Người dân Hà Nội đổ ra đường đêm 20-1 mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước Iraq. Ảnh: TTXVN
Theo bức ảnh chụp lại quyết định của Công ty KA được ký bởi tổng giám đốc, với nội dung về việc cổ vũ đội bóng đá U23 của Việt Nam trong trận đấu tại vòng bán kết với Qatar – sẽ diễn ra vào lúc 15h (giờ Việt Nam) ngày 23-1 tại Thường Châu, Trung Quốc.
Quyết định này ngoài việc cho phép toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty được nghỉ làm việc từ 13h ngày 23-1 để cổ vũ cho đội tuyển U23 Việt Nam còn cho phép thêm một ngày nghỉ 24-1 nếu đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng tại vòng bán kết, “vì lý do tổ chức lễ ăn mừng sau chiến thắng”.
Trên thực tế, việc một doanh nghiệp tư nhân cho phép nhân viên của mình được nghỉ làm việc để đi xem và cổ vũ cho đội tuyển quốc gia trong một môn thi đấu quốc tế nào đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật và nằm trong thẩm quyền của ban lãnh đạo doanh nghiệp đó.
Các quyết định tương tự của một số doanh nghiệp trong ngày 22-1 đang tạo ra những cuộc tranh luận trên mạng với những ý kiến nhiều chiều.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của công ty nói trên, cùng sự kỳ vọng lớn lao vào việc đội tuyển Việt Nam sẽ mang về niềm vinh quanh cho đất nước qua chiến thắng tại trận bán kết của giải bóng đá khu vực châu Á.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng những quyết định này sẽ tạo ra những thông điệp tiêu cực trong xã hội.
Chuyên gia tư vấn và đào tạo doanh nghiệp Phan Minh Cường, cho biết từ sự việc trên, một nhóm cộng đồng các nhà quản lý nước ngoài, thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có văn phòng, nhà máy đặt tại Việt Nam, đã đặt ra ba câu hỏi.
Thứ nhất, đất nước và nền kinh tế sẽ đi về đâu khi khá nhiều người lao động chọn đi cổ vũ bóng đá quan trọng hơn việc làm.
Thứ hai, một doanh nghiệp mà sẵn sàng cho nhân viên nghỉ việc để đi cổ vũ bóng đá thì liệu có phải là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hay không; và những khách hàng, đối tác của doanh nghiệp này sẽ nhìn doanh nghiệp này với cái nhìn như thế nào.
Và cuối cùng, nếu một doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới, mà người nộp đơn xin ứng tuyển đã từng làm đơn xin nghỉ làm để cổ vũ bóng đá lúc còn làm việc cho doanh nghiệp cũ, vậy doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có nhận nhân sự này vào làm việc hay không.
Ông Cường, hiện là giảng viên cao cấp của Trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp CBAM (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), kể lại một trường hợp ông đọc được thông tin trên mạng Internet, về việc một diễn đàn đăng tải lá đơn xin nghỉ học của một nữ sinh lớp 12 ở Thanh Khê (Nghệ An) xin nghỉ học hôm 30-11-2017 để đi xem trận thi đấu lượt về giải quốc gia giữa đội bóng Sông Lam Nghệ An và Becamex Bình Dương trên sân Vinh.
Khi đó, các giảng viên trong nước và nước ngoài đang giảng dạy tại Việt Nam cũng từng đặt ra hai câu hỏi trong chính buổi trao đổi nghiệp vụ của mình.
Thứ nhất, nếu một doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới thì họ có tuyển dụng người nộp đơn xin ứng tuyển vào doanh nghiệp mà đã từng làm đơn xin nghỉ học để cổ vũ bóng đá lúc còn đi học hay không.
Thứ hai, tương lai của học sinh đã từng làm đơn xin nghỉ học để cổ vũ bóng đá lúc còn đi học có tươi đẹp hay không.
Quay trở lại với câu chuyện đo lường những thiệt hơn trong mỗi doanh nghiệp giữa việc xây dựng tính chuyên nghiệp trong lao động và cách thức thể hiện tình yêu bóng đá lồng ghép trong niềm tự hào “màu cờ sắc áo”, thật khó để đưa ra một câu trả lời mang tính thuyết phục, bởi mỗi tổ chức đều có quan điểm riêng.
Thế nhưng, đặt trong bối cảnh chung của Việt Nam, một nền kinh tế mà năng suất lao động bị đánh giá ở mức thấp thì chúng ta phải đối mặt với một yêu cầu cấp thiết về cải thiện chất lượng lao động.
Và điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu có chính sách giáo dục đào tạo hiệu quả, trong đó cả Nhà nước và doanh nghiệp đều đóng vai trò quan trọng.
Mời bạn đọc quan tâm chia sẻ ý kiến về vấn đề này.
Nguồn: An Yên - Saigon Times