Sách giáo khoa là gánh nặng của phụ huynh khi vào năm học mới Ảnh: Hoàng Triều
Khác với Việt Nam, học sinh ở nhiều nước được phát hoặc cho mượn sách giáo khoa (SGK), giúp tiết kiệm khoản tiền lớn. SGK điện tử cũng xuất hiện để người học có thêm lựa chọn.
Dùng hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm để in sách giáo khoa không chỉ tốn kém, lãng phí sách mà còn sai mục tiêu giáo dục, đi ngược lại với thế giới
Lạ lùng SGK chỉ dùng một lần
Bộ sách Family and Friends Special Edition và tài liệu bổ trợ đi kèm của học sinh TP HCM có giá 250.000 đồng /bộ nhưng không thể tái sử dụng Ảnh: TẤN THẠNH
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, SGK từ tiểu học đến THPT đều yêu cầu học sinh làm thẳng bài vào SGK. Cụ thể, đối với học sinh lớp 4, ở môn toán, ngay ở bài đầu tiên, học sinh đã phải làm vào sách các bài toán trong phạm vi 100.000.
Các trang tiếp theo, trang nào cũng in sẵn các phần bài tập cho học sinh làm bài ngay vào sách. Học sinh chỉ việc viết các phép tính vào sách, thay vì sách bài tập hay vở toán được sử dụng để ghi bài giảng của giáo viên trên lớp. Đối với các bài toán đố, người biên soạn sách đưa ra các phương án kết quả để học sinh khoanh tròn, kiểu làm bài trắc nghiệm.
Điều đáng nói là học sinh đã làm bài trực tiếp vào SGK nhưng các phụ huynh vẫn phải mua thêm sách bài tập do NXB Giáo dục phát hành cho con theo yêu cầu của nhà trường, mặc dù những cuốn sách bài tập này học sinh rất hiếm dùng đến hoặc bỏ không đến tận cuối năm.
Trưởng Ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc SGK chỉ dùng một lần, quá lãng phí.
Bà Hải cho hay qua tìm hiểu, tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1.041 tỉ đồng, năm 2016 là 1.147 tỉ đồng, năm 2017 là 1.203 tỉ đồng.
Năm 2018-2019, NXB này đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK và 100 triệu bản sách này sang năm không dùng được, chỉ để bán đồng nát.
Theo bà Hải, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng mua SGK do những quyển sách này chỉ dùng một lần vì có phần bài tập đi kèm, buộc học sinh (HS) phải ghi bài giải trực tiếp vào sách.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, cử tri và đại biểu QH đã nói rất nhiều lần về vấn đề này nhưng chưa có chuyển biến nên trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này, đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quan tâm nội dung trên. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng chung quan điểm này và cho rằng trong việc xuất bản, sử dụng SGK đang có sự bất hợp lý và lãng phí lớn cho xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 12-9, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho hay thời của ông, 4-5 thế hệ HS cùng học chung một bộ sách vì thế ông dị ứng với việc xài sang SGK kiểu một lần rồi bỏ, nhất là trong lúc đất nước còn nghèo.
"NXB nhìn dưới góc độ của doanh nghiệp, doanh thu càng lớn thì càng thích, còn mình thì nhìn dưới góc độ của người tiêu dùng nên có sự vênh nhau" - TS Khuyến cho hay.
Ông cũng cho rằng để có doanh thu lớn, những người làm sách đã bày nhiều chiêu trò để bán được nhiều sách.
"Ngay cả sử dụng giấy cũng vậy. Giấy cực tốt mà chỉ dùng một lần là rất đáng tiếc. Đó không phải là cách làm của người có trách nhiệm với đất nước. Dù có được ưu ái trong việc làm SGK thì vẫn phải cân đối cho vừa phải" - ông Khuyến nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, nhận xét việc cho HS viết vào SGK là "lạ lùng", quá lãng phí.
Phụ thuộc vào SGK là thất bại
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho biết ở Mỹ khi HS đến trường, nguyên tắc của họ là sách được dùng đi dùng lại, HS không được viết, vẽ vào sách, để khi kết thúc năm học, những đầu sách được gom về thư viện để dùng cho các khóa học sau.
Theo bà Quyên, việc các nhà quản lý đưa lý do cho HS viết ngay vào sách theo hướng cá thể hóa là đánh tráo khái niệm, không có nền giáo dục dạy học theo hướng cá thể như cách lý giải đó. Cách khẳng định mỗi bộ sách biên soạn sử dụng trong 10 năm là hoàn toàn sai lầm.
Trong thời đại phát triển, sách biên soạn năm nay, năm sau có thể đã lạc hậu. Nhưng ở các nước, cách họ cập nhật những kiến thức mới không giống chúng ta, họ tận dụng triệt để công nghệ thông tin, không cần giáo trình trên giấy.
Những tài liệu hoàn toàn có trên mạng, HS có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn chứ không tập trung vào SGK. Việc phụ thuộc vào SGK là đi ngược với xu hướng thế giới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Bà Quyên cũng cho rằng chúng ta tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng để rồi khiến HS đóng khung trong sách, phụ thuộc sách. "Bộ GD-ĐT kêu gọi dạy học theo hướng tích hợp, liên môn mà hiện nay còn tổ chức biên soạn từng cuốn riêng lẻ. Chỉ nên biên soạn những cuốn sách không biến động theo thời gian như lịch sử, địa lý" - bà Quyên nói.
Một chuyên gia giáo dục khác cho rằng việc đưa ra nhiều sách sẽ có tác dụng nếu như với điều kiện đội ngũ giáo viên hiện nay đủ trình độ hoặc người quản lý đủ tầm để có một hướng dẫn chi tiết sách bài này thì dùng sách nào, phần mềm bổ trợ nào chứ không phải đẩy khó cho giáo viên khi phải lựa chọn giữa một rừng sách.
Còn nếu người thầy thực sự giỏi, họ không phụ thuộc vào SGK. "Chương trình giáo dục mà phụ thuộc vào SGK là chương trình thất bại" - vị này cho biết.
Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông, thống kê lưu chiểu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam cho thấy năm 2016, SGK đăng ký 424 đầu sách với 188.788.810 bản (chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm 56,7% bản sách so với toàn ngành).
Năm 2017, con số cụ thể là 675 đầu sách với 159.402.910 bản (chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách toàn ngành xuất bản).
Theo ông Hòa, mỗi năm số lượng SGK được in ra là rất lớn và việc HS không tận dụng được sách cũ là rất lãng phí.
Nguồn: Báo Người Lao Động