Mừng tuổi bằng những phong bao lì xì mà ở đó giá trị về mặt vật chất được đề cao hơn ý nghĩa là điều cần tránh, thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM - nhận định.

1 Co Nen Coi Tet La Dip Cac Con Thu Hoach Li Xi

Cụ già bán trống quay tay cho một em nhỏ mẹ bế trên tay. Đấy là món quà Tết nho nhỏ hay được bán trong các dịp áp Tết - Ảnh: TRỊNH BẢO KHIÊM (Dự thi cuộc thi ảnh Nụ xuân trên Tuổi Trẻ Online)

Năm mới Nhâm Dần (2022), Tuổi Trẻ Online đã trò chuyện với thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM - về những bài học, câu chuyện ý nghĩa ngày Tết mà cha mẹ có thể nói cùng con.

Khi được hỏi về giá trị của ngày Tết trong truyền thống người dân Việt, ThS Lê Trường An nói:

- Tôi nghĩ rằng với người Việt Nam, Tết cổ truyền là một thời điểm mà ở đó các giá trị về truyền thống được phản chiếu rõ nét nhất. Đây cũng là dịp để thể hiện tình cảm với gia đình, bạn bè và những người chúng ta yêu mến, bởi lẽ người Việt chúng ta rất ngại thể hiện tình cảm trực tiếp.

Từ những dịp đặc biệt như Tết, tình cảm gia đình và sự gắn kết giữa các thế hệ, thành viên trong dòng họ cũng sẽ bền chặt hơn. Tôi thấy mình may mắn khi được dạy dỗ những giá trị đấy từ gia đình của mình, và đến hôm nay các giá trị đó vẫn còn nguyên ý nghĩa.

2 Co Nen Coi Tet La Dip Cac Con Thu Hoach Li Xi

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khơi dậy nền tảng gia đình

* Ngày nay, Tết không còn lưu giữ nhiều không khí như xưa, nhưng dịp này chắc cũng có nhiều bài học bổ ích mà cha mẹ có thể nói cùng con, ví dụ như hướng về ông bà tổ tiên, tinh thần tri ân, báo ân. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Đúng vậy! Tôi nhận thấy rất rõ nét sự thay đổi về hình thức của Tết cổ truyền của người Việt Nam chúng ta. Nếu như nhiều năm trước, tôi trông đợi Tết để được mặc quần áo mới, để được ăn những món ăn như bánh Tét, thịt kho, được nghe tiếng pháo rộn rã... thì rõ ràng ở thời hiện tại chúng ta không trông đợi những điều này nhiều như trước nữa.

Mặc dù sự thay đổi về hình thức là vậy, những giá trị văn hóa truyền thống mà Tết cổ truyền mang lại vẫn còn đó. Có thể khẳng định, Tết là dịp để cha mẹ giáo dục con cái của mình về lòng kính trọng và biết ơn tổ tiên, ông bà, bố mẹ. 

Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy sau một năm làm việc, và đây cũng là thời điểm để quây quần và sẻ chia trực tiếp cùng nhau.

Người Việt Nam chúng ta dù thời đại nào thì vẫn luôn xem trọng và đề cao giá trị tâm linh và tình cảm gia đình. Cá nhân tôi tin rằng những giá trị về gia đình sẽ là nền tảng vững chắc để mỗi cá nhân chúng ta tựa vào và phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho gia đình và rộng ra là xã hội.

Lên kế hoạch sử dụng tiền lì xì một cách ý nghĩa

* Thời hiện đại, có hiện tượng người lớn lì xì để lấy lòng nhau chứ không còn mang ý nghĩa mừng tuổi đơn thuần như xưa. Theo anh, điều này ảnh hưởng tiêu cực ra sao đến trẻ?

- Vào ngày đầu của năm mới, chúng ta tin rằng việc chúc tụng và mừng tuổi mới sẽ mang lại sự hanh thông, may mắn cho cả năm. Tôi nghĩ rằng đây là một phong tục tốt đẹp và có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc chúng ta mừng tuổi bằng những phong bao lì xì mà ở đó giá trị về mặt vật chất được đề cao hơn ý nghĩa là điều cần tránh. 

Có một thực tế rằng trẻ con ngày nay biết sử dụng tiền khá sớm, vậy nên cũng có không ít cha mẹ xem Tết là dịp để các con "thu hoạch". Đây là điều mà tôi cho rằng quý vị phụ huynh nên xem lại. Bởi lẽ khi con trẻ quá xem trọng giá trị về vật chất ở tuổi nhỏ sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy về sau.

Đối với con cháu trong gia đình, tôi thường lì xì các con những tờ tiền mới, giá trị thấp hoặc cũng có thể là một câu chúc hay ngày Tết được trình bày đẹp mắt. 

Tôi nhận thấy được sự bất ngờ, thích thú từ các cháu của mình. Do đó, tôi vẫn tin rằng giá trị về tinh thần là thứ được lưu giữ lâu nhất.

* Liên quan đến tiền mừng tuổi, phụ huynh có thể dạy con xử lý món tiền mỗi đầu năm mới ra sao để các con biết trân quý hơn tập tục tốt đẹp này?

- Tùy theo mỗi gia đình mà số tiền lì xì sẽ được sử dụng ở các mục đích khác nhau, ví dụ mua sắm thêm một vài dụng cụ học tập, món đồ chơi mà con thích.

Tuy nhiên, dù là sử dụng vào mục đích gì thì tôi nghĩ rằng điều quan trọng mà cha mẹ cần dạy cho con đó là biết cách lên kế hoạch. Thay vì bố mẹ giúp con quyết định thì hãy gợi mở cho các con kế hoạch chi tiêu tiền mừng tuổi. 

Và đừng quên hỏi con lý do tại sao con lại chọn sử dụng vào việc chi tiêu đó. Nếu mục đích sử dụng chưa hợp lý, phụ huynh có thể định hướng lại cho con trẻ.

Còn một điều hết sức ý nghĩa nữa mà bản thân tôi đã áp dụng với gia đình mình đó là sử dụng tiền mừng tuổi vào mục đích thiện nguyện. 

Có thể số tiền không nhiều nhưng chúng ta có thể trao đi và nhân rộng sự may mắn của mình đến với các hoàn cảnh khác. Thông qua đó, tôi tin chắc rằng con trẻ sẽ học được rất nhiều về tính yêu thương và lòng san sẻ, từ đó hình thành nên một nhân cách tốt.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC