Những đứa trẻ mặt đỏ ửng, rộp nẻ, chìa bàn tay lạnh cóng ra để bán hàng - Ảnh: NAM TRẦN
Trong mưa rét, trẻ em được các bà mẹ đẩy ra đường để bán hàng rong - Ảnh: NAM TRẦN
Trở lại Sa Pa những ngày cuối năm, khách du lịch không còn nghe thấy tiếng phát loa kêu gọi từ chiếc xe lưu động như năm trước.
Thay vào đó là tin nhắn từ UBND thị xã Sa Pa tới điện thoại du khách với thông điệp quen thuộc "Không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin. Không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám".
Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Thị Vượng - trưởng Phòng Thông tin và Văn hóa thị xã Sa Pa - cho biết đây là một trong những giải pháp mà thị xã đang triển khai để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trẻ em đeo bám, chèo kéo khách du lịch.
"Chim non cõng mẹ"
Đêm 29-12, thị xã Sa Pa chìm trong sương mù, mưa phùn, trời rét 5 độ C. Hàng trăm du khách khoác lên mình những chiếc áo dày cộp, đội mũ, quàng khăn kín mít dạo chơi.
Chiếc xe điện du lịch chở chừng 15 du khách dừng trước cửa nhà thờ Đá. Năm đứa trẻ chừng 3 đến 7 tuổi chạy tới.
"Mua cho cháu đi, mua cho cháu đi", một bé gái chừng 7 tuổi địu theo em sau lưng chìa bàn tay với mấy chiếc túi thổ cẩm, móc khóa, nài nỉ các du khách.
Cách đó không xa, một bé gái chừng 3 tuổi mặt đỏ ửng, rộp nẻ chạy vòng quanh kéo áo mọi người.
Nhiều khách du lịch lắc đầu từ chối, còn các em thì vẫn bám theo, chìa những món đồ lưu niệm và nói "mua cho cháu đi".
Dù tấm biển "Không cho tiền trẻ em lang thang, ăn xin. Không mua hàng từ người chèo kéo, đeo bám" ngay trước mặt nhưng không ít người mủi lòng.
Được mua hàng, cho tiền, những đứa trẻ này chạy về phía những người phụ nữ cầm ô, ngồi bên ghế đá cách đó chừng 20m, đưa tiền rồi lại tiếp tục đeo bám, chèo kéo khách.
Những đứa trẻ chèo kéo khách du lịch - Ảnh: NAM TRẦN
"Thời tiết mưa rét, hình ảnh những em nhỏ đầu trần, áo quần mặc phong phanh, hoặc mặc trang phục dân tộc, có em cõng theo các em nhỏ chỉ vài tháng tuổi trông rất đáng thương. Nếu không mua hàng thì các em đu bám, chèo kéo rất khó chịu, mà cho tiền thì các em khác lại vây kín mời chào" - chị Hương Ly (du khách đến từ Đà Nẵng) nói.
"Hiện tượng trẻ em bán hàng rong đã giảm đáng kể so với trước đây nhưng hiện vẫn có bà mẹ đưa các em lên đây dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo, tuyên truyền.
Tôi thường xuyên chở khách tới nhà thờ và nhiều điểm du lịch khác, trên xe tôi cũng thường dặn mọi người là không mua hàng, cho tiền trẻ em. Tuy nhiên, có du khách vẫn cho vì thương các em" - anh Lý Láo Lở (lái xe điện) chia sẻ.
Còn hơn 20 bà mẹ hoạt động chuyên nghiệp
Theo bà Vượng, qua khảo sát, một trẻ có thể mang về 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày, nếu mang ba đứa trẻ đi bán hàng, chéo kéo khách thì mỗi ngày các bà mẹ có 1,5 triệu đồng.
"Nếu khách du lịch đến Sa Pa vẫn cho tiền, mua hàng của trẻ em thì những bà mẹ này kiếm tiền được thì họ vẫn làm. Thị xã đã cố gắng tạo sinh kế cho họ, nhưng không có sinh kế nào bằng việc dùng trẻ em để bán hàng, đeo bám khách" - bà Vượng nói và cho rằng đây là điều cực kỳ thách thức trong việc chấm dứt tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám khách du lịch.
Không chỉ khuyến cáo du khách, bà Vượng cho biết, năm nay, thị xã Sa Pa thành lập một ban chỉ đạo do phó bí thư thường trực thị ủy làm trưởng ban để huy động toàn bộ các lực lượng tham gia vào tuyên truyền, hợp tác cùng thị xã để lấy lại hình ảnh Sa Pa.
"Ngay khi vào đầu năm học, thị xã đã tổ chức hội thảo ở các trường trọng điểm có trẻ em thường xuyên chèo kéo, đeo bám để tuyên truyền nâng cao ý thức tự tôn văn hóa, tự tôn dân tộc.
Đồng thời, nhà trường và các cha mẹ học sinh ký cam kết không đưa con em đi bán hàng rong. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các thầy cô giám sát, trông coi các học sinh.
Thị xã cũng giao nhiệm vụ cho chính quyền các xã phường sẽ phải thăm nắm được danh tính các trường hợp tham gia chèo kéo, đeo bám" - bà Vượng nói.
Theo bà Vượng, với nhiều giải pháp đã triển khai, tỉ lệ trẻ em chèo kéo, đeo bám đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, thị xã đang cảm thấy khó chấm dứt bởi có trên 20 bà mẹ hoạt động dạng chuyên nghiệp thường xuyên đưa hai, ba đứa trẻ đi chèo kéo, đeo bám khách du lịch.
"Những bà mẹ này rất khó tiếp cận, tuyên truyền nhưng không nghe. Điều này làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, đặc biệt các em không được đi học, sớm phải lao vào chuyện cơm áo, gạo tiền. Thị xã cũng đã đề nghị cơ quan công an lập một số chuyên án, nghiên cứu xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để trục lợi" - bà Vượng nói thêm.
Hiện có hơn 20 bà mẹ chuyên đưa con em lên trung tâm thị xã để chèo kéo, đeo bám khách du lịch
Mỗi đứa trẻ bán hàng rong mỗi ngày có thể thu về 500.000 đồng đến 1 triệu đồng
Thu nhập cao nên nhiều bà mẹ bất chấp để con đội mưa, rét bán hàng
Không ít du khách vẫn mủi lòng cho tiền các em
Nếu không mua hoặc không cho tiền thì các em đeo bám
Hai đứa trẻ tranh thủ sưởi ấm đôi bàn tay giá lạnh
Việc đẩy trẻ em ra đường bán hàng làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, đặc biệt các em không được đi học
xảy ra tình trạng "cháy" phòng nghỉ. Cao điểm nhất từ ngày 31-12-2022 đến 2-1-2023.
Nguồn: Báo TUỔI TRẺ