Huy động mọi nguồn lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
Quay lại quãng thời gian khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19, tờ New York Times cho rằng, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
“Quốc gia này đã sử dụng nhiều công cụ từ tin nhắn, truyền thông đại chúng, quảng cáo, áp phích và loa phóng thanh… liên tục phát đi các thông báo, cảnh báo tới người dân về dịch bệnh”, tờ báo viết.
Ngoài ra, Chính phủ của quốc gia gần 100 triệu dân này đã thực hiện quyết liệt việc truy vết, quản lý, theo dõi, xác định ca bệnh và các ca nghi nhiễm. Việc nhanh chóng phong tỏa các ổ dịch đã giúp tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trên thế giới.
Theo số liệu của trang worldometers.info cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong số các quốc gia có người tử vong vì dịch bệnh, có 4 nước tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân thấp nhất thế giới có tên Việt Nam.
Nhiều tờ báo quốc tế đã có những bài viết ca ngợi về những thành công của Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch, coi Việt Nam là một hình mẫu của thế giới mà các nước cần phải học hỏi. Đến nay, Việt Nam đã qua hơn 40 ngày qua không có trường hợp lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Tờ New York Times nhận định, chính việc kiềm chế đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh và được dự đoán sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Phép màu tiếp theo của châu Á
Trong khi nhiều quốc gia đang phải chịu những tác động gây suy giảm kinh tế, giải cứu tài chính, Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 3%/năm. Tờ báo ấn tượng bởi, sự tăng trưởng của Việt Nam có được là do thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp bối cảnh khó khăn của thương mại toàn cầu.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, những quốc gia được coi là "phép màu châu Á" bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - đã vươn lên và trở thành các cường quốc sản xuất, xuất khẩu hàng đầu. Những nước này đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20% mỗi năm - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở thời điểm đó.
Giờ đây, Việt Nam cũng đang đi theo con đường phát triển của những nước này, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới - thời đại toàn cầu hóa nhanh với dòng chảy thương mại và đầu tư gia tăng.
Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên trong suốt 3 thập kỷ, kể cả vào những năm 2010, khi thương mại toàn cầu sụt giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16% mỗi năm, thuộc loại nhanh nhất trên thế giới, gấp 3 lần mức trung bình của các quốc gia mới nổi. Việt Nam dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng đường xá, bến cảng nhằm đưa hàng hóa Việt ra thế giới.
Việc Chính phủ đầu tư khoảng 8% GDP cho các dự án xây dựng mới đã đem lại cho Việt Nam chất lượng cơ sở hạ tầng cao hơn so với các quốc gia ở giai đoạn phát triển tương tự. Điều này đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trung bình hơn 6% GDP tại Việt Nam, mức cao nhất so các quốc gia mới nổi, trong đó phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên gần 3.000 USD/ người. Lĩnh vực công nghệ đã vượt qua dệt may để trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2015, và chiếm tỷ trọng lớn trong thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay.
Mới đây, Việt Nam ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), từ đó khẳng định tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực.
Mặc dù vẫn còn đó những nguy cơ trên con đường đi tới, nhưng giờ đây, Việt Nam giống như một kỳ tích để vươn lên thịnh vượng.
Trần Hải (Theo New York Times)
Nguồn: suckhoedoisong.vn