Mới đây, kênh truyền hình CNBC của Mỹ đã có phóng sự dài gần 8 phút với tựa đề “Việt Nam không có ai chết vì virus corona. Đây là lý do”.
Khi video được phát lại trên YouTube đã có tới 467.000 lượt xem sau 3 ngày và 3.000 bình luận.
Mở đầu chương trình, kênh truyền hình đã phát sóng hơn 30 năm chia sẻ về ca bệnh nặng nhất trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Đường phố ở các tỉnh thành đã đông đúc trở lại khi giãn cách được nới lỏng
Theo đó, ngày 18/3, phi công 43 tuổi người Anh bị xác định nhiễm nCoV được đưa vào bệnh viện ở TP.HCM. Là bệnh nhân nguy kịch nhất ở Việt Nam, người này trở thành tâm điểm chú ý.
Khi thông tin phổi của phi công bị suy được đưa lên các kênh truyền thông, hơn 50 người Việt đã tình nguyện hiến phổi, các chuyên gia y tế gắng sức khi cả nước tập trung toàn bộ nỗ lực để cứu bệnh nhân.
Chính phủ đã chi ra 200.000 USD để chữa trị cho phi công của Vietnam Airlines (sau đó bảo hiểm đã thanh toán) và cuối cùng anh đã làm được điều tưởng chừng không thể: gần như bình phục hoàn toàn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân đã bình phục ở đất nước không có ai tử vong vì dịch Covid-19 với vài trăm ca dương tính nCoV trong 6 tháng, một kết quả ấn tượng.
Việt Nam đã giữ sạch lưới nhà như thế nào
Khi nghe tin tức về một loại virus giống viêm phổi xuất hiện ở Trung Quốc, Việt Nam lập tức đưa ra những đánh giá cẩn trọng về nguy cơ lây lan, cho rằng đất nước có thể có hàng nghìn ca bệnh và coi việc bùng nổ dịch giống như một cuộc chiến.
Chính phủ Việt Nam đã tiến hành phản ứng theo các giai đoạn.
Ngay từ 10/1, trước khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào 23/1, Việt Nam bắt đầu kiểm tra sức khỏe của những hành khách xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Những ca nghi nhiễm bị cách ly và toàn bộ 97 triệu người dân được yêu cầu đeo khẩu trang trước khi có khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Tất cả người dân Việt Nam đều lo lắng, thậm chí trước khi Việt Nam ghi nhận các ca bệnh”, Ngoc Pham và bạn của cô, Kevin Moulié, đang sống ở TP.HCM, chia sẻ.
“Chính phủ đã thông tin cho chúng tôi rất sớm về tình hình diễn ra ở Trung Quốc. Theo đó, nguy cơ cao virus sẽ lan sang Việt Nam. Chúng tôi nhớ tới dịch SARS xảy ra một vài năm trước. Mọi người nhận thức được về tác động của virus có thể xảy ra”.
SARS - Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng, xuất phát từ miền nam Trung Quốc vào năm 2003 và nhanh chóng lan sang Việt Nam. Cuối năm đó, Việt Nam lại phải chống chọi với một dịch khác - cúm gia cầm.
CNBC phát lại bài hát Ghen được viết lời mới để tuyên truyền về phòng dịch Covid
Khi Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1, các nước Đông Nam Á khác đã sẵn sàng.
Ngày 1/2, Việt Nam là nước đầu tiên dừng mọi chuyện bay từ Trung Quốc và đóng cửa biên giới dài 1.400 km với nước láng giềng ở phía Bắc.
Bước tiếp theo trong chiến lược của chính phủ là tập trung vào tăng cường năng lực xét nghiệm, truyền thông cho công chúng và nỗ lực cách ly.
Từ tháng 1 tới tháng 5, đất nước đã tăng số lượng khu xét nghiệm từ 2 lên 63, tiến hành 260.000 xét nghiệm.
Thêm vào đó, những người có kết quả dương tính nCoV và người tiếp xúc trực tiếp được cách ly tại các doanh trại quân đội, bệnh viện dã chiến và ký túc xá đại học.
“Tôi nghĩ cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội là một trong những yếu tố khiến Việt Nam thành công bởi kiểm soát mọi người trong một khu vực sẽ dễ dàng hơn nhiều”, nhà phân tích Nguyễn Phương Linh cho hay.
Có lẽ chiến dịch khác biệt nhất của chính phủ là việc viết lời lại bài hát “Ghen” để khuyến khích việc rửa tay và vệ sinh chung. Và bài hát nhanh chóng trở thành hiện tượng.
“Tôi nghĩ đó là một cách hay để tiếp cận công chúng và khiến mọi người quan tâm tới chủ đề này. Bài này được phát ở mọi nơi, trong thang máy, hành lang”, Ngoc Pham và Kevin Moulié chia sẻ.
Dù chiến dịch ban đầu là tích cực xét nghiệm, truyền thông và cách ly, Việt Nam vẫn ghi nhận số lượng ca nhiễm mới tăng vọt.
Từ 16 ca trong tháng đầu tiên của dịch, làn sóng thứ hai xảy ra vào ngày 6/3 với 254 ca (tính tới ngày 1/5). Khi con số tăng nhanh, chính phủ tuyên bố đất nước đang trong đại dịch và và thực hiện giãn cách xã hội. Tới 1/5, có khoảng 200.000 người bị cách ly tập trung.
“Nếu bạn so sánh hệ thống y tế công của Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác, tôi nghĩ Việt Nam vẫn có những khoảng trống lớn cần cải thiện. Giải pháp quan trọng nhất trong trường hợp này là cách ly mọi người, hạn chế đi lại và chính phủ đã làm được”, nhà phân tích Nguyễn Phương Linh nói.
Kênh CNBC phân tích kỹ càng về thành công chống dịch của Việt Nam
Ngày 20/1, Bộ Y tế chỉ định 22 bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19. Điều này đảm bảo các bệnh viện khác không bị quá tải.
Việt Nam đang trên con đường hồi phục, nhanh hơn các nước lân cận. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội và tái mở cửa nền kinh tế.
Trên thực tế, các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) xuất phát từ Nhật đã được thực hiện từ cuối tháng 6 sau khi ngừng bay từ tháng 3. Từ tháng 4 tới 20/6, nền kinh tế đã tăng trưởng 0,36% và chính phủ đặt mục tiêu tăng 5% trong 6 tháng còn lại.
Đối với nhiều người, cuộc sống thậm chí dường như đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, Ngọc và Kevin không xem việc tái mở cửa như quay trở lại cuộc sống trước đây mà là “bình thường mới” với những bài học mới.
“Chúng tôi nhận thấy rất nhiều thứ quan trọng hơn như sức khỏe, gia đình, bạn bè. Chúng tôi luôn quá lo lắng. Tôi nghĩ có mọi người để dựa vào là rất quan trọng”, Kevin Moulié nói.
“Bạn nhận ra mình không còn trẻ, bố mẹ bạn cũng đang già đi và luôn có nguy cơ cao. Tôi nhắn tin cho bạn bè rằng nếu khu nhà của họ bị cách ly, họ có thể báo tôi đem đồ ăn tới. Họ cũng nói như vậy với tôi. Nếu bạn không có gia đình ở đây, bạn đã có bạn bè”, Ngoc Pham tâm sự.
Nguồn: Vietnamnet