòng yêu thích vốn có, tôi đã luôn cởi mở, quan tâm và sẵn sàng nhập cuộc và thích nghi.
Tôi học hỏi được thêm thông qua công việc hàng ngày gần gũi với đội ngũ người Việt và những đồng nghiệp khác, chẳng hạn như những đồng nghiệp từ Đại Học Huế và những người bạn của tôi. Điều ấy làm tôi thích thú và càng lúc càng thấy thú vị hơn.
Hiện tôi đang sống với Leopold, phu quân của tôi, mười năm trước anh ấy đã từ Pháp về Huế cùng tôi, và với chú chó Việt Nam Loulou 16 tuổi, chúng tôi thực sự rất thích ở đây, bên bờ Sông Hương thơ mộng này.
Bà có thể chia sẻ một số thành tựu mà Bà đã đóng góp cho Huế qua quá trình thực hiện công tác trùng tu di tích. Qua những dự án mà Bà đã tham gia đó, điều gì khiến Bà thấy tâm đắc nhất?
Bà Andrea Teufel: Đối với tôi thành phố Huế đem đến rất nhiều nhiệm vụ và thử thách vô cùng thú vị. Ở đây có thể xác định khu vực căng thẳng nằm trong sự khó khăn bảo tồn những chất liệu dễ hư hoại và những kiến trúc được xây cất bằng những chất liệu ấy trong điều kiện thời tiết chỉ thuận lợi cho sự tàn phá, cộng thêm những đòi hỏi và hậu quả của hàng loạt những dòng khách thăm viếng ồ ạt.
Làm thế nào để những di tích văn hóa và những công trình kiến trúc có một không hai, dễ bị hư hại ấy có thể chịu đựng được những sức ép, được bảo tồn một cách trung thực, được cống hiến và trao truyền cho du khách đầy ấn tượng và thú vị? Câu hỏi ấy làm nên mục tiêu nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn, tu sửa, bảo quản và là trọng tâm chính trong công việc của tôi.
Chẳng hạn, những đồng nghiệp Việt Nam và tôi đã triển khai một phương pháp đáng tin cậy thích hợp trong mọi tình huống để khôi phục những kỹ thuật trang trí và trát vôi truyền thống của Việt Nam, được tìm thấy đặc biệt ở những di sản kiến trúc của triều Nguyễn, quá trình này kéo dài nhiều năm. Với công trình này và cách chúng tôi trao truyền phương pháp ấy cho những người tham gia dự án trong thời gian dài, chúng tôi đã được HUSTA và VUSTA trao giải thưởng sáng tạo hạng 3 vào năm 2018.
Th.S Andrea Teufel và cộng sự ở dự án khôi phục Điện Phụng Tiên (Ảnh: nhân vật cung cấp).
19 năm gắn bó với đất cố đô Huế, trải qua nhiều cái Tết cổ truyền Việt Nam, bà có cảm nhận như thế nào về Tết ở Việt Nam?
Bà Andrea Teufel : Càng ở lâu hơn tại Việt Nam, tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của lễ Tết đối với người Việt Nam. Mọi người đều quây quần lại với nhau nơi chốn cội nguồn và nơi trung tâm của gia đình.
Người ta trao đổi với nhau về những kinh nghiệm và trải nghiệm của năm cũ cũng như những ước mơ và mục đích của năm mới. Những món ăn truyền thống được chuẩn bị, được đưa ra mời nhau và cùng thưởng thức, và theo nghi thức đã được định sẵn những người quan trọng được thăm viếng và tiếp đón.
Những bánh xe hàng ngày quay nhanh nay dừng lại yên lặng và người ta dành thì giờ để gặp nhau và vui chơi. Điều ấy làm cho tôi nhớ đến những ngày từ lễ Giáng sinh đến năm mới ở bên Tây phương. Sự bận rộn rối rít, tất bật và sự chuẩn bị rộn ràng những tuần trước đó lắng xuống trong sự thư giãn thoải mái, để bắt đầu một năm mới. Điều ấy cũng giống như ở nước Đức. Tôi cảm nhận được đó là một khoảng thời gian đẹp, quan trọng và rất đặc biệt.
Gia đình bà đón Tết ở Việt Nam thế nào? Bà có những kỷ niệm đáng nhớ nào muốn chia sẻ về trải nghiệm ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?
Bà Andrea Teufel: Thành thật mà nói đối với chúng tôi thì những ngày giữa lễ Giáng sinh và Tết Tây luôn quan trọng hơn là Lễ Tết. Chắc chắn chỉ vì những ngày lễ này đã bén rễ sâu trong chúng tôi. Nhưng dĩ nhiên, vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, chúng tôi cũng gặp gỡ bạn bè.
Tết nguyên đán năm nay, chúng tôi đã thiết kế một trò chơi dựa trên những mô típ truyền thống của nghệ thuật triều Nguyễn, trò chơi này sẽ góp phần thú vị vào việc bảo tồn di sản văn hóa này luôn sống động.
Bà Andrea Teufel vẫn đang miệt mài với những dự án tu bổ di tích cố đô Huế (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bà có dự định nào trong năm mới?
Bà Andrea Teufel: Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cho dự án hiện thời, khôi phục và triển khai Điện Phụng Tiên trong Đại Nội, dự án này đã được dự thảo từ năm 2017 cho đến năm 2026. Trong dự án này chúng tôi đi những bước đường mới. Chúng tôi bảo tồn những tàn tích, phục hồi những kiến trúc đang tồn tại và sẽ tái hiện những gì chưa được bảo tồn bằng những chứng nhận lịch sử tại chỗ nhờ vào phương tiện phóng chiếu, kỹ thuật số và nghệ thuật. Nhờ thế Điện Phụng Tiên sẽ lý thú và có thể trải nghiệm được trong tương lai.
Và rồi tôi sẽ rất sung sướng, hi vọng sẽ gặp lại nước Đức sau 2,5 năm bị gián cách do dịch Covid-19, và gặp lại gia đình, nhất là được ôm bà mẹ 77 tuổi của tôi trong vòng tay mình.
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho báo Dân trí và độc giả với cuộc phỏng vấn này!
Nguồn: Báo điện tử Dân trí