Sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2019, xuất hiện thông tin một nhóm nhà khoa học trẻ đã gửi thư lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự “ấm ức” với những đánh giá của hội đồng xét duyệt.

Theo đó, một số ứng viên có lý lịch khoa học sáng giá với nhiều công trình được công bố quốc tế và có bằng phát minh sáng chế; thậm chí, có người với lý lịch gần 60 bài báo quốc tế nhưng vẫn bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận GS, PGS năm nay.

Điều này đã khiến các ứng viên cảm thấy vô cùng hoang mang, thất vọng và mong muốn được giải thích rõ lý do bị “đánh trượt”.

Chuyên gia cho rằng cần thiết phải tuân thủ các tiêu chuẩn cứng trong việc xét chọn GS, PGS để đảm bảo chất lượng đội ngũ này.

Trao đổi với báo chí ngày 18/11, đại diện Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, việc 7 ứng viên giáo sư, 9 ứng viên phó giáo sư - dù được hội đồng ngành/liên ngành thông qua nhưng đến vòng xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn bị “đánh trượt” - là do các ứng viên thiếu tiêu chuẩn cứng.

Bởi lẽ, theo quy định mới (Quyết định 37), việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải dựa trên 5 tiêu chuẩn cứng là có công bố quốc tế; có hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; thâm niên đào tạo và chủ trì biên soạn sách đào tạo (không bắt buộc với ứng viên phó giáo sư).

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện này, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn khẳng định, những tiêu chuẩn cứng để xét công nhận GS, PGS là cần thiết và bắt buộc phải tuân thủ.

Phân tích cụ thể, GS Phố cho hay, ở nước ngoài, người đã được công nhận là GS, PGS rất quan trọng. Thường trong một bộ môn chỉ có 1 GS làm trưởng bộ môn, khoảng 2-3 người là PGS, còn lại là các nhà nghiên cứu, trợ giảng.

42 1 Tieu Chuan Cung Xet Gs Pgs De Khong Lam Phat
Theo chuyên gia, việc tuân thủ các tiêu chuẩn cứng trong xét công nhận GS, PGS là cần thiết để đảm bảo chất lượng các chức danh này

Một thời gian dài ở Việt Nam xảy ra tình trạng "lạm phát" GS, PGS, việc xét chọn còn thiếu nghiêm túc dẫn đến giá trị của chức danh khoa học này không đúng như kỳ vọng của người dân.

"Sự dễ dãi trong xét chọn khiến số lượng PGS và cả GS tăng vọt. Tôi biết một số trường, kể cả trường đại học lớn, ứng viên đủ 5 tiêu chuẩn nhưng chưa đến mức đầy đủ giá trị của nó vẫn được cho qua vì có cảm tình cá nhân.

Các chức danh GS, PGS là chức danh của nhà giáo, do đó ứng viên phải thực hiện song song cả 2 nghĩa vụ nghiên cứu và đào tạo, các chức danh này phải có chất lượng để xã hội, nhất là học sinh tôn trọng. Cho nên, ngoài bài báo nghiên cứu khoa học, thâm niên giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, đã là PGS rồi thì việc tham gia biên soạn SGK là hết sức cần thiết.

Ngay các nhà giáo ở trường tư cũng vậy. Ở trường tư, các điều kiện về giảng dạy, giờ giảng, tham gia phòng thí nghiệm, trang bị về kỹ thuật...đều phải đáp ứng, cho nên các ứng viên có thể làm được, thậm chí các GS, PGS ở trường tư có thể tham gia giảng dạy ngược lại ở các trường công.

Vì lẽ đó, các tiêu chuẩn cứng là cần thiết, không nên vì lý do này kia mà du di", GS.TSKH Phạm Phố nói.

Trước thông tin có ứng viên có nhiều công trình được công bố quốc tế và có bằng phát minh sáng chế nhưng vẫn bị loại khỏi danh sách được đề nghị xét công nhận GS, PGS, nguyên Hiệu trường trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn chỉ rõ, đánh giá GS, PGS không chỉ đánh giá về tài năng. Tài năng là một chuẩn mực khác, có thể người đó giỏi nghiên cứu, phát minh và được thưởng, được tôn vinh vì những nghiên cứu, phát minh ấy. Thế nhưng, người ấy có được công nhận là PGS hay GS hay không thì... chưa chắc.

"Như đã nói, PGS, GS là tài năng trong ngành giáo dục, được xem như chuẩn mực. Trước đây, ở ta có cái sai, đó là ứng viên là bộ trưởng, thứ trưởng thì không có trượt PGS hết. Đó là vì người ta đã bỏ qua yêu cầu nghiên cứu khoa học, bỏ qua các bài báo quốc tế. 

Bây giờ quy định lại, phải giới hạn các quan chức nghiễm nhiên được công nhận là PGS, anh có đủ tiêu chuẩn thì được đưa vào "barem" đó.

Ở các nước, các nhà nghiên cứu, ngoài PGS, GS thì có nghiên cứu viên chính và giám đốc nghiên cứu. Tài năng đánh giá ở chỗ này. Nhiều người rất giỏi nhưng không vào thang bậc đó, cho nên phải rõ ràng, nếu chen được thì ai cũng muốn chen vào", GS.TSKH Phạm Phố nêu rõ.

Thành Luân

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC